Chuyến bay bằng mệnh lệnh trái tim

Cục Hàng không Việt Nam vừa cho biết, dự kiến sẽ có 21 chuyến bay chở công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong khoảng thời gian từ ngày 18-5 đến ngày 15-6. Trong đó, hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines thực hiện 14 chuyến, Vietjet thực hiện 5 chuyến, Bamboo thực hiện 2 chuyến.

 Vừa chuẩn bị cho những chuyến bay sắp tới, Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên của Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines nhớ lại những chuyến bay đến nhiều quốc gia trên thế giới để đón đồng bào về nước… nhất là chuyến bay sang Mỹ đón đồng bào ta về nước vừa qua. Đây là chuyến bay có lịch sử dài nhất của Hàng không Việt Nam, đồng thời là chuyến bay đặc biệt nhất vì lần đầu tiên máy bay của Việt Nam bay thẳng từ sân bay Nội Bài sang sân bay Dalas (Mỹ). 

Chuyến bay bằng mệnh lệnh trái tim ảnh 1
Chuyến bay bằng mệnh lệnh trái tim ảnh 2 Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên
Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên tâm sự, bay liên tục nửa vòng trái đất sang tới Mỹ và làm việc suốt 45 tiếng đồng hồ không ngừng nghỉ trong chuyến bay khứ hồi Việt Nam- Hoa Kỳ, mệt nhưng anh rất vui. Anh cho biết, nhìn bà con từ các bang của Mỹ về, ai nấy “tay xách nách mang” lục tục lên máy bay mà không khỏi xúc động, bởi gia đình anh cũng đã có người thân từng được đón về nước như thế.
Chuyến bay bằng mệnh lệnh trái tim ảnh 3 Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên hướng dẫn đào tạo phi công trẻ
 “Sao lúc nào anh cũng là người đầu tiên mở đường các chuyến bay đặc biệt thế?” Cơ trưởng Nam Liên nói vui: “Không hiểu sao mọi việc cứ diễn ra như duyên trời định vậy”. Chả là khi chuẩn bị cho chuyến bay sang Mỹ, các phi công đa số phải cách ly vì mới bay từ các nước có dịch bệnh về. Một số phi công khác thì do visa sang Mỹ hết hạn, riêng phi công Nam Liên thì visa còn thời hạn, lại có thời gian đi bay vì  không phải cách ly. Hơn thế nữa anh lại là một phi công dày dạn kinh nghiệm, một cơ trưởng chỉ huy giỏi. Chính vì thế mà anh sẵn sàng lên đường.

Anh Nam Liên cho biết, rất tâm đắc lời chỉ đạo đầy nghĩa tình của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Chúng ta không để bất cứ người dân nào bị bỏ lại phía sau trong đại dịch Covid-19 này”. Sau đó Thủ tướng đã chỉ đạo ngành hàng không Việt Nam thực hiện hàng loạt chuyến bay tỏa đi tất cả các nước trên thế giới để đón đồng bào ta trở về quê hương. Cơ trưởng Nam Liên bộc bạch: “Chỉ cần nghe tới hai tiếng “đồng bào” là chúng tôi không quản ngại khó khăn, sẵn sàng lao vào nơi hiểm nguy nhất để giúp đồng bào, dù có phải hy sinh, gian khổ…”.

Tôi hỏi Cơ trưởng Nam Liên: “Phi hành đoàn VNA bay vào vùng dịch bệnh nặng nề của nhiều nước trên thế giới, các anh không ngại sao?”. Cơ trưởng Nam Liên đáp: “Để giải cứu đồng bào, chúng tôi không ngại khó khăn gian khổ, dẫu biết rằng mình cũng có thế bị nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, tính mạng của mình cũng bị đe dọa bởi trong “cuộc chiến vi trùng” này, “tên giặc” vô hình corona sẽ không chừa một ai! Nhưng vì nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng nên chúng tôi đã thực  hiện nhiệm vụ bằng mệnh lệnh của chính trái tim mình!”

