Không nằm ngoài xu hướng này, thời gian gần đây, người dân tại Singapore, nhất là giới trẻ, rất ưa chuộng những sản phẩm được gắn nhãn xanh bảo vệ môi trường. Nắm bắt được tâm lý khách hàng, doanh nghiệp Singapore cũng tham gia chiến dịch nói không với tàn phá môi trường và nhanh chóng tung ra hàng loạt sản phẩm đi theo xu hướng này. Hoạt động quảng bá cho hình thức tiêu dùng xanh liên tục nhận được sự hưởng ứng của khách hàng tại hàng loạt siêu thị ở Singapore. Chuỗi siêu thị tiện lợi NTUC FairPrice đã triển khai một kế hoạch quản lý túi nhựa và khuyến khích khách mua hàng giảm sử dụng túi nhựa. Riêng Red Mart, các sản phẩm thân thiện với môi trường gắn nhãn thương hiệu của siêu thị luôn được khách hàng đón nhận vì mức giá hợp lý. Trong khi đó, ở FairPrice, nhu cầu mua các mặt hàng nhà bếp và sản phẩm dã ngoại thân thiện với môi trường đã tăng hơn 50% chỉ trong vòng 3 năm qua. Riêng mặt hàng chăm sóc cá nhân và sản phẩm dành cho trẻ em có tính thân thiện với môi trường cũng đã tăng hơn 20%. Dự báo, con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Nhận định về thói quen mua hàng tiêu dùng xanh của người Singapore, bà Jacqueline Singer, nhà sáng lập công ty sản xuất vải sáp ong dùng để thay thế túi nhựa, màng bọc thực phẩm dùng một lần và ống hút tái chế Neis Haus, cho rằng nếu so sánh ở thời điểm năm 2014, đây chính là bước tiến bất ngờ. Hơn 4 năm trước, quan điểm sử dụng sản phẩm xanh ở người Singapore chưa mấy phổ biến và chiếm tỷ lệ thấp nếu so với các nước như Australia và New Zealand. Nhưng chỉ 4 năm sau, tỷ lệ này đã tăng vọt do nhận thức tiêu dùng của người dân ở đảo quốc sư tử đã có chuyển biến mới dù giá cả mặt hàng tiêu dùng xanh luôn cao hơn so với sản phẩm thông thường. Người tiêu dùng Singapore sẵn sàng tẩy chay sản phẩm của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường và đây là những tín hiệu tích cực dự báo cho phong trào tiêu dùng xanh sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Ngoài việc lựa chọn mặt hàng tiêu dùng, nhiều người Singapore đã dần có thói quen sử dụng túi vải, túi giấy thay cho túi nhựa. Họ cũng nói không với màng bọc thực phẩm bằng nhựa hay sử dụng ống hút không tái chế được.
Giới chuyên gia về môi trường đưa ra khuyến cáo rằng mua sắm xanh thúc đẩy quá trình tái chế các chất thải, từ việc thu gom, phân loại cho tới sản xuất và phát triển thị trường sử dụng các sản phẩm tái chế, vì thế không chỉ làm người tiêu dùng tiết kiệm được chi phí mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Phát triển mua sắm xanh cũng sẽ kích thích tăng số lượng và chất lượng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường. Theo ông Tarun Deo, Giám đốc Điều hành Văn phòng Quan hệ công chúng tại khu vực Singapore và Đông Nam Á Golin, khi thực hiện đúng cam kết trong sản xuất sản phẩm xanh, ngoài việc nâng cao hình ảnh thương hiệu, doanh nghiệp có thể thu lại nguồn lợi nhuận lớn vì sản phẩm xanh là thị trường đầy tiềm năng ở đảo quốc sư tử.