LTS: 5 thành phố (TP) trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) ngày càng phát huy vai trò quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Nếu nói nước ta ngày càng hội nhập sâu với các khu vực và thế giới thì trước hết các TP trực thuộc Trung ương phải là đầu tàu. Do đó, nhiệm vụ xây dựng TP văn minh, hiện đại không chỉ là đòi hỏi khách quan của lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền các TP trực thuộc Trung ương mà còn là ý nguyện, niềm mong mỏi của người dân đòi hỏi có môi trường sống tốt đẹp hơn, ngày càng được nâng cao.
Ý Đảng, lòng dân
Triển khai các nghị quyết của Trung ương, Đảng bộ và chính quyền TP Hà Nội, TPHCM và các TP trực thuộc Trung ương khác: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ trong nhiều năm qua đã xây dựng các nghị quyết, chương trình, đề án công tác với mục tiêu tạo sự chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực, kiên trì xây dựng đô thị ngày càng văn minh, hiện đại; khát khao vươn lên trở thành TP động lực phát triển của vùng, tạo hạt nhân lan tỏa trong việc phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Có thể nói xây dựng TP văn minh, hiện đại là ý nguyện của các cấp lãnh đạo, của cả người dân. Bởi lẽ, ai cũng muốn có bộ mặt đô thị khang trang, sạch đẹp văn minh, sống ở “TP đáng sống”.
Dù có những bước tiến bộ rõ rệt, nhưng nhìn chung tại 5 TP lớn trực thuộc Trung ương kinh tế - xã hội chưa phát triển cân đối và toàn diện; chưa khai thác đúng mức các nguồn lực phát triển như về vốn, nhân lực, khoa học - công nghệ; công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị vẫn còn bất cập, chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của những trung tâm lớn về kinh tế - văn hóa - xã hội… Hiện nay cả nước đang triển khai Nghị quyết lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Chủ trương của Đảng là tại các đô thị lớn, cơ sở hạ tầng phải được phát triển đồng bộ và hiện đại, giải quyết cơ bản tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập; cung cấp ổn định điện, nước và xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Xây dựng TP văn minh, hiện đại chính là nâng cao chất lượng sống của thị dân, là nhằm đáp ứng nhu cầu nước ta cơ bản đạt được quy mô và trình độ của nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Và thời gian còn lại cho lộ trình này chỉ còn 8 năm nữa, nên càng trở thành một nhiệm vụ hết sức bức thiết.
Nâng cao ý thức người dân, trình độ quản lý đô thị
|
Có thể thống nhất nhận định rằng xây dựng TP văn minh, hiện đại; cư dân có nếp sống của thị dân, mang tác phong công nghiệp, có ý thức tuân thủ cao các luật lệ quy định của một đô thị phát triển… là việc phải thực hiện lâu dài, phải kiên trì vận động. Có thể nhìn nhận, chỉ hơn 10 năm qua các TP trực thuộc Trung ương trong cả nước đã có những bước phát triển vượt bậc về bộ mặt đô thị, đời sống người dân đã được nâng cao rõ rệt do GDP không ngừng tăng trưởng với tốc độ cao.
Tuy nhiên chất lượng sống lại không tăng tương xứng: ách tắc giao thông, ô nhiễm không khí, tiếng ồn, úng ngập trên diện rộng; xây dựng hỗn loạn, tình trạng thi công hệ thống cấp nước, thoát nước, các công trình ngầm không tuân thủ quy hoạch, không theo trình tự… đã làm cơ sở hạ tầng quá tải càng thêm quá tải, gây căng thẳng, bức bối trong sinh hoạt của người dân tại các đô thị lớn.
Thực trạng này xuất phát từ luật pháp về đô thị chưa đầy đủ, đồng bộ; công tác tổ chức và quản lý đô thị chưa khoa học, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển… Nhưng ý thức người dân cũng là một tác nhân khiến tình hình càng trầm trọng thêm, biểu hiện rõ ràng nhất là tình trạng rối loạn giao thông, chiếm dụng lòng lề đường ở các đô thị lớn hiện nay. Trước yêu cầu mới của đất nước, tôi cho rằng báo Đảng 5 TP trực thuộc Trung ương càng phải vào cuộc mạnh hơn bằng việc chẻ nhuyễn, tuyên truyền sâu về chủ đề này; phối hợp với các cấp hội, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp… đưa cuộc vận động đi sâu vào các tầng lớp nhân dân, thể hiện bằng các chỉ tiêu, phong trào cụ thể. Mục tiêu là biến cuộc vận động dần thành hành động mang tính ý thức tự giác cao của các tầng lớp nhân dân.
