Nhiều hệ lụy
Dự án “Xây dựng hệ thống quan sát chất thải nhựa trong xã hội và môi trường” (COMPOSE) do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam triển khai đã chỉ ra, trong 250.000 tấn rác thải nhựa mỗi năm ở TPHCM, có 48.000 tấn được đem đi chôn lấp, hơn 200.000 tấn được tái chế hoặc thải thẳng ra môi trường. Đáng báo động, sông Sài Gòn có lượng rác thải nhựa đứng thứ 5 Việt Nam và thứ 45 trên thế giới. Lượng rác thải nhựa đổ ra sông Sài Gòn vào tháng 3-2018 ghi nhận 5,6 - 10,3 tấn. Dựa vào con số này, lượng rác thải nhựa ước tính 7.500 - 13.000 tấn/năm. Mỗi lít nước sông Sài Gòn đổ ra biển có lượng vi nhựa gấp 1.000 lần so với sông Seine ở Paris.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, cứ mỗi hạt vi nhựa vỡ ra sẽ sản sinh rất nhiều chất độc gây hại sức khỏe. Khi đó, con người có thể bị cân bằng hormone, mắc bệnh về thần kinh, bệnh hô hấp… Hạt vi nhựa dài dưới 5mm, khi không được thu gom xử lý đúng cách sẽ gây tác động tiêu cực đến môi trường, đại dương, sinh vật dưới nước. Hạt vi nhựa có trong hầu hết sản phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày như sữa rửa mặt, sữa tắm, kem đánh răng và một số loại mỹ phẩm. Mỗi lần giặt 6kg quần áo, chúng ta cũng thải ra môi trường 728.000 sợi vi nhựa.
Các nhà nghiên cứu của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) cũng cho rằng ô nhiễm nhựa là một vấn đề xuyên biên giới, gây ra các tác động toàn cầu. Khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, dễ bị tác động nhiều nhất do khu vực này là nơi gánh chịu phần lớn hệ quả từ sự quá tải và không hiệu quả của hệ thống tái chế toàn cầu. Ô nhiễm nhựa gây ra những tác động kinh tế tiêu cực đối với các ngành công nghiệp của khu vực, ước tính chạm mức 1,3 tỷ USD/năm.
Dù hầu hết Chính phủ các quốc gia đã tuyên bố hoặc đang trong quá trình thiết lập các biện pháp mang tính pháp lý ở cấp quốc gia, các biện pháp này đều bị hạn chế trong khả năng giải quyết thách thức rộng lớn mang tính xuyên biên giới của ô nhiễm nhựa đại dương do thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các quốc gia. Đã đến lúc, các nước phải tính chuyện thiết lập một hiệp ước quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý để chống lại ô nhiễm nhựa. Sự tiện lợi và phổ biến của các sản phẩm nhựa trên thị trường, nhất là các mặt hàng nhựa sử dụng một lần khiến người tiêu dùng tiêu thụ, sử dụng một lượng lớn nhựa. Do vậy, chúng ta cần đưa ra những giải pháp cơ bản để hạn chế như ưu đãi cho các sản phẩm sáng tạo mới, thúc đẩy các sản phẩm thay thế bền vững hơn hoặc không chứa nhựa. Tạo một cơ chế dán nhãn nhằm thúc đẩy những lựa chọn tốt hơn từ người tiêu dùng. Cần khuyến khích sự vào cuộc của doanh nghiệp trong việc xử lý bao bì nhựa.
Kết hợp nhiều giải pháp
Để chung tay cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu giảm rác thải nhựa, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Theo đó, TPHCM phấn đấu đến hết năm 2021, 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường phục vụ cho mục đích sinh hoạt để thay thế túi ni lông khó phân hủy; tiểu thương tại chợ dân sinh giảm 50% sử dụng bao bì ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói sản phẩm.
Các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phải gương mẫu, tích cực, đi đầu trong việc giảm thiểu, tái sử dụng chất thải nhựa, không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần (chai, lọ, ống hút, hộp xốp...) tại công sở, hội nghị, hội thảo. Đặc biệt, hạn chế sử dụng băng rôn, khẩu hiệu… dùng một lần, chuyển sang sử dụng các trang thiết bị điện tử phục vụ cho công tác tuyên truyền.
Để đạt được các mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình đã chỉ đạo các sở ban ngành, đơn vị có liên quan chung tay xây dựng kế hoạch hành động thực hiện. Trong đó, chú trọng đến công tác kiểm soát chất thải tại nguồn. Hạn chế tối đa và tiến tới không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong tất cả các hoạt động hàng ngày của các cơ quan nhà nước, nhà máy, trường học, sinh hoạt người của người dân.
Vận động các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, cơ sở sản xuất kinh doanh du lịch, ăn uống… có kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa, chuyển dần sang sử dụng sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường. Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho các dơn vị có chức năng xử lý.
Song song với giải pháp kiểm soát tại nguồn, TPHCM cũng khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa thông qua các hoạt động phát triển, triển khai sử dụng mô hình 3T (Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế), khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức có chức năng, đủ điều kiện thực hiện dịch vụ thu gom, tái sử dụng, tái chế chất tải nhựa trên địa bàn thành phố.
TPHCM cũng sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra các hành vi vi phạm về môi trường như vứt chất thải, chất thải nhựa bừa bãi ở nơi công cộng. Kiểm tra và xử lý các vi phạm về thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp… trong hoạt động nhập khẩu, sản xuất phân phối, kinh doanh bao bì nhựa khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích sản phẩm tái chế, sản phẩm thân thiện với môi trường.