Trong 2 ngày đầu tuần, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì đến 3 cuộc họp quan trọng về vùng ĐBSCL nhằm bàn giải pháp tháo gỡ cho các vấn đề hết sức bức bách: Tiêu thụ lúa đông xuân và an ninh lương thực quốc gia; đẩy nhanh dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và công tác chuẩn bị sơ kết thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu.
Đông xuân là vụ lúa quan trọng nhất của năm. Đến nay, hầu hết diện tích lúa tại các tỉnh ĐBSCL đã đến giai đoạn thu hoạch nhưng đang gặp khó trong tiêu thụ và giá bán. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, từ cuối 2018, giá lúa tươi (IR50404) tại ruộng có dấu hiệu sụt giảm. Đầu tháng 2-2019 giảm còn 4.200 - 4.400 đồng/kg; loại hạt dài (OM 504) còn 4.500 đồng/kg. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1-2019 sụt giảm cả về giá cả, khối lượng và giá trị. Nguyên nhân là do một số thị trường vẫn còn lượng gạo dư của 2018 nên chưa có nhu cầu nhập khẩu đầu năm. Sau Tết Kỷ Hợi 2019, các doanh nghiệp đã giao hàng vào tháng 12-2018 nên chưa chủ động giao hàng theo các hợp đồng, hệ thống thương lái chưa vào cuộc mạnh mẽ. Thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã xuất hiện thách thức mới. Rõ ràng đây là vấn đề bức xúc trước mắt nhưng cũng liên quan tới chiến lược phát triển dài hạn, như việc giá lúa gạo sụt giảm cần được xử lý gắn với nhiệm vụ tái cơ cấu ngành lúa gạo và an ninh lương thực trong tình hình mới.
Sau khi đồng ý các kiến nghị của Bộ NN-PTNT về thu mua lúa gạo tạm trữ, tại cuộc họp trên, Thủ tướng đã nêu rõ: “Lúa gạo chỉ có con đường phát triển duy nhất là nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu”. Trong bối cảnh mới về toàn cầu hóa và những vấn đề về cạnh tranh, bảo hộ thương mại, Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT, Bộ KH-ĐT nghiên cứu sâu hơn về an ninh lương thực, đề xuất với Chính phủ về khái niệm an ninh lương thực trong tình hình mới. Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần Chính phủ là phục vụ người dân, “được mùa nhưng không rớt giá”, “đồng tâm hiệp lực để đời sống người nông dân tốt hơn!”.
Về lĩnh vực giao thông đường bộ, ĐBSCL hiện chỉ có 40km đường cao tốc, bằng số lẻ của 740km đường cao tốc trên cả nước. ĐBSCL là khu vực đóng góp lớn cho kinh tế của quốc gia nhưng hệ thống đường sá, từ cao tốc đến đường sắt hầu như chưa có gì. Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km, rộng 17m, tổng mức đầu tư 9.668,5 tỷ đồng theo hình thức BOT nhưng ỳ ạch nhiều năm nay vì thiếu vốn, nhà đầu tư bỏ cuộc. Đây là dự án có vai trò đặc biệt quan trọng, kết nối khu vực ĐBSCL với TPHCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, là tuyến đường mà người dân ĐBSCL mong mỏi. Vì thế, sau khi lắng nghe ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của tuyến cao tốc này đối với sự phát triển của ĐBSCL và cả nước; đánh giá cao việc các bộ, địa phương, cơ quan liên quan đã vào cuộc, đề xuất các phương án xử lý tồn tại, vướng mắc đối với dự án. Thủ tướng yêu cầu, cần quan tâm đặc biệt trong chỉ đạo đối với dự án để hoàn thành đúng tiến độ, phấn đấu đến năm 2020 thông xe tuyến đường cao tốc này. Cần triển khai dự án nhanh chóng, kịp thời, chất lượng, đồng thời bảo đảm đúng quy định của pháp luật và chống tham nhũng, tiêu cực.
Tháng 9-2017, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì “Hội nghị Diên Hồng” về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Sau hội nghị, tháng 11-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 với phương hướng và những vấn đề cần triển khai từ hội nghị trên. Có thể nói, Nghị quyết 120 là bước đột phá về đổi mới tư duy tiếp cận, tuy nhiên theo Bộ TN-MT, một số cơ quan, địa phương chưa thực sự đổi mới theo tinh thần này, còn trông chờ vào hướng dẫn và nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương. Tại cuộc họp về công tác chuẩn bị tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết 120, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, đây là nghị quyết được nghiên cứu xây dựng bài bản về quan điểm phát triển, mô hình phát triển và giải pháp cụ thể, được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu xảy ra gay gắt, thì việc sớm sơ kết, đánh giá việc thực hiện nghị quyết là rất cần thiết. Thủ tướng đánh giá, các bộ, ngành, địa phương có chuyển biến trong tổ chức thực hiện nghị quyết, trong đó có các đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và một số lĩnh vực ở vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng thiếu quyết liệt trong triển khai nghị quyết, tư duy và hành động còn nhiều vấn đề đặt ra; thiếu sự chủ động, vận động nhân dân trong thực hiện nghị quyết. “Tư tưởng xuôi chiều, lãng quên, chấp nhận cái cũ, không chịu đổi mới tư duy là có, trong khi đó, nhiều bộ trưởng đang lăn xả vào công việc, xử lý các vấn đề liên quan đến đời sống và phát triển ĐBSCL. Định hướng phát triển và chỉ đạo thực hiện là hết sức quan trọng đối với vùng sông nước nhạy cảm, chịu tác động mạnh mẽ, sâu sắc của biến đổi khí hậu như ĐBSCL”, Thủ tướng nói và yêu cầu, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, có nghị quyết mà không triển khai.
3 cuộc họp trong 2 ngày nhằm giải quyết những vấn đề bức bách của ĐBSCL, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người đứng đầu Chính phủ về vùng đất này. Nhưng, sự quan tâm đó sẽ mất ý nghĩa nếu các bộ, ngành, các địa phương thiếu hành động quyết liệt để giải quyết những rào cản, đưa ĐBSCL phát triển bền vững!