Để huy động mọi nguồn lực để đầu tư giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, giải tỏa những bức xúc trong thực tế vận hành tại các đô thị lớn; hình thành kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, tạo điều kiện đẩy nhanh hội nhập khu vực và quốc tế, cần sớm xây dựng quy hoạch chung hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cả nước. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển của các ngành, vùng, địa phương trong đó có các đô thị lớn; đảm bảo tính đồng bộ kết nối liên ngành, liên vùng trong phạm vi cả nước. Về phương thức triển khai, trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp, phải mở rộng các hình thức thu hút mạnh các thành phần kinh tế trong nước, nước ngoài tham gia đầu tư; mở rộng hình thức hợp tác công tư; đổi mới cơ chế, chính sách để huy động mạnh nguồn lực đất đai vào phát triển hạ tầng…
Đổi mới thể chế, cơ chế
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, 5 TP lớn trực thuộc Trung ương (TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ) đã có những bước phát triển vượt bậc, bộ mặt đô thị thay đổi rõ nét. Tại các TP lớn ngày càng có nhiều công trình hiện đại, đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, góp phần tạo diện mạo mới bộ mặt đô thị nước ta.
Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu mới của đất nước mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng (Khóa XI) đề ra, cần đổi mới thể chế điều hành tại các đô thị lớn. Lâu nay việc tổ chức quản lý các đô thị lớn ở nước ta không khác gì với địa bàn nông thôn (với các cấp hành chính tương đương) trong khi đó về quy mô dân số, kinh tế, yêu cầu hưởng thụ văn hóa, cuộc sống tinh thần rất khác. Việc quản lý các đại đô thị còn luôn phải giải quyết các vấn nạn như thiếu nhà ở, đường sá xuống cấp, bùng nổ dân số, thất nghiệp, tệ nạn xã hội…
Trước thực trạng như vậy, công tác quản lý đô thị cần có cơ chế đặc thù riêng, phù hợp, là cần xây dựng chính quyền đô thị. Về vấn đề này, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 của Đảng đã đề ra: “Tổng kết, đánh giá mô hình tổ chức và chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương nhằm xác lập mô hình tổ chức phù hợp, đảm bảo phân định đúng chức năng, trách nhiệm, thẩm quyền, sát thực tế, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn phù hợp”.
Thực tế tại các TP lớn trực thuộc Trung ương hiện nay rất cần mô hình chính quyền đô thị để tổ chức, quản lý theo hướng tập trung thống nhất, giảm bớt tầng nấc, có sự phân cấp rành mạch giữa ngành và cấp ở đô thị. Do chưa có mô hình chính quyền đô thị nên đã xảy ra tình trạng trì trệ trong tiến trình phát triển: TPHCM được nhìn nhận là trung tâm tài chính của cả nước nhưng bị phụ thuộc rất nhiều bởi cơ chế hiện nay. Các ngân hàng thương mại, sở giao dịch chứng khoán… đặt tại TPHCM nhưng hoạt động theo chỉ đạo của ngành dọc trung ương, rất khó bứt phá phát triển. TPHCM những năm qua đóng góp 20% GDP chung của cả nước, đóng góp tổng ngân sách nhà nước chiếm 30% nhưng chi ngân sách TPHCM chỉ chiếm 5% trong tổng chi của cả nước nên rất thiếu nguồn lực trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị.
TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng… đều muốn thực hiện mô hình chính quyền đô thị, được tổ chức bộ máy quản lý hành chính phù hợp với điều kiện và đặc thù phát triển của mình nhưng chưa được giải quyết. Chính vì vậy các đề nghị về tăng thẩm quyền tài chính ngân sách, tổ chức bộ máy biên chế, thẩm quyền xử phạt hành chính, hạn chế nhập cư vào nội thị… đều không được giải quyết, hoặc bị “thổi còi” do trái luật!
Lê Tiền Tuyến
Phó Tổng biên tập Báo SGGP
| |
|