Nghe Cơ trưởng Nam Liên nói, chúng tôi hết sức xúc động và nhận ra một điều đáng quý: Chính trong những lúc tối tăm của cuộc sống thì lại có những trái tim tỏa sáng! Rõ ràng, những phi công và tiếp viên của VNA nói riêng và của các hãng hàng không khác nữa của Việt Nam nói chung chính là những chiến sĩ dũng cảm trên mặt trận “chống dịch như chống giặc”. Họ đã dũng cảm “xung trận” bởi tình yêu nước, nghĩa đồng bào.

Cũng có ý kiến cho rằng giá vé máy bay tăng cao? Theo Cơ trưởng Nam Liên: Thứ nhất, đây là chuyến bay theo yêu cầu của hành khách, vì tất cả các nước đều đóng cửa sân bay. Thứ hai, để giải cứu đồng bào, VNA phải thuê toàn bộ nhân công, xe cộ, sân bãi, kiểm tra y tế và đầu tư xăng dầu, nguyên vật liệu khác, vì vậy giá vé máy bay bị đẩy lên cao hơn một chút, thay vì 1.00USD-1.500USD/ vé ngày bình thường không có dịch bệnh, nay tăng lên khoảng 2.000 USD/vé. Khi người dân hoàn tất thủ tục rồi bước lên máy bay của VNA cũng đồng nghĩa với việc họ về đến Việt Nam được một nửa.

Chuyến bay sang Mỹ vừa qua là chuyến bay dài nhất lịch sử trong ngành hàng không Việt Nam với 29.400km, bay từ đông bán cầu sang tây bán cầu. Vì thế phi hành đoàn được tăng cường tới 33 người, trong đó có 8 phi công và 16 tiếp viên, cùng nhiều nhân viên khác phục vụ trên chuyến bay. Để đảm bảo an toàn cho chuyến bay, trước khi bay, Cơ trưởng Nam Liên đã họp phi hành đoàn để phân công trách nhiệm cụ thể cho từng người; phân công từng chặng đường bay cho phi công trong 4 tổ bay… Lần đó VNA đã tung ra chiếc Boing 787-10 Dream liner mới nhất, hiện đại nhất mà cơ trưởng Nam Liên đã trìu mến đặt tên là “Nàng Mười xinh đẹp”.

Khi bay sang Mỹ, trên máy bay số hành khách còn ít hơn cả phi hành đoàn, nhưng khi “bay về” có tới 345 hành khách, trong đó  đa số là người cao tuổi có bệnh nền; sinh viên không có nơi cư trú do trường học đóng cửa ký túc xá; những người đi công tác, đi thăm người thân và đi du lịch bị kẹt lại; những thanh thiếu niên dưới 18 tuổi và có cả những trẻ sơ sinh

 “Sau chuyến bay, điều gì khiến anh cảm thấy thú vị nhất?”. Anh Nam Liên đáp: “Đó là niềm tự hào về Tổ quốc Việt Nam ngày càng có uy tín và tiếng vang trên toàn thế giới!”. Trong suốt 40 năm làm phi công với hơn 20.000 giờ bay, lần đầu tiên cơ trưởng Nam Liên lái máy bay mang thương hiệu “Vietnam one”(VN-1) sải cánh trên bầu trời thủ đô Washington của nước Mỹ. Chiếc “Vietnam one” cũng tương đương với chiếc “Air force one” của Tổng thống Mỹ, điều đó cho thấy “Mẹ Việt Nam” luôn hết lòng và trân trọng người dân mình. 

Hiện nay tại Mỹ đang có khoảng 3.000 người có nhu cầu về nước. Ngày 15-6 tới VNA sẽ tổ chức chuyến bay sang đón đồng bào về nước-nơi mà cả thế giới ca ngợi “Việt Nam là nơi chống dịch rất hiệu quả”.

Tin cùng chuyên mục