Sau 8 năm ký kết, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM và tỉnh Bình Phước đã gặt hái được những thành tựu ban đầu. Tuy nhiên, so với lợi thế, tiềm năng nhiều mặt của hai địa phương thì những gì đạt được còn quá khiêm tốn, chưa xứng tầm. Trao đổi với PV Báo SGGP xung quanh vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước Võ Đăng Khoa cho biết:
Qua gần 8 năm với 11 lĩnh vực nằm trong chuỗi chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương như: nông nghiệp và phát triển nông thôn; công nghiệp - thương mại và du lịch; khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực…, hai bên đã đạt được những kết quả bước đầu. Riêng trong lĩnh vực công nghiệp - thương mại và du lịch, sở công thương hai địa phương đã chủ động phối hợp cùng nhau giới thiệu các dự án có tiềm năng và thế mạnh phát triển của tỉnh Bình Phước; các dự án đầu tư thuận lợi, chính sách ưu đãi của tỉnh về thu hút đầu tư; giới thiệu về quy hoạch công nghiệp, cụm - khu công nghiệp các chính sách ưu đãi của tỉnh cho các doanh nghiệp của TPHCM và các tỉnh bạn. Đối với lĩnh vực thương mại - du lịch, các nhà đầu tư TPHCM đã tích cực tìm hiểu và đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh Bình Phước đạt được nhiều kết quả. Trong đó, riêng dự án đầu tư siêu thị Co.opMart Đồng Xoài có quy mô trên 6.300m2 với tổng vốn đầu tư trên 40 tỷ đồng. Siêu thị này ra đời đã giải quyết cho trên 200 lao động địa phương, đồng thời góp phần bình ổn giá cả thị trường, tạo mô hình kinh doanh mới. Hay như Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) cũng mở chi nhánh tại Bình Phước.
Ngoài ra, hàng năm sở công thương, trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) của hai địa phương thường xuyên phối hợp trong việc cung cấp thông tin các khóa huấn luyện, đào tạo, chương trình hội thảo, hội nghị và cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng xuất khẩu, môi trường đầu tư và hỗ trợ, vận động doanh nghiệp tham gia các sự kiện xúc tiến đầu tư tại TP và các tỉnh, thành. Sở công thương hai địa phương cũng đã phối hợp vận động các doanh nghiệp, đơn vị thực hiện “Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn” tạo điều kiện cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận với những mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá cả hàng hóa các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, góp phần ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng. Từ năm 2010 đến nay, thông qua các chương trình này đã có hàng chục chuyến hàng về tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Bình Phước với trị giá hàng chục tỷ đồng.
° Phóng viên: Trong quá trình triển khai chương trình hợp tác, hai địa phương có gặp những khó khăn, trở ngại gì, thưa ông?
° Ông VÕ ĐĂNG KHOA: Bên cạnh những mặt thuận lợi nêu trên, chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương cũng gặp những khó khăn nhất định. Trong đó, có nguyên nhân một số đơn vị chưa chủ động triển khai chương trình hợp tác. Các hoạt động hợp tác còn hạn chế, một số nội dung hợp tác trong khuôn khổ đã ký kết chưa được triển khai thực hiện. Phần lớn các hoạt động triển khai trong thời gian qua chủ yếu là do từng ngành tự xây dựng và tổ chức các hoạt động ký kết ghi nhớ giữa các sở, ngành của hai địa phương; chưa xây dựng kế hoạch và phân công đơn vị đầu mối để kết nối riêng cho từng lĩnh vực hoạt động. Sự liên kết hỗ trợ giữa các đơn vị chưa được thực hiện thường xuyên, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương. Việc huy động các nguồn lực để tổ chức triển khai các hoạt động hợp tác gặp khó khăn, nguồn nhân lực thiếu, kinh phí dành cho việc triển khai thực hiện các nội dung của chương trình hợp tác còn hạn chế. Mặt khác, do việc vận động các doanh nghiệp cùng tham gia còn gặp nhiều trở ngại nên các ngành chưa phát huy được hết hiệu quả những hoạt động theo kế hoạch. Hầu hết phải phụ thuộc vào ngân sách nhà nước dẫn đến quy mô tổ chức nhỏ, hiệu quả mang lại không cao.
° Vậy theo ông, để khơi thông vướng mắc và gặt hái hiệu quả hơn nữa tiềm năng giữa hai địa phương thông qua chương trình hợp tác, cần triển khai thêm những giải pháp gì?
° Để phát huy những mặt thuận lợi cũng như tiềm năng của TPHCM và tỉnh Bình Phước, trước mắt lãnh đạo hai địa phương cần tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn từ nay đến năm 2020. Trên cơ sở đó, tạo tiền đề cho các ngành và doanh nghiệp của hai địa phương chủ động ký kết hợp tác theo từng ngành, lĩnh vực; tích cực nghiên cứu, khảo sát và tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh tại tỉnh Bình Phước, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của hai địa phương cũng như cả nước. Các doanh nghiệp và đơn vị liên quan của hai địa phương cần chủ động phối hợp, xây dựng kế hoạch hợp tác một cách cụ thể, chuyên sâu theo từng lĩnh vực và hàng năm đánh giá sơ kết chương trình hợp tác của từng lĩnh vực. Qua đó, nghiên cứu, đề xuất UBND hai địa phương hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong chương trình hợp tác của lĩnh vực, ngành liên quan.
Ví dụ, trong lĩnh vực công nghiệp - thương mại, hai địa phương chủ động học hỏi, trao đổi kinh nghiệm quản lý và thực hiện việc giao ban, tổ chức giao ban luân phiên giữa Ban quản lý các KCX-KCN trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng nhau phối hợp giới thiệu đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua các hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư để doanh nghiệp tham gia, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; mở rộng thị trường trong nước, trong khu vực và trên thế giới. Các cơ quan chức năng của hai địa phương phối hợp chặt chẽ, chủ động trong việc nghiên cứu, đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án của doanh nghiệp trên tinh thần hợp tác của chương trình.
LẠC PHONG (thực hiện)