Chứng thực bản sao, chữ ký - Chưa hết chồng chéo, bất cập

Mỗi nơi một kiểu
Chứng thực bản sao, chữ ký - Chưa hết chồng chéo, bất cập

Từ giữa năm 2007, việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký được thực hiện theo Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ. So với trước đây, thủ tục cấp bản sao, chứng thực đã “thoáng” hơn, phần nào giảm phiền hà và giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, sau hai năm, việc thực hiện nghị định này tại TPHCM đã bộc lộ không ít chồng chéo, bất cập.

Mỗi nơi một kiểu

Một điểm cải cách hành chính của Nghị định 79/2007/NĐ-CP so với Nghị định 75/2000/NĐ-CP của Chính phủ về công chứng, chứng thực là người dân có thể đến bất kỳ UBND phường, xã nào để yêu cầu chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao từ bản chính mà không cần phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại địa phương đó. Tuy nhiên, không phải lúc nào người dân cũng được phục vụ đúng theo quy định “thoáng” này.

Cán bộ của UBND phường 4 quận Tân Bình thực hiện chứng thực cho người dân.
Cán bộ của UBND phường 4 quận Tân Bình thực hiện chứng thực cho người dân.

Tại buổi sơ kết hai năm thực hiện Nghị định 79/2007/NĐ-CP vừa qua, bà Nguyễn Thị Mỹ Châu (Trưởng Phòng Tư pháp quận Bình Tân) cho biết: “Không ít trường hợp người dân trong quận khi đến nơi khác đề nghị chứng thực chữ ký thì được yêu cầu quay về nơi thường trú, tạm trú để chứng thực, khiến người dân cảm thấy rất phiền hà”.

Việc thực hiện quy định về chứng thực giữa các quận – huyện, phường – xã – thị trấn không thống nhất cũng khiến người dân thắc mắc không biết hồ sơ của mình được chứng thực như vậy đã đúng và đầy đủ hay chưa. Chẳng hạn, cùng chứng thực vào sơ yếu lý lịch nhưng nơi thì chứng thực chữ ký của người làm đơn, chỗ lại xác nhận rằng đương sự thường trú tại địa phương! Hoặc đối với giấy tờ, văn bản đóng dấu vuông (của tổ chức Đảng, bệnh viện…) thì xảy ra tình trạng nơi này nhận chứng thực bản sao từ bản chính, nơi khác lại kiên quyết lắc đầu. Chỉ vì hình dáng của con dấu mà những giấy tờ, văn bản này bất đắc dĩ trở thành “hàng độc” – bản sao không có giá trị pháp lý, chưa kể không ít người gặp khó khăn trong việc làm thủ tục để được nhận tiền bảo hiểm xã hội, vì không thể cung cấp cho cơ quan bảo hiểm xã hội bản sao giấy xuất viện có chứng thực.

Rắc rối chuyện phân cấp

Theo Nghị định 79/2007/NĐ-CP, thẩm quyền chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký thuộc về UBND phường – xã – thị trấn nếu giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt hoặc song ngữ; thuộc về Phòng tư pháp quận – huyện nếu giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang (Trưởng Phòng Tư pháp quận 3), sự phân cấp này đã vô tình “hành” người dân phải chạy cả lên quận lẫn về phường, chỉ để chứng thực cho xong một bộ hồ sơ. Bà cho rằng đã là văn bản đơn thuần và chữ ký cá nhân thì nơi đâu cũng có thể chứng thực được, quan trọng là phục vụ tốt cho người dân.

Ngoài ra, sự mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật cũng khiến công tác chứng thực gặp vướng mắc. Bà Trang nêu cụ thể: “Theo quy định tại Thông tư số 12/2008/TT-BCA ngày 20-8-2008 của Bộ Công an về sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BCA của Bộ Công an về việc tổ chức đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì giấy mua bán, tặng, cho xe của cá nhân phải có xác nhận của đơn vị công tác hoặc được UBND phường – xã – thị trấn chứng thực chữ ký của người bán, tặng, cho. Thế nhưng, việc mua bán, tặng, cho xe mang yếu tố giao dịch dân sự, nên theo tinh thần Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25-8-2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 79/2007/NĐ-CP thì thuộc loại việc được từng bước chuyển giao cho tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Chính vì sự “đá” nhau này nên cả cơ quan Nhà nước lẫn người dân đều lúng túng”.

Chứng giao dịch bất động sản - phân vân thẩm quyền

Là địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, TPHCM là nơi diễn ra rất nhiều hợp đồng, giao dịch bất động sản. Tuy nhiên, hiện vẫn còn ý kiến trái ngược nhau: vẫn giao cho UBND phường – xã – thị trấn chứng thực chữ ký các bên trên văn bản giao dịch hay chuyển giao sang cho tổ chức công chứng thực hiện công chứng? Theo ông Nguyễn Thái Phúc (Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TPHCM), việc chứng thực như từ trước đến nay không khác gì “hồn Trương Ba, da hàng thịt” – hình thức là chứng thực chữ ký nhưng nội dung là chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của nội dung giao dịch. Do vậy, nếu để các hợp đồng, giao dịch bất động sản cho UBND phường – xã – thị trấn chứng thực thì khó đảm bảo sự an toàn về mặt pháp lý; bởi khi có tranh chấp xảy ra, luật sư có quyền yêu cầu hủy biên bản thỏa thuận giữa các bên, với lý do việc chứng thực chữ ký là không hợp pháp.

Tuy nhiên, trưởng phòng tư pháp một số quận – huyện lại cho rằng chính quyền địa phương biết rõ về nguồn gốc, tình trạng pháp lý của bất động sản nên ít để xảy ra những trường hợp chứng thực không chính xác. Hơn nữa, các Phòng Công chứng (nhà nước) và Văn phòng công chứng (tư nhân) hầu như chỉ tập trung ở khu vực trung tâm TP, vì vậy sẽ khó cho người dân ở những huyện xa xôi như Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh… khi muốn chứng hợp đồng, giao dịch bất động sản.

Về vấn đề này, bà Ngô Minh Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp, bày tỏ quan điểm: “Các tổ chức công chứng đều kết nối với mạng cơ sở dữ liệu thông tin của Sở Tư pháp nên không lo không nắm rõ tình trạng pháp lý của bất động sản”. Nhưng bà cũng đồng tình với ý kiến rằng việc chuyển giao phải có lộ trình, đồng thời cho biết sang năm 2010 sẽ thành lập thêm các văn phòng công chứng ở khu vực vùng sâu vùng xa để đảm bảo sự thuận lợi cho người dân.

Từ năm 2004 đến năm 2008, lượng việc chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký tại UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn của TPHCM năm sau tăng hơn năm trước khoảng 30% (từ 3.441.696 việc trong năm 2004 lên 8.254.140 việc trong năm 2008). Riêng trong 6 tháng đầu năm 2009, chứng thực bản sao, chữ ký chiếm 98% tổng số việc chứng thực tại các UBND quận, huyện và 91% tổng số việc chứng thực tại các UBND phường, xã, thị trấn.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục