10 năm qua, cuộc thi Chuông vàng vọng cổ do Đài Truyền hình TPHCM tổ chức đã tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng khán giả yêu thích nghệ thuật sân khấu cải lương, ca cổ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, việc tìm kiếm “vàng” cho cuộc thi đang ngày càng gặp nhiều khó khăn…
Cuộc thi năm nay sắp bước vào đêm thứ 3 vòng thi chung kết xếp hạng (tối 17-10 tại Nhà hát Đài Truyền hình TPHCM). Có 5 thí sinh xuất sắc vượt qua những thử thách về ca, diễn để đi tiếp. Có những gương mặt đã quen thuộc với khán giả và có cả những thí sinh mới như: Tạ Công Thành (Thái Bình), Nguyễn Văn Hợp (Phú Yên), Đỗ Thị Yến (Thái Nguyên), Tô Kim Phương (Cần Thơ) và Nguyễn Thanh Toàn (Cà Mau).
Chuông vàng vọng cổ 2012 Phạm Thị Huyền Trang hỗ trợ thí sinh Nguyễn Văn Hợp dự thi bài vọng cổ Yêu dân tộc Việt Nam
Trải qua nhiều vòng thi, từ sơ tuyển đến chung kết khu vực, chung kết xếp hạng với 2 đêm thi nhiều màu sắc, khán giả dõi theo cuộc thi nhận thấy sự nỗ lực của các thí sinh khi thể hiện sức trẻ tươi tắn, sự tự tin, bản lĩnh làm chủ sân khấu, biết sử dụng thế mạnh kỹ thuật ca diễn cá nhân để làm nổi bật ưu điểm. Dẫu rằng, bên cạnh những ưu điểm, năng khiếu và giọng ca trời phú, ở một số em vẫn bộc lộ một số yếu điểm trong phần thi tài, nhưng với sự trợ giúp nhiệt tình và hết mình về chuyên môn của Ban huấn luyện gồm NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Quế Trân và NS Lê Tứ, càng vào vòng trong, chất lượng giọng hát, phong cách trình diễn của các thí sinh càng ổn định hơn, nhiều em phát huy được tố chất, tài năng của riêng mình. Từ đây, những gương mặt sáng giá của cuộc thi năm 2015 dần lộ diện…
Đặc biệt, sau đêm chung kết 1 vì lo lắng, căng thẳng, sức khỏe không tốt, thời gian chuẩn bị cấp tập, phần dự thi của không ít thí sinh gặp trục trặc, kém sự ngọt ngào trong kỹ thuật luyến láy, nhả chữ, bị phô dây, lúc xuống hò bị chênh, hụt hơi… thì ở đêm chung kết 2, các em có thời gian vừa đủ để tập luyện và rút được kinh nghiệm nên hiệu quả ca diễn tốt hơn hẳn. Điều này có được chính nhờ sự nỗ lực của từng thí sinh cũng như hướng dẫn tận tình, bài bản của ban huấn luyện trong việc tư vấn chọn bài hát để làm nổi bật chất giọng của từng thí sinh, xây dựng phong cách trình diễn mang tính chuyên nghiệp, trang phục đẹp, chọn nghệ sĩ khách mời có giọng ca phù hợp với thí sinh. Bản thân các nghệ sĩ khách mời đều là những gương mặt đoạt giải Chuông vàng vọng cổ những năm trước như: Võ Minh Lâm, Trần Thị Thu Vân, Võ Thành Phê, Nguyễn Thị Luận, Bùi Trung Đẳng, Phạm Thị Huyền Trang, Hồ Ngọc Trinh và Thanh Nhường. Tất cả đã giúp đêm thi thêm nhiều màu sắc, tràn đầy sức sống, sự tươi trẻ, lôi cuốn. Với kết quả đã đạt được, hy vọng ở đêm thi chung kết 3, cả 5 thí sinh sẽ tiếp tục tạo được những thành tích tốt nhất.
10 năm qua, cuộc thi Chuông vàng vọng cổ đã luôn tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng khán giả yêu thích nghệ thuật sân khấu cải lương, ca cổ. Nhưng việc tìm kiếm vàng cho cuộc thi ý nghĩa này ngày càng gặp nhiều khó khăn. Trước tiên vì có rất nhiều loại hình giải trí hiện đại đang hoạt động rầm rộ, lấn át mặt bằng giải trí tại hầu hết các tỉnh thành từ Nam chí Bắc, bủa vây đời sống giải trí của số đông công chúng, nhất là giới trẻ. Hơn thế nữa, tình hình sân khấu cải lương, ca cổ bấy lâu nay đang phải chịu áp lực rất nặng về định hướng, hoạt động tồn tại, giữ gìn và phát triển, thế nên việc tìm kiếm những gương mặt mới, tài năng cho cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, cũng như một số cuộc thi ca cổ, cải lương, các giải thưởng sân khấu… ngày càng khan hiếm, việc “đãi cát tìm vàng” ngày càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, những người quan tâm đến con đường hoạt động và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống đậm chất Nam bộ này vẫn tin rằng, ngọn nguồn của niềm đam mê nghệ thuật dân tộc, chất lửa của nghệ thuật sân khấu cải lương, ca cổ sẽ mãi tồn tại. Chỉ mong rằng, trong thời gian tới, nhà nước và các cơ quan quản lý văn hóa cần có những chính sách và hành động cụ thể, thiết thực hơn trong việc đầu tư cho sân khấu; thúc đẩy mạnh mẽ công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này trong đời sống thực tiễn.
THÚY BÌNH