Ngày càng có nhiều khám phá mới về Trường Sơn, nhưng Trường Sơn vẫn như kho báu bí ẩn. Các nhà khoa học vừa phát hiện tại bản Ón xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình một loài chuột đá từng cho đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm. Ở đây, loài động vật này đã được đồng bào sử dụng làm thức ăn như các loài chuột khác.
Ăn hoài loài tuyệt chủng
Bản Ón nằm hẻo lánh giữa núi rừng đại ngàn. Khu rừng mà người dân phát hiện chuột đá là một phần trong hơn 20.000ha rừng mở rộng cho di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng. Nơi đây chưa có cuộc điều tra sinh học nào đáng kể.
Chúng tôi đến bản Ón khi một nhóm các nhà khoa học đang vào rừng tìm kiếm thêm mẫu mới, bởi mẫu vật một đực, một cái từ người dân bẫy được đã chết, và họ muốn thấy được hình hài loài bí ẩn này di chuyển trong môi trường tự nhiên. Riêng với người Rục, những con chuột này chẳng khác gì chuột rừng mà tổ tiên của họ từng ăn từ thời còn ở trong hang đá, đến nay có nhà rồi họ vẫn ăn.
Ông Trần Xuân Bộ, người cung cấp hai mẫu vật cho các nhà khoa học, kể: “Đoàn khoa học đưa ảnh chụp từ điện thoại cho dân mình coi. Bà con bảo đấy là con Ninh Cùng, một số người dân trong bản hiện vẫn đi bẫy về ăn. Thế là họ dặn mình, có bẫy được xin giữ lại mẫu. Mình biết ông Yên trong xóm vẫn hay đi bẫy chuột, mỗi lần về, qua nhà mình đổi chuột lấy rượu, một hôm, thấy hai con như trong ảnh, mình gọi điện cho đoàn tìm kiếm. Hôm sau họ lên ngay. Qua lời họ nói, dân bản mới biết đây là loài rất quý, biến mất lâu rồi, chừ họ mới thấy lại. Mình nghe rứa biết rứa, chứ dân ở đây vẫn thường xuyên bắt được, chẳng biết tuyệt chủng là gì”. Người Rục ở Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ vào rừng từ nhiều đời nay, và họ chứng thực, đó là loài chuột họ hay bắt để nướng ăn hoặc kho cay. Họ không biết nó cực kỳ có ý nghĩa với các nhà khoa học.
Ông Cao Văn Yên, người bẫy hai con chuột đá nói: “Đời mình không biết bắt Ninh Cùng nhiều như thế nào, năm nào cũng bắt được. Ăn hoài à! Trước đây vào tháng 8, tháng 9 bẫy được nhiều lắm nhưng gần đây có ít đi. Thịt của nó mình chẳng thích, vì mềm hơn các loại chuột khác”.
Kiến thức bản địa
Ở Lào, các nhà khoa học phát hiện chuột đá tại Khăm Muộn (giáp tỉnh Quảng Bình) trong một khu chợ buôn bán động vật hoang dã vào năm 2005, từ đó, họ không ghi nhận thêm cá thể nào nữa. Nhưng ở Quảng Bình, người dân vẫn bắt ăn thường xuyên là một hiện tượng rất lạ. Hôm chúng tôi lên bản Ón, gặp Giáo sư Nguyễn Xuân Đặng, một chuyên gia về các loài thú, nói: “Dân bản xem loài này là thực phẩm, chắc chắn họ biết một số thuộc tính của nó, bước đầu chúng tôi phải dựa vào kiến thức bản địa”.
Về kinh nghiệm nhận biết loài Ninh Cùng, người dân địa phương cho biết chúng thuộc loại gặm nhấm, nhút nhát. Ông Yên kể: “Nó thường ăn quả rừng rơi xuống đất, đôi khi trèo lên cây, nhưng chủ yếu chạy dưới đất và đá, đào hang để sống, có khi lợi dụng hốc đá mần hang, mình đi rừng nhiều mình biết, nhưng chưa khi nào thấy ổ của chúng”. Một số người dân khác cho rằng, Ninh Cùng thấy người là đứng yên một chỗ như để tự vệ, không cử động là cách làm cho con người không phát hiện ra chúng. Nhưng nếu có người đến gần quá, Ninh Cùng sẽ chạy vào bụi rậm. GS Nguyễn Xuân Đặng cho rằng: tên địa phương rất hay, và khi đến giai đoạn đặt tên, ông sẽ đề xuất khoa học gọi nó là Ninh Cùng bởi do người Việt Nam phát hiện và tên bản địa có ý nghĩa quan trọng. Người Rục nói từ Ninh có nghĩa là chuột, từ Cùng có nghĩa là khỉ. Bởi vì màu lông của Ninh Cùng gần giống khỉ. Và khi dịch ra họ gọi đấy là chuột khỉ.
Khu vực phát hiện Ninh Cùng là vùng sinh thái quan trọng của rừng Trường Sơn. Phong Nha – Kẻ Bàng cũng chứa đựng đáng kể các giá trị đa dạng sinh học của 200 khu vực sinh thái toàn cầu, xét về tính phong phú của cả động và thực vật và phát hiện mới về loại thú nhỏ vào đầu thế kỷ 21 này được xem như một chấn động trong giới nghiên cứu khoa học. |
Minh Phong
- Phát hiện loài thú được cho là tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm