Tôi sinh năm 1958, song đã phải chính thức nghỉ hưu từ năm 2006! Đọc bài “Dự án hỗ trợ người về hưu” trên Báo SGGP (ngày 17-11-2007) tôi muốn rơi nước mắt vì đang ở trong tâm trạng đó, hoàn cảnh đó. Tôi cảm thấy mình còn rất trẻ và còn làm việc được, thế mà lại phải ngồi không, hết đi ra rồi lại đi vào, nấu ngày hai bữa cơm. Tôi “không có gà để đuổi, không có vườn để làm”, và cũng không có vốn để làm ăn. Thế là tôi chỉ còn có cách… sống chật vật với khoản lương hưu 1.161.000 đồng/tháng!
Trước nay tôi đã quá quen với cuộc sống của một công nhân viên nhà nước. Tôi bằng lòng với công việc đã được phân công và đã cố gắng hết sức để hoàn thành tốt phần việc của mình. Tôi sống an lành với thu nhập ổn định và tằn tiện trang trải để gia đình khỏi phải thiếu trước hụt sau. Còn nhớ… ngày thứ sáu hôm đó tôi vẫn đi làm bình thường, vậy mà qua chiều thứ bảy tôi nhận được tin mình có tên trong danh sách giảm biên chế của đơn vị theo Nghị định 41.
Thế rồi dù bàng hoàng đến cỡ nào, đau khổ đến cỡ nào, tôi vẫn phải nghỉ việc chờ hưu từ tháng 4-2003. Những ngày đầu mới nghỉ việc, tôi như người mộng du, cứ sáng ra là chuẩn bị để đi làm...; cứ thế, rồi thấy mình là kẻ vô dụng trong gia đình và ngoài xã hội, cứ đi ra - vô - quanh quẩn trong 4 bức tường nhà, như thừa, như thiếu một cái gì. Tôi không còn tự tin, đành sống khép kín! Bây giờ thì tôi đã “kiềm chế” được mình, song vẫn khao khát có được một việc làm chân chính, dù chỉ là làm tạp vụ; nhưng biết xin đâu, nhờ ai khi mình không quen biết, không có tiền…
Tôi biết tâm trạng như trên không phải chỉ riêng tôi, mà là của không ít người sắp và mới nghỉ hưu, dù là trước hay đúng tuổi. Với mức sống và sự tiến bộ của y học, phần đông người dân Việt Nam chúng ta ở độ tuổi 55 - 60 vẫn còn rất khỏe, vẫn có thể làm việc và cống hiến cho xã hội, và lực lượng này hiện nay không phải là ít.
Vì thế nhà nước, mà cụ thể là ngành lao động - thương binh - xã hội, nên cùng với các hội - đoàn thể ở các địa phương nên sớm nghiên cứu, tổ chức tạo việc làm phù hợp cho những người đã nghỉ hưu, vừa tận dụng được sức lao động của lực lượng này, vừa giúp họ có thêm thu nhập dù ít ỏi, đồng thời có thêm niềm tin vào chính mình và cuộc sống – sống vui, sống khỏe và sống có ích.
NGÔ THỊ MY
(Đường Trần Bình Trọng, P1 Q5, TPHCM)