Chung tay vì “người Việt hàng Việt”

Chưa bao giờ phong trào “người Việt hàng Việt” lên cao như hiện nay. Từ các chợ truyền thống đến các siêu thị, trung tâm thương mại, đi đến đâu người ta cũng bắt gặp khẩu hiệu thời thượng này. Thậm chí, trong kế hoạch kinh doanh của các nhà phân phối trong nước còn gắn với việc hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển hàng Việt. Đối với các cơ quan truyền thông, bằng nhiều cách cũng có hẳn các chương trình riêng tuyên truyền hàng Việt. Đây là những tín hiệu tốt lành để hàng Việt từng bước tìm được chỗ đứng ngay trên sân nhà.

Tuy vậy, gần một năm trôi qua, kể từ ngày Bộ Chính trị phát động chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hiệu quả trên thực tế mang lại chưa như kỳ vọng. Tại một vài địa phương, mặc dù lãnh đạo đến các sở ngành chức năng đều có báo cáo sơ kết chương trình thực hiện, nhưng nội dung vẫn na ná nhau về nội dung và nhìn nhận chuyển biến thực tế chưa rõ nét. Riêng tại TPHCM - trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước, tình hình có khá hơn.

Nếu trước đó đã có chương trình bình chọn hàng Việt Nam với sự tôn vinh của hơn 700 doanh nghiệp thì nay còn có hàng loạt chương trình khác, nổi bật là chương trình hàng Việt về nông thôn do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức. Cùng với đó, BSA cũng đã thực hiện hàng loạt chương trình cổ vũ hàng Việt như Thanh niên với hàng Việt, Đại sứ hàng Việt… nhằm đưa hàng hóa trong nước đến gần người tiêu dùng hơn. Dù còn nhiều ý kiến trái chiều, song không thể phủ nhận những nỗ lực của nhà tổ chức khi thực hiện các chương trình này.

Các doanh nghiệp cũng đã bày tỏ quyết tâm mạnh mẽ để chinh phục thị trường nội địa. Biểu hiện rõ nhất là chương trình truyền hình trực tiếp công bố “Chương trình đẩy mạnh liên kết – hành động vì hàng Việt” vừa diễn ra tối qua 1-7 của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao. Làm gì để hàng Việt thắng trên sân nhà? Đây là vấn đề trăn trở, nỗi mong chờ không chỉ của riêng cộng đồng doanh nghiệp mà là của nhiều người.

Bởi lẽ, trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn trong giai đoạn hậu khủng hoảng, người tiêu dùng thế giới tiếp tục thắt chặt chi tiêu, thị trường xuất khẩu bị co lại thì thị trường trong nước chính là lối ra cho hàng nội địa. Bản thân các nước cũng không ngừng dựng lên các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước nên việc kêu gọi người dân ủng hộ hàng trong nước là kịp thời và là chính sách đúng.

Dùng hàng trong nước không chỉ đơn thuần là góp phần kích thích sản xuất, duy trì công ăn việc làm cho người lao động, ổn định kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng cũng trở nên khó tính hơn lúc nào hết. Họ không chỉ đòi hỏi ở chất lượng sản phẩm phải ngày càng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn, chế độ hậu mãi tốt mà ngay cả giá cả cũng phải “mềm” hơn…

Vì vậy, quyết tâm chinh phục “sân nhà” không phải là khẩu hiệu hô hào suông, mà từ các bộ ngành chức năng đến các doanh nghiệp phải vào cuộc, cùng chung tay thực hiện một cách hiệu quả.

Để thực hiện được chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” một cách căn cơ, có chiều sâu, ngoài sự đồng hành và vào cuộc của toàn xã hội, cũng cần lắm một nhạc trưởng phác họa và triển khai chiến lược phát triển thị trường nội địa. Đây mới là mấu chốt quyết định sự thành bại của chính sách.

Nói cách khác, nếu có những định hướng chiến lược từ phía Nhà nước trong việc hỗ trợ quảng bá thương hiệu, xu hướng tiêu dùng thì khoảng cách về hàng nội – ngoại sẽ nhanh chóng được rút ngắn. Hàng Việt nhất định sẽ thắng trên sân nhà!

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục