Chuỗi cung ứng toàn cầu: Thêm nhiều doanh nghiệp nội

Ba năm qua, TPHCM đã có rất nhiều nỗ lực vực dậy và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Ngoài chính sách hỗ trợ vốn, liên tục 3 năm gần đây, Sở Công thương TPHCM đã phối hợp các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) triển khai chương trình cải tiến hiệu suất sản xuất cho doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Nhờ đó, nhiều DN Việt từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh... 
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tìm hiểu khả năng kết nối sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Hội chợ công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cuối năm 2019
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tìm hiểu khả năng kết nối sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Hội chợ công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cuối năm 2019

“Trở mình” với chính sách hỗ trợ vốn

Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ, Sở Công thương TPHCM, cho biết, từ đầu năm trung tâm đã nhận được danh mục gần 450 linh kiện, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của 14 DN FDI cần tìm kiếm nhà cung ứng. Trong đó có rất nhiều DN hàng đầu thế giới như Samsung, Mercedes-Benz, Panasonic, Techtronic Tools, Sankitech… Trên cơ sở rà soát thực tế sản xuất của các DN trong nước, đã có hơn 100 DN được chọn để kết nối với các DN FDI. Cũng theo bà Oanh, phần lớn những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà DN tìm kiếm là linh kiện cơ khí chính xác, linh kiện điện tử, khuôn đúc chế tạo, phụ tùng ô tô, xe máy và sản phẩm nhựa… Đây là những sản phẩm DN trong nước có nhiều ưu thế và từng có kinh nghiệm tham gia cung ứng nên việc kết nối khá thuận lợi. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, với năng lực hiện tại, các DN chỉ đáp ứng được vị trí nhà cung ứng cấp 3 hoặc cấp 4. 

Khảo sát do Bộ Công thương thực hiện cho thấy, hạn chế thường gặp của DN trong nước là quy mô sản xuất nhỏ, công tác quản trị còn hạn chế, sản phẩm bị lỗi nhiều khiến năng lực cạnh tranh thấp. Riêng những sản phẩm cốt lõi đòi hỏi dây chuyền sản xuất công nghệ cao cũng gây khó cho DN nội, bởi năng lực vốn đầu tư còn ít và rất khó tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp. Đây cũng là lý do mà các DN trong nước chưa thể tham gia vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Ở chiều ngược lại, các DN cho rằng, việc gia nhập chuỗi cung ứng phải bắt đầu từ thấp lên cao, khởi đầu với vị trí nhà cung ứng cấp 3 hoặc 4 đã là rất khả quan. Vấn đề còn lại là DN cần chủ động tìm đến những nguồn lực hỗ trợ có sẵn từ phía các cơ quan chức năng cũng như DN FDI để nâng cao năng lực cung ứng của mình. Chỉ tính riêng tại TPHCM, ngay khi UBND TPHCM ban hành Quyết định 15 về việc hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhiều DN đã “trở mình” và gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng của những DN FDI đình đám trên thế giới. Ông Châu Bá Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, cho biết, với chính sách hỗ trợ vốn vay tương ứng 85%/tổng giá trị đầu tư, lãi suất vay ưu đãi lên đến 7 năm, đã giúp công ty có cơ hội chuyển đổi dây chuyền sản xuất. Hiện công ty đã vươn lên trở thành nhà cung ứng cấp 1 trong hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu cho Samsung. Trung bình mỗi năm, công ty cung ứng hơn 200 loại sản phẩm với tối thiểu 20 triệu linh kiện cho đối tác Hàn Quốc.

Doanh nghiệp chủ động kết nối thị trường

Ba năm trở lại đây, Sở Công thương TPHCM đã phối hợp với các DN FDI triển khai chương trình cải tiến hiệu suất sản xuất cho DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Những DN có nhu cầu, có quyết tâm tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của DN FDI sẽ được sở hỗ trợ kết nối. Điểm đặc biệt của chương trình kết nối, là các DN FDI sẽ cử các chuyên gia đầu ngành đến từng nhà máy của DN trong nước khảo sát và trực tiếp hỗ trợ cải tiến hiệu suất sản xuất. Sau quá trình cải tiến là khâu thẩm định, đánh giá lại năng lực và đưa vào chuỗi cung ứng với vị trí nhà cung ứng phù hợp. 

Thông qua chương trình này, nhiều DN như Công ty Bao bì Minh Phương, Công ty CP Cao su Thái Dương, Công ty TNHH Cơ khí thương mại Nhật Long đã từng bước nâng cao năng lực sản xuất, giảm tỷ lệ hàng lỗi, hàng tồn kho… và gia nhập vào chuỗi cung ứng của nhiều thương hiệu lớn như Unilever, Hultech, Titi-Wedia...

Khảo sát gần đây nhất do Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản thực hiện, cho thấy, có đến 41% DN Nhật Bản trả lời có kế hoạch đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Nhu cầu về nguồn cung ứng linh kiện tại chỗ rất lớn và là cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ TPHCM. Ngoài ra, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu tại Hoa Kỳ, châu Âu và nhất là Trung Quốc đã buộc nhiều DN FDI phải đa dạng hơn các chuỗi cung ứng tại nhiều thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Đồng thuận quan điểm trên, đại diện Samsung cho biết, tập đoàn đã hoàn thiện năng lực sản xuất và đưa vào chuỗi cung ứng hơn 200 DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất trong thời gian tới, tập đoàn đang nỗ lực tìm thêm khoảng 50 DN cung ứng khác nữa. 

Bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, nhấn mạnh, trong bối cảnh các đơn hàng cung ứng bị gián đoạn do dịch bệnh, các DN FDI sẽ nới lỏng tiêu chuẩn chọn đơn vị cung ứng. Thay vì loại bỏ những DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ không đáp ứng tiêu chí cung ứng thì DN FDI sẽ chọn hỗ trợ DN còn nhiều hạn chế để hoàn thiện năng lực, đảm bảo gia nhập bền vững chuỗi cung ứng của mình. Đây là cơ hội để DN Việt từng bước hoàn thiện năng lực sản xuất của mình. Do đó, DN Việt cần chủ động hơn trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ từ cơ quan chức năng để gia tăng khả năng kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục