
Thăm gia đình “Tài lũ”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua xúc động chia sẻ với phóng viên Báo SGGP: “Báo chí, đặc biệt là báo Đảng cần nêu lên tấm gương của bà để nhiều người cùng biết. Việc nuôi con của cơ sở cách mạng cũ của bà tuy nhỏ nhưng hàm chứa biết bao điều nhân văn sâu sắc trong thời buổi kinh tế thị trường…”.

“Tài lũ” - Dư Huệ Liên (bên trái) hôm nay vẫn còn tham gia công tác Hoa vận ở P11, Q5, TPHCM. Ảnh: MINH ANH
1. Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đặc biệt là những trận đánh Bót Hòa Hòa, Chợ Thiếc… vang danh lực lượng vũ trang biệt động người Hoa vùng Chợ Lớn, Chi bộ bí mật hãng dệt VIMITEX (nay là Dệt Việt Thắng, lúc đó do đồng chí Trần Khai Nguyên làm bí thư) bị lộ. Và Dư Huệ Liên, cô công nhân hãng dệt, đồng thời là Chi ủy viên Chi bộ VIMITEX phải bỏ trốn để tránh sự truy bắt của cảnh sát ngụy. Không dám về nhà, không thể vào hãng dệt, cũng không thể bỏ địa bàn chiến đấu, Dư Huệ Liên trà trộn vào các xóm lao động người Hoa với bí danh “Tài lũ” (anh Hai) và được một cơ sở người Hoa gốc Triều Châu che giấu.
Chuyện như vừa xảy ra ngày hôm qua khi chúng tôi khơi lại kỷ niệm, “Tài lũ” kể: “Bà mẹ Hoa tên Quách Liên và cô con gái Dương Giao đã tạo ra một ngăn hầm bí mật, bên ngoài dán giấy báo nhật trình thật kín mà tôi đâu có hay. Hôm đó tôi cùng Dương Giao vừa đi công tác vận động quần chúng về thì bà Quách Liên đã “lùa” ngay tôi lên gác xép, “nhét” vào hầm. Liền đó cảnh sát ngụy theo dấu ập vào khám xét mấy căn nhà gần đó. Đến nơi tôi ẩn mình, chúng hỏi “Có ai không” và dùng đèn pin leo lên gác tìm kiếm. Tôi nghe rõ giọng bà Quách Liên nói: “Pò tì tén” (không có ai). Hồi lâu sau, bà bò nhẹ lên gác thều thào: “Khịa dồi, măng cả xia à, Tài lũ” (đi rồi, ra đi muỗi cắn chết anh Hai ơi) rồi đem dầu cho tôi thoa”.
Thoát khỏi tay giặc nhưng từ dạo ấy, “Tài lũ” bị truy lùng gắt gao hơn. Cô tiếp tục đi sâu vào các xóm Lò Siêu, Lò Gốm, Lò Gạch để xây dựng cơ sở cách mạng trong người Hoa, đồng thời làm giao liên cho Ban Hoa vận T4. “Tài lũ” kể tiếp: “Thấy địch truy xét quá, bà Quách Liên và cô Dương Giao bàn nhau đưa tôi về quê họ ở Cam Ranh tạm lánh nhưng tôi không nghe lời. Đúng một ngày sau đó, tôi bị bắt”.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng được vài hôm, gặp lại nhau, “Tài lũ” rớt nước mắt khi mẹ con bà Quách Liên-Dương Giao tặng cô cái radio để nghe thời sự. Dương Giao còn chọc ghẹo: “Phải chi hồi đó “Tài Lũ” nghe ngộ nói thì đâu có pị pắt chớ”.
