Chuyện cái giếng

Chuyện cái giếng

Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa lập biên bản vụ xâm hại di tích Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. Đơn vị này cho rằng một cái giếng thuộc hạng mục trong di tích đã bị người trông nom đập bỏ, gây ảnh hưởng đến tổng quan di tích. Thực hư ra sao?

Sau khi được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 2009, Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh do Bảo tàng Lịch sử cách mạng tỉnh quản lý. Qua các mùa mưa lũ hàng năm, di tích này thường bị ngập nước, bùn đọng lầy lội... Để khắc phục tình trạng trên, tháng 4-2011, Bảo tàng Lịch sử cách mạng tỉnh tiến hành trùng tu, tôn tạo như: nâng cấp mở rộng nhà bia lưu niệm, mở rộng nền bậc cấp lan can nhà bia, nâng cấp hệ thống sân đường, sân vườn… với tổng vốn đầu tư 500 triệu đồng. Tuy nhiên, quá trình thi công phải tạm ngưng do việc ông Nguyễn Thanh Minh, người trông coi di tích này, đã tự đập bỏ cái giếng trong khu di tích.

Cái giếng vừa bị ông Minh đập bỏ trong Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Cái giếng vừa bị ông Minh đập bỏ trong Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Chiều 24-5, Thanh tra Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử cách mạng tỉnh tiến hành lập biên bản hiện trạng với nội dung: “Tại nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ông Nguyễn Thanh Minh, người trông coi di tích - chủ gia đình - đã tự ý đập bỏ và lấp giếng nước (đường kính 1,8m, cao 1,2m) nằm trong khuôn viên di tích. Theo nội dung lý lịch di tích do Bảo tàng Lịch sử cách mạng tỉnh lập vào tháng 5-2008 trình Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích quốc gia, di tích này thuộc di tích gốc và có liên quan đến Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”.

Khu lưu niệm đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) được xếp hạng di tích quốc gia năm 2009.

Khu lưu niệm được xây dựng vào năm 1990 với tổng diện tích 2.000m², bao gồm các hạng mục: nhà lưu niệm, bia tưởng niệm và khu trưng bày hiện vật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong kháng chiến chống Mỹ.

Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế nói: “Cái giếng trên là một trong những hạng mục của di tích này, bởi một ngôi nhà phải có giếng nước. Chúng tôi dự định, sau khi hoàn thành tôn tạo di tích sẽ cho nạo vét giếng để phục vụ tưới cây trong khu lưu niệm”. Ông Hùng cho rằng, việc ông Minh tự ý đập và lấp giếng khi chưa có ý kiến của bảo tàng là xâm phạm di tích, không tôn trọng di tích.

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Minh cho rằng: Giếng trên do gia đình ông tự đào, đến nay không dùng được nên đành bỏ để tránh ô nhiễm. Ông Minh cũng cho hay: “Bố tui là anh đầu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Cả gia đình đều tham gia cách mạng, riêng bố tui ở nhà. Năm 1967-1968, vùng này bị Mỹ cày tan nát nhà cửa vườn tược, người dân phải tản cư ra thôn Thủ Lễ xã Quảng Phước (huyện Quảng Điền), sau 2 năm mới quay về chỗ cũ. Đến năm 1990, huyện Quảng Điền cho dựng lại ngôi nhà truyền thống của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh theo như ngôi nhà cũ.

Trước đó, năm 1986, do phải dùng nước sông vừa xa vừa không hợp vệ sinh, nên HTX Quảng Thọ hỗ trợ cho một số hộ dân trong vùng làm giếng, và cái giếng này cũng ra đời từ đó. Năm 2000, khu vực này có nước máy, cái giếng không sử dụng nữa. Thời gian gần đây giếng quá bẩn, hơn nữa lại nhiều muỗi. Tui đã định đập bỏ từ lâu, nhưng chưa làm được. Tận dụng có thợ tôn tạo di tích nên ngày 23-5, tui đập bỏ phần trên của giếng và dùng tấm đan đậy lại”.

Liên quan đến giếng ở di tích này, ông Nguyễn Dân, ở thôn Niêm Phò xã Quảng Thọ, cũng xác nhận: “Cái giếng này được ông xây dựng năm 1986. Giếng có 7 bi (mỗi bi 1m) được HTX Nông nghiệp Quảng Thọ hỗ trợ xây dựng theo chương trình nước sạch nông thôn lúc bấy giờ. Lúc đó tui là cán bộ kế hoạch của HTX Quảng Thọ, vừa phụ trách làm giếng cho dân nên tui biết”.

PHAN LÊ

Tin cùng chuyên mục