Chung sống hiểm họa!

Chung sống hiểm họa!

Tuyến đường Bắc Thủy Tú - Phò Nam từ khi làm xong, đã trở thành cái bẫy chết người treo lơ lửng trên đầu của gần chục hộ dân nằm ngay phía bên dưới. Sự thật tréo ngoeo này đã và đang gây hoang mang, lo sợ cho hơn 50 con người đang ngày đêm cầu cứu các cấp ngành chức năng khi mùa mưa bão đã cận kề.

Đã mấy đêm liền gia đình Bà Lê Thị Đang (thôn An Định, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) không có được giấc ngủ yên. Hễ nghe trời đổ mưa là cả gia đình bật đèn, thức giấc để: “Có gì chạy cho kịp, không thì bị chôn sống như chơi chú ơi” - bà Đang cho biết. Theo bà, từ khi tuyến đường Bắc Thủy Tú - Phò Nam được đầu tư xây dựng, chạy sát vách nhà bà đã trở thành “cái bẫy” chết người do cốt đường được đổ cao quá nóc nhà bà, chỉ qua mấy cơn mưa nhỏ, nền đường đã bị sạt lở, nứt toác.

Ta-luy của tuyến đường Bắc Thủy Tú - Phò Nam bị nứt toác, chỉ cần trận mưa lớn thì những ngôi nhà phía dưới sẽ bị chôn vùi.

Ta-luy của tuyến đường Bắc Thủy Tú - Phò Nam bị nứt toác, chỉ cần trận mưa lớn thì những ngôi nhà phía dưới sẽ bị chôn vùi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuyến đường Bắc Thủy Tú - Phò Nam dài 12,3km, tổng mức đầu tư 52 tỷ đồng từ vốn của Ngân hàng châu Á (ADB) (thường gọi là đường ADB5) do Công ty CP Xây dựng công trình thủy Hà Nội cùng Công ty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng nông thôn Hà Nội trúng thầu, thi công đến nay cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, đoạn đường đi qua thôn An Định xuất hiện dấu hiệu sụt lở mái ta-luy âm hết sức nghiêm trọng.

Dẫn chúng tôi ra tuyến đường, ông Nguyễn Văn Năm chỉ xuống gần chục nóc nhà nằm khuất sâu dưới mặt đường đến 2-3m, nói: “Đất ta-luy mép đường là đất “mượn”. Chỉ cần mưa lớn, nước từ núi đổ xuống sẽ kéo theo lượng đất mới này (cả ngàn mét khối) trôi xuống, và những ngôi nhà kia sẽ chỉ trong tích tắc bị đất đá “nuốt” gọn. Chúng tôi sống ở đây gần 30 năm rồi, hàng năm đủ sợ với lũ ống, lũ quét từ sông Cu Đê, nay đường mới hoàn thành, nhưng xe cộ chưa chạy được bao nhiêu mà ta-luy đường đã nứt thế kia, ai bảo đảm nó sẽ không sụt xuống trong mùa mưa này”.

Ông Nguyễn Đăng Huy, Trưởng ban Quản lý Dự án giao thông nông thôn (Sở Giao thông Vận tải TP Đà Nẵng), cho biết về cơ bản tuyến đường đã hoàn thành, dự kiến bàn giao trong tháng 10-2012 này. Tuy nhiên, do những trận mưa vừa qua nên tại một số điểm bị sạt lở nên phía nhà thầu đang tiến hành khắc phục. Ban quản lý cũng đã nhận được thông tin từ chính quyền xã và đã có văn bản gởi các cơ quan chức năng của huyện Hòa Vang và thành phố có phương án di dời những hộ dân này.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Tăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, lên thành phố đề nghị có biện pháp di dời khẩn cấp những hộ dân này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Trước mắt, xã cũng đã tìm địa điểm kiên cố, thích hợp để di dời dân trong trường hợp khẩn cấp khi có nguy cơ sạt lở hoặc lũ quét.

Những hộ dân ở thôn An Định đã hàng chục năm nay đối mặt với lũ ống, lũ quét mỗi khi bước vào mùa mưa lũ; nay lại thêm nguy cơ sạt lở treo lơ lững trên đầu chẳng khác nào bị kẹp giữa 2 hiểm họa chết người. Thiết nghĩ, chính quyền huyện Hòa Vang cũng như TP Đà Nẵng cần có biện pháp cấp bách để di dời những hộ dân này trước khi quá muộn. 

NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục