Chung tay cùng cộng đồng vượt qua Covid-19

Tất cả người dân đều thực hiện khai báo y tế, “Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau”, hỗ trợ “Thiết bị sát khuẩn thông minh” cho một số địa phương… đó là những hoạt động thiết thực của người dân và chính quyền tỉnh Hậu Giang chung tay cùng cả nước vượt qua dịch Covid-19.
ATM gạo và “Siêu thị 0 đồng” tại huyện Long Mỹ

Lan tỏa yêu thương

“Nhà có hai vợ chồng già. Trước đây, hàng ngày ổng đi bán vé số, còn tôi thì bắt ốc, hái rau bán kiếm tiền sống qua ngày. Từ ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hai vợ chồng không đi làm được nữa nên rất khó khăn. May mắn, địa phương có máy ATM gạo kịp thời cho gạo và nhu yếu phẩm, nên trong những ngày tới gia đình bớt lo bị đói”, bà Nguyễn Thị Hai (75 tuổi, trú ấp Thị Tứ, thị trấn Châu Thành A) tâm sự khi nhận gạo, đường và dầu ăn tại điểm đặt ATM gạo ở huyện Châu Thành A.

Những ngày cuối tháng 4 và bước sang tháng 5-2020, tại Hậu Giang đã đưa 6 máy ATM gạo hỗ trợ cho người khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, đặt tại TP Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy và các huyện Châu Thành A, Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thủy. Các máy ATM gạo này do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang hỗ trợ cùng 1.000 phần quà, tổng trị giá trên 230 triệu đồng. Cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các đoàn thể đóng góp thêm gần 54 tấn gạo. Tại các điểm ATM gạo, người nghèo gặp khó khăn sẽ được nhận 2kg gạo/lần rút và phần quà gồm chai dầu ăn và 1kg đường. 

Bà Thái Thu Xương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Chúng tôi rất vui khi nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ từ cộng đồng, từ nhiều tầng lớp nhân dân. Cùng lúc, tỉnh cũng đã tiếp nhận tiền mặt hơn 1,6 tỷ đồng để chung tay lo cho người nghèo neo đơn vượt qua dịch Covid-19, vượt qua giai đoạn khó khăn do hạn mặn gây ra”. Đến nay, MTTQ tỉnh đã vận động được 11,4 tỷ đồng (tiền mặt và quà nhu yếu phẩm quy đổi). 

Trên 5.100 lượt người dân diện khó khăn đã được nhận gạo và quà từ 6 ATM gạo. Tại Long Mỹ, một huyện mới chia tách nằm lọt thỏm ở vùng sâu, thường xuyên chịu hạn mặn, đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn, người dân trong tỉnh đã chung tay vận động 10 mặt hàng nhu yếu phẩm để đặt thêm “Siêu thị 0 đồng” tại ATM gạo.

Tỉnh Hậu Giang đang quyết liệt để hoàn thành các dự án công nghệ thông tin, khẩn trương hoàn thiện Đề án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Hậu Giang để trình HĐND tỉnh thông qua, nhằm nắm bắt cơ hội vàng về chuyển đổi kinh tế số sẽ bắt đầu trong thời gian tới đây. Đồng thời tiếp tục các giải pháp thực hiện công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Biến thách thức thành cơ hội

Hậu Giang cũng là một trong những tỉnh đầu tiên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long sáng chế ra “Thiết bị sát khuẩn thông minh” để phòng chống dịch Covid-19.

“Với mong muốn chung sức, đồng lòng cùng thủ đô Hà Nội, TPHCM và Cần Thơ trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19; đồng thời bày tỏ tình cảm của người dân Hậu Giang đối với người dân 3 địa phương trên, tỉnh Hậu Giang trân trọng kính tặng thủ đô Hà Nội 100 máy, TPHCM 100 máy và Cần Thơ 50 máy sát khuẩn thông minh để trang bị trong cơ quan, công sở và địa điểm công cộng, góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh”, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết.

“Thiết bị sát khuẩn thông minh” là sản phẩm do đội ngũ cán bộ ngành y tế Hậu Giang sáng chế, sử dụng công nghệ rửa tay tự động với dung dịch sát khuẩn cồn 70o, giúp rửa tay nhanh, sát khuẩn, giảm nguy cơ lây truyền vi khuẩn, virus qua tiếp xúc hàng ngày. Thiết bị này đã được sử dụng hiệu quả tại nhiều cơ quan, công sở trong tỉnh Hậu Giang và nhiều tỉnh, thành phố lân cận khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa có giải pháp ngăn chặn triệt để, những khó khăn, thách thức và nhiệm vụ đặt ra cho tỉnh là rất nặng nề. UBND tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng để ứng phó diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Theo UBND tỉnh Hậu Giang, đây cũng là “cơ hội vàng” cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện việc “tái cấu trúc”.

