Đề xuất Hà Nội và TPHCM tiên phong từ năm 2027
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến cho dự thảo lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải đối với ô tô và xe máy đang lưu hành tại Việt Nam. Lần đầu tiên, một hệ thống quy chuẩn đồng bộ cho toàn bộ phương tiện cơ giới được đề xuất áp dụng trên cả nước, trong đó Hà Nội và TPHCM là hai địa phương đi tiên phong.
Theo dự thảo, từ ngày 1-1-2027, Hà Nội và TPHCM sẽ áp dụng quy chuẩn khí thải đối với mô tô, xe gắn máy đang lưu hành. Các thành phố như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế sẽ triển khai sau một năm (từ ngày 1-1-2028). Các địa phương còn lại trên cả nước sẽ thực hiện từ năm 2030, nhưng có thể chủ động áp dụng sớm hơn.
Riêng tại Hà Nội và TPHCM, từ năm 2032 trở đi, tất cả xe máy và xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn 2 thành phố này bắt buộc phải đáp ứng mức khí thải tối thiểu là mức 2, bất kể năm sản xuất. Các xe không đạt yêu cầu sẽ buộc phải cải tiến hoặc bị loại khỏi lưu thông.

Cơ chế tổ chức kiểm định và giám sát được phân công cho nhiều bộ, ngành. Bộ Xây dựng chủ trì kiểm định khí thải và chứng nhận an toàn kỹ thuật. Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát tiêu chuẩn đo lường, phương tiện kiểm định. Bộ Công an và chính quyền địa phương chịu trách nhiệm kiểm soát và xử phạt vi phạm.
Dự thảo cũng đề xuất xây dựng quy chuẩn khí thải mới (QCVN) thay cho tiêu chuẩn TCVN 6438:2018 hiện hành - vốn đang ở mức thấp hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore. Việc thiếu cơ chế loại bỏ phương tiện cũ có phát thải cao cũng là một bất cập lớn cần khắc phục.
Người dân mong đợi gì?
Theo thống kê, Hà Nội có hơn 8 triệu phương tiện, trong đó 6,9 triệu là xe máy. Tại TPHCM, số phương tiện cơ giới cũng vượt 9 triệu chiếc, trong đó xe máy chiếm hơn 90%, gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông và chất lượng không khí. Tại các đô thị, xe máy chiếm tỷ trọng lớn trong ô nhiễm không khí đô thị, đặc biệt là bụi mịn PM2.5.
Nhiều nghiên cứu cho thấy phương tiện giao thông góp 20%-70% lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí. Do đó, việc áp dụng lộ trình khí thải mới được kỳ vọng góp phần cải thiện chất lượng không khí và thúc đẩy chuyển đổi xanh trong ngành giao thông vận tải.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo quá trình thực hiện nên có lộ trình phù hợp, cần đảm bảo đồng bộ hạ tầng giao thông công cộng, tránh gây xáo trộn cho người dân và doanh nghiệp. Với dự thảo quy định tiêu chuẩn và kiểm định khí thải cho ô tô, người dân rất lo ngại khi lần đầu tiên Việt Nam thiết lập hệ thống phân loại khí thải ô tô thành 5 mức.
Anh Hoàng Anh, ngụ 28C Đại La (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) chia sẻ, chi phí để nâng cấp, duy trì hệ thống khí thải cho một chiếc xe đời cũ sẽ là một áp lực lên kế hoạch chi tiêu của gia đình. Nhiều ý kiến người dân cũng cho rằng, việc kiểm soát khí thải cần có lộ trình hợp lý, đánh giá kỹ tác động kinh tế - xã hội trước khi ban hành.
Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ các trung tâm đăng kiểm, các cơ sở cung cấp nhiên liệu để đảm bảo chính xác, công bằng, và giảm phát thải hiệu quả. Nhìn nhận ở góc độ quản lý phương tiện, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, cần tính toán kỹ việc áp tiêu chuẩn khí thải khác nhau giữa các địa phương bởi có thể dẫn đến tình trạng “chạy” đăng ký xe ở các vùng lân cận rồi lưu hành tại Hà Nội, TPHCM.
Về phía các doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đồng tình với việc cần kiểm soát khí thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện một số đơn vị tại Hà Nội, TPHCM đang kiểm đếm các xe đang lưu hành, chuẩn bị cho việc kiểm định khí thải.
Việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới chắc chắn sẽ tác động mạnh đến các doanh nghiệp. Các phương tiện cũ có thể cần đầu tư hàng chục triệu đồng để nâng cấp, bảo dưỡng định kỳ hệ thống khí thải. Như vậy, các doanh nghiệp có số lượng đầu xe lớn sẽ phải chi hàng chục tỷ đồng, gây áp lực tài chính nặng nề.
Đồng tình với việc cần sớm kiểm soát khí thải phương tiện đường bộ, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nêu ý kiến, trong thời gian tới, các doanh nghiệp vận tải cần chủ động có chiến lược dài hạn để nâng cấp phương tiện. Giải pháp căn cơ là các doanh nghiệp nên thay thế xe cũ, ứng dụng công nghệ tiết kiệm nhiên liệu, quản lý đội xe thông minh để tối ưu mức tiêu hao nhiên liệu, giảm chi phí vận hành.
Việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới có thể tạo ra những khó khăn lớn cho doanh nghiệp vận tải trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, đây là bước đi cần thiết để ngành vận tải phát triển bền vững hơn, giảm ô nhiễm môi trường và tăng khả năng cạnh tranh với các thị trường quốc tế.
Đối với ô tô, dự thảo đề xuất quy định các xe sản xuất từ năm 2017 trở đi phải đạt mức 4 tại Hà Nội và TPHCM, áp dụng kể từ 1-1-2026, trong khi các địa phương khác chỉ yêu cầu mức 3. Ô tô sản xuất từ năm 2022 sẽ phải đạt mức 4 áp dụng trên toàn quốc từ năm 2026, riêng Hà Nội và TPHCM phải đạt mức 5 (cao nhất) từ năm 2027.