2. Khó khăn bao trùm đất nước những năm sau giải phóng. Lợi dụng một chủ trương của chúng ta thời điểm đó, có kẻ trước đây từng mâu thuẫn với gia đình bà Quách Liên đã tìm mọi cách trả thù, khiến gia đình bà có người bị “đánh tư sản”! Bà Quách Liên không trách móc gì “Tài Lũ” bởi bà biết tuyệt đại đa số những người làm cách mạng không hề có lỗi trong chuyện này. Nhưng để tồn tại qua bước chuyển khó khăn, bà Quách Liên phải lên tàu ra đi, còn cô con gái Dương Giao, tạm về Cam Ranh sinh sống - như cô đã từng khuyên “Tài lũ”- và có với chồng 5 mặt con.
Rồi khó khăn cũng qua đi, những hệ lụy của một giai đoạn chuyển đổi được khắc phục. Những ngày sau đó, “Tài lũ” một mặt chạy lên cấp trên xin xác nhận gia đình Quách Liên-Dương Giao là “cơ sở” của ta trong chiến tranh, một mặt ngược xuôi đón xe ra tận Huyện ủy Cam Ranh (Khánh Hòa ngày nay) để xác nhận rằng Dương Giao là người có công lớn…
Còn bản thân “Tài lũ” thì ở vậy nuôi mẹ già. Trong những năm khốn khó, “Tài lũ” phải bán đi căn nhà Nhà nước cấp để mua lại căn hộ nhỏ xíu trong con hẻm nhỏ đường Phú Đinh (số 8/7 Phú Đinh, P11, Q5, TPHCM) nhưng tuyệt nhiên không rời công tác Hoa vận của mình. Bốn mươi năm tròn từ ngày tuyên thệ dưới cờ Đảng, “Tài lũ” suy nghĩ và làm việc theo nghị quyết, bằng cả lương tâm, trách nhiệm với những đồng bào Hoa đã từng cưu mang, che chở mình! Nhưng “Tài lũ” vẫn đau đáu một điều về cuộc sống của người bạn năm nào nơi vùng quê cát cháy: Dương Giao!
Năm 1991, con gái của Dương Giao là Đào Thúy Phương vào TPHCM tìm cơ hội học tập. “Tài lũ” đưa Phương về nhà bà để trước mắt là có nơi ăn chốn ở cho đàng hoàng. Kế đến, bà xin một chân bán hàng cho Phương trong một tiệm sách gần nhà để cô có đồng ra đồng vào chi tiêu. “Tài lũ” tâm sự: “Lương hưu tôi bảy tám trăm, cộng với lương của cháu thêm năm trăm, hai dì cháu sống tiết kiệm lắm mới đủ. Món ăn thường ngày của gia đình là bún. Buổi sáng thì Phương đi chợ mua chút thịt heo xay, rau cải về nấu nồi súp, sau đó hai dì cháu chan bún ăn. Ngán bún lại chuyển sang mì gói. Cháu ở với tôi đến nay 17 năm nên nấu món ăn Hoa ngon lắm. Mỗi khi lãnh lương, cháu mua xá pấu (củ cải muối) về xào, hay cải chua phá lấu ruột heo, hoặc làm bánh củ cải… đãi tôi, món nào cũng ngon”. Có lần về xí nghiệp cũ họp mặt, “Tài lũ” được tặng một xấp vải nên mang về cho Phương may quần áo. Thúy Phương thương bà nên chỉ may hai cái áo cho hai người, mặc ra đường, ai cũng khen họ giống nhau như hai… mẹ con!
Đào Thúy Phương thi đậu và tốt nghiệp Đại học Tài chính kế toán. “Tài lũ” lại khóc ròng vì sung sướng và đích thân bà đi xin việc cho Phương ở một công ty mà giám đốc vốn là bạn chiến đấu cũ. Tháng 4 năm 2008 này, “Tài lũ” khoe với chúng tôi: “Nhà bây giờ khá hơn rồi, con Phương thỉnh thoảng cũng mua chân gà hay đuôi heo về hầm với thuốc bắc để a dí (dì) của nó tẩm bổ, bởi vì tôi vừa mới bị té gãy tay”.
Dương Minh Anh