Trước hết là đổi mới phương pháp hoạt động truyền thống, từ tiếp xúc trực tiếp với đối tác, người tiêu dùng sang giao dịch trực tuyến; đẩy mạnh việc phát triển kinh tế số để giảm chi phí mặt bằng, hàng tồn kho và tái cấu trúc lĩnh vực hoạt động sang các ngành mới ứng dụng công nghệ cao hơn. Đối với chính quyền, đây là “cơ hội” đổi mới phương thức làm việc thông qua ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí thời gian và nhân lực; tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu chính công ích và các phương thức giao tiếp trực tuyến với người dân.

“Hậu Giang là địa phương thuộc nhóm có nguy cơ thấp, tỉnh nỗ lực tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch; đồng thời quyết tâm cao độ thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tận dụng cơ hội để Hậu Giang bứt phá, thu hẹp khoảng cách phát triển với các địa phương trong khu vực và cả nước”, ông Lê Tiến Châu khẳng định.

Hoàn thành dữ liệu y tế quan trọng  

Theo số liệu thống kê từ Tập đoàn VNPT (đơn vị được giao nhiệm vụ phát triển ứng dụng khai báo sức khỏe tự nguyện NCOVI để cung cấp thông tin hỗ trợ ngành y tế trong phòng chống dịch Covid-19), Hậu Giang là tỉnh đứng đầu và là địa phương đầu tiên cả nước có số lượng người dân khai báo y tế đạt 100% thông qua ứng dụng NCOVI vào giữa tháng 4-2020. Theo đó, toàn bộ 750.015 người dân tỉnh Hậu Giang đã khai báo y tế. 

Để có được kết quả này, ngay từ đầu lực lượng đoàn viên thanh niên của tỉnh đã phối hợp với trung tâm dân số các cấp triển khai thực hiện khai báo y tế, trong đó, đoàn viên thanh niên đóng vai trò tiên phong. Cán bộ Đoàn và đoàn viên thanh niên khai báo y tế trước, sau đó hỗ trợ cán bộ công chức, viên chức, những người xung quanh mình cùng thực hiện khai báo y tế. Việc người dân tỉnh Hậu Giang “về đích” sớm khai báo y tế là sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự hợp tác tích cực của người dân. 

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang, ban chỉ đạo tỉnh đã vào cuộc khẩn trương, đồng bộ. Các đơn vị đã tận dụng lợi thế với đội ngũ hơn 1.500 cộng tác viên dân số ở các cụm, tuyến dân cư hỗ trợ người dân khai báo. Theo số liệu thống kê về khai báo y tế thông qua NCOVI, đứng sau Hậu Giang là Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Hải Dương và Kon Tum. Trong số 15 tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng người dân khai báo y tế thông qua ứng dụng NCOVI, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn có Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long.  

“Với tinh thần “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, lực lượng đoàn viên thanh niên đã hỗ trợ người dân khai báo y tế, đặc biệt là những người già neo đơn, gia đình có trẻ nhỏ, bố mẹ đi làm ăn xa… Trong quá trình triển khai, có những địa phương, lực lượng đoàn viên thanh niên được giao khoán chỉ tiêu, số lượng cụ thể về khai báo y tế; có những địa phương, đoàn viên thanh niên phối hợp với lực lượng, đơn vị khác cùng thực hiện. Cách thức triển khai đó đã phát huy vai trò, trách nhiệm của đoàn viên thanh niên cũng như các lực lượng khác trong thực hiện khai báo y tế, để đạt được hiệu quả tốt nhất. Để không bỏ sót người khai báo y tế, các đội tình nguyện phối hợp với cán bộ dân số của ấp và khu vực nắm danh sách, số lượng nhân khẩu từng địa phương, từ đó rà từng người khai báo y tế. Với những người không ở địa phương, sẽ gọi điện hỗ trợ họ khai báo y tế qua điện thoại”, Bí thư Tỉnh đoàn tỉnh Hậu Giang Phạm Thị Thùy Dung cho biết. 

Việc “cán đích” về số người dân khai báo y tế sẽ là dữ liệu quan trọng cho ngành chức năng, để Hậu Giang cùng cả nước chung tay phòng chống dịch Covid-19 hiện nay.

 VĨNH TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục