Chúng ta không để là những con người thụ động giữa một thế giới các rô bốt

Không có sự khác biệt nào giữa đạo đức trong giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hay giáo dục phổ thông. Tất cả chỉ là đạo đức, từ một nền tảng chung của xã hội, từ quan điểm, văn hóa chung của đất nước. 

Trước thềm năm mới Canh Tý, PGS-TS Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, đã có những chia sẻ với PV Báo SGGP về vấn đề đạo đức trong giáo dục hiện nay. Đây cũng là vấn đề rất quan trọng luôn được đề cập trong các quyết sách lớn của Đảng, Chính phủ về GD-ĐT. 

Chúng ta không để là những con người thụ động giữa một thế giới các rô bốt ảnh 1 PGS-TS Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội
Phóng viên: Thưa PGS-TS Phan Thanh Bình, vì sao vấn đề đạo đức trong giáo dục hiện nay lại rất được quan tâm?  

PGS-TS Phan Thanh Bình: Đạo đức là con người. Giáo dục chính là dạy làm người nên đạo đức là một nội dung hết sức quan trọng của giáo dục. Từ xưa đến nay, lúc nào đạo đức cũng được Nhà nước, ngành giáo dục và xã hội, gia đình quan tâm, chăm sóc, vun bồi, nhất là đối với thế hệ trẻ. 

Phải chăng chúng ta đã lãng quên quá lâu với vấn đề đạo đức trong môi trường giáo dục nên hiện nay mới đặc biệt quan tâm? 

PGS-TS Phan Thanh Bình: Cuộc sống luôn vận động, đạo đức là một phạm trù thuộc nhận thức của con người, phụ thuộc vào cuộc sống, kinh tế, quan điểm của mỗi xã hội. Do đó, khi xã hội phát triển thì đạo đức cũng cần được nhìn nhận, quan tâm đúng mức. Nên nhìn đạo đức dưới con mắt phát triển của xã hội, và như thế thì tại thời điểm hiện nay cần thiết phải nhìn lại văn hóa, con người, quan hệ con người với nhau và với môi trường bên ngoài, cũng như đạo đức nói chung. Hiện nay, theo tôi có 3 yếu tố tác động đến xã hội và con người chúng ta nên đạo đức, giáo dục đạo đức cần được quan tâm một cách sâu sắc. 

Thứ nhất, đó là điều kiện kinh tế đã được nâng lên một mức. Đặc biệt khi nền kinh tế thị trường đang phát triển mạnh mẽ, những khái niệm về giá trị đạo đức có thay đổi, các giá trị về vật chất đang được nâng lên và có tác động đến toàn bộ hoạt động xã hội, kể cả tác động đến quan hệ giữa người với người. Điều này yêu cầu càng phải quan tâm đến các giá trị tinh thần, đạo đức vì đó chính là nền tảng của quan hệ người với người, là nền tảng của hoạt động xã hội. 

Thứ hai, vấn đề toàn cầu hóa không chỉ ở những ngôn từ, phát biểu mà đã tạo nên một không gian sống mới, một thế giới phẳng hơn, rộng hơn mà cũng gần gũi hơn, giao lưu nhiều hơn và kéo theo đó là những quan niệm, cách sống, văn hóa giao thoa, chuyển hóa, xâm nhập vào nhau. Như thế, thêm một yêu cầu về một đạo đức của con người thời đại mới đang hình thành.

Thứ ba, đó là sự phát triển của khoa học - công nghệ hết sức mạnh mẽ, trong thời đại số, lượng thông tin tăng lên theo cấp số nhân, trí tuệ nhân tạo và rô bốt đang tham gia ngày càng nhiều vào cuộc sống. Những yếu tố này đang thay đổi dần cách sống, thói quen của từng người, tác động vào “thành trì” gia đình và thay đổi cả những quan hệ, phong cách của các cộng đồng người, xã hội. Ở đây, thêm một yêu cầu về vấn đề đạo đức để xã hội chúng ta vẫn mãi là xã hội Việt Nam văn hiến, nhân văn và yêu nước, không để là những con người thụ động giữa một thế giới các rô bốt. 

Đạo đức đã, đang và sẽ được chuyển tải như thế nào cho hiệu quả để học sinh từ mầm non đến những sinh viên ở các trường đại học thấm nhuần? 

PGS-TS Phan Thanh Bình: Giáo dục đạo đức bao gồm 2 vấn đề: nội dung giáo dục và phương thức giáo dục. Đạo đức thuộc về phạm trù văn hóa, quan điểm nên phương thức giáo dục không chỉ là những kiến thức, nội dung cụ thể mà cần ở cả việc nêu gương của thầy cô, gia đình, người lớn và cả xã hội. Trong đó, không loại trừ các hình ảnh, gương điển hình trong xã hội, cuộc sống. 

Tuy nhiên, với quan niệm đạo đức, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, có phát triển thì những nội dung giáo dục chỉ ổn định một cách tương đối, mà chủ yếu là xây dựng nền tảng, nhận thức về đạo đức để mỗi cá nhân sẽ biết điều chỉnh thái độ, hành vi của mình theo một nền tảng chung. Trong đó, điều quan trọng là phải dạy cho học sinh tính độc lập suy nghĩ, có tư duy phê phán và biết phân biệt đúng, sai để tự điều chỉnh suy nghĩ, thái độ của mình trong cuộc sống, trước các mối quan hệ xã hội.

Vậy vị trí, tâm thế, hình ảnh của người thầy trong thời đại mới phải như thế nào để có thể dạy và chuyển tải đạo đức cho người học? 

PGS-TS Phan Thanh Bình: Trước hết, người thầy là một công dân tốt, sống đúng. Người thầy phải là người sống đúng, thể hiện đúng những gì mình đã lên lớp, truyền đạt cho các học sinh, sinh viên. Trong đó, quan trọng nhất là tư duy độc lập, thể hiện năng lực nhận thức và phân biệt đúng, sai. Điều chỉnh thái độ, quan hệ xã hội một cách đúng đắn, trung thực. 

Chúng ta không để là những con người thụ động giữa một thế giới các rô bốt ảnh 2 Sử dụng rô bốt trong phẫu thuật ngày càng phổ biến. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Còn yếu tố gia đình (cha, mẹ) có vai trò ra sao trong giáo dục đạo đức, thưa ông?  

PGS-TS Phan Thanh Bình: Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách, đạo đức của một công dân trẻ. Cũng như người thầy, cha mẹ sẽ là tấm gương để người trẻ nhìn vào noi theo, từ quan điểm, nhận thức, tư duy, đến thái độ, hành xử độc lập với cái đúng, cái sai trong xã hội, đời sống. Điều quan trọng, người trẻ còn ràng buộc về tình cảm và cuộc sống đối với gia đình, nên thành tố nền tảng xã hội này có tác động rất quyết định.  

Có quan điểm cho rằng giáo dục đạo đức chỉ cần ở bậc phổ thông (từ mầm non đến THPT) còn sau THPT thì người học đã trưởng thành nên là vấn đề tự thân. Như vậy có đúng không? 

PGS-TS Phan Thanh Bình: Đạo đức là con người, là văn hóa, giá trị của mỗi người và có phát triển, thay đổi theo môi trường xã hội cũng như nhận thức của mỗi người. Chính vì vậy, đạo đức đâu chỉ cần ở bậc phổ thông. Tuy nhiên, như trang giấy trắng, ở cấp phổ thông, người trẻ cần được giáo dục, xây dựng những nền tảng, tư duy độc lập, nhận thức đúng về đạo đức để phát triển sau này.

Vậy đạo đức trong các trường đại học được xây dựng như thế nào? 

PGS-TS Phan Thanh Bình: Không có sự khác biệt đạo đức trong giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hay giáo dục phổ thông. Tất cả chỉ là đạo đức, từ một nền tảng chung của xã hội, từ quan điểm, văn hóa chung của đất nước. Cái chính là ở cấp đại học, tư duy độc lập, tư duy phê phán, tôn trọng sự khác biệt và nhận biết đúng sai cần được khuyến khích và hoàn thiện. Ở đây không chỉ là tiếp nhận mà phải được tôn trọng và thực hành từ trong quan hệ giữa sinh viên với sinh viên, giữa sinh viên với giảng viên, giữa sinh viên với nhà trường, xã hội.

Từ đó, tự chủ đại học được xây dựng một cách đúng đắn ở trường đại học là một nhu cầu tất yếu. Tự chủ đại học, ở cơ sở đào tạo không chỉ là của giảng viên và ban giám hiệu, không phải chỉ để dành cho quản lý nhà trường, mà chính là để tạo nên môi trường, là điều kiện để hoàn chỉnh quá trình đào tạo những công dân trẻ Việt Nam, những công dân toàn cầu có trình độ chuyên môn, yêu nước, có đạo đức. Văn hóa đại học góp phần vào hoàn chỉnh đạo đức của mỗi thành viên của nó, góp phần hoàn thiện đạo đức của sinh viên. 

Xin cảm ơn ông! 

Tin cùng chuyên mục