Chung tay vì thuốc Việt

Chung tay vì thuốc Việt

Thực hiện cuộc vận động Người Việt dùng thuốc Việt, ngày 6-5, Sở Y tế TPHCM phối hợp cùng Hội Dược học TP tổ chức hội thảo - triển lãm “Thuốc Việt - Cơ hội và thách thức”. Với sự tham gia của 38 doanh nghiệp dược trong nước và gần 500 y bác sĩ, dược sĩ, các đại biểu đã bày tỏ nhiều tâm tư xung quanh việc sử dụng thuốc Việt.

  • Bệnh viện “kén” thuốc Việt

Trong số 100 nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt của Tổ chức Y tế thế giới (GMP-WHO), TPHCM có tới 22 nhà máy, đứng đầu cả nước về sản xuất - phân phối dược phẩm. Thế nhưng, không ít chuyên gia dược học đánh giá việc các nhà máy đáp ứng nhu cầu điều trị tại TPHCM còn quá thấp, chỉ đạt khoảng 50%. Điều đáng nói, nhiều công ty dược phẩm sản xuất các loại thuốc trùng nhau, thuốc điều trị thông thường nên phải cạnh tranh nhau gay gắt.

Đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco giới thiệu các loại thuốc tham gia chương trình bình ổn giá tại Cần Giờ. Ảnh: Mai Hải

Đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco giới thiệu các loại thuốc tham gia chương trình bình ổn giá tại Cần Giờ. Ảnh: Mai Hải

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan đặt ra 2 vấn đề mấu chốt: “Một là bác sĩ lạm dụng kê đơn thuốc ngoại; hai là người bệnh tôn sùng thuốc ngoại. Nếu nhận thức được rằng người bệnh phải chịu gánh nặng thế nào khi 60-70% chi phí điều trị là dành cho tiền thuốc, thiết nghĩ giới y bác sĩ cần xem lại toa thuốc của mình đã thật hợp lý, hợp tình hay chưa?”.

Phát biểu tại hội nghị, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng sự “giẫm đạp” lên nhau đang khiến thuốc sản xuất trong nước thêm phần yếu thế trước các loại thuốc nhập ngoại. Trong khi đó, rất ít doanh nghiệp dược mạnh dạn đầu tư phát triển các sản phẩm thuốc mới, thuốc đặc trị, nhường “sân chơi” cho các hãng dược độc quyền đa quốc gia.

Đánh giá về tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước, các đại biểu tham dự hội nghị đều lắc đầu ngao ngán vì còn quá thấp. Dược sĩ Trần Thị Đào, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Imexpharm, nhìn nhận, mặc dù đã có bước cải thiện khi thuốc sản xuất trong nước được ưu tiên đấu thầu nhưng thực tế nhiều bệnh viện vẫn chưa mặn mà với thuốc Việt.

Minh chứng cho điều này, bà Phạm Khánh Phong Lan đưa ra con số thống kê mà Sở Y tế TPHCM khảo sát mới đây, đó là chỉ 50% số thuốc sản xuất trong nước được sử dụng ở các bệnh viện thuộc tuyến quận huyện; 30%-40% được sử dụng ở các bệnh viện đa khoa tuyến trên. Đáng buồn hơn khi hiện nay, tỷ lệ thuốc Việt được sử dụng trong các bệnh viện chuyên khoa cực kỳ thấp, chỉ khoảng 5%. Những bệnh viện chuyên khoa Mắt, Ung bướu, Tim mạch là điển hình về “kén” sử dụng thuốc trong nước.

“Vẫn biết rằng thuốc chuyên khoa là thuốc đặc trị nhưng với tỷ lệ quá thấp như vậy là không tưởng tượng được. Trong khi đó, một liều thuốc đặc trị nhập ngoại lên tới cả trăm USD, còn trong nước chỉ vài ngàn đồng”, bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

Tuy nhiên, sau nhiều năm đầu tư, phát triển, nhiều loại thuốc đặc trị chuyên khoa đã được doanh nghiệp dược trong nước sản xuất nhưng vẫn chưa được các bệnh viện hưởng ứng. Cụ thể như thuốc trị viêm gan siêu vi B, C có tên Pegnano của Công ty TNHH Công nghệ sinh học dược Nanogen TPHCM đã ra đời cả năm nay nhưng vẫn chưa “vào” được các bệnh viện, trong khi hiệu quả thực tế điều trị được BS Trương Bá Trung và các cộng sự tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đánh giá tương đương thuốc nhập ngoại với giá rẻ chỉ bằng 1/3.

Tìm hiểu sản phẩm thuốc của Công ty Pymepharco. Ảnh: MAI HẢI

Tìm hiểu sản phẩm thuốc của Công ty Pymepharco. Ảnh: MAI HẢI

  • Ủng hộ hàng nội địa

Có mặt trên thị trường từ năm 2003, đến nay sản phẩm thuốc viên sủi MyVita của Công ty CP Dược phẩm SPM đã được người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ cạnh tranh ngang ngửa với sản phẩm nhập ngoại về chất lượng, giá, mà nói như dược sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc SPM, loại thuốc này đã xuất khẩu qua thị trường Mỹ, vốn dĩ rất khắt khe dưới sự kiểm duyệt của Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA). “Qua sản phẩm này, chúng tôi muốn chứng minh rằng nếu trước đây thuốc trong nước bị đánh giá thua kém thuốc ngoại thì nay đã có những sản phẩm có hiệu quả điều trị ngang bằng”, ông Nguyễn Thế Kỷ cho biết.

Hay như nhiều loại thuốc kháng sinh của Công ty CP Dược phẩm Phú Yên (Pymepharco) được đánh giá không thua kém thuốc nhập ngoại.

Theo thống kê năm 2010, chi phí cho thuốc của người bệnh đã tăng lên 22,5USD/người/năm, tăng 12,4% so với năm 2009. Do đó, nếu cứ mãi dùng thuốc nhập ngoại thì chi phí ấy sẽ còn tiếp tục tăng thêm qua từng năm.

Nhằm nâng cao hơn nữa vị thế thuốc Việt, nhiều ý kiến thống nhất phải có sự đồng hành của ba bên: Nhà quản lý đưa ra các chính sách thích hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dược phát triển; doanh nghiệp dược nghiên cứu cải tiến, nâng cao chất lượng; đông đảo người dân, y bác sĩ ủng hộ. Mặt khác, cần đưa thuốc Việt vào danh mục ưu tiên đấu thầu thuốc bảo hiểm y tế cho bệnh viện, hạn chế nhập khẩu những loại thuốc mà trong nước sản xuất được…

Chỉ đạo cho định hướng nâng tầm thuốc Việt, TS Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng doanh nghiệp dược trong nước cần liên kết hơn nữa để đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới, chất lượng cao, mong mỏi giới y bác sĩ ủng hộ thuốc sản xuất trong nước để giảm bớt chi phí điều trị cho người dân. 

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục