
Trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP, TS Trần Du Lịch (ảnh), Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (gọi tắt là Nghị quyết 98), cho rằng, TPHCM mới cần tiếp tục thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98, đồng thời đề xuất cách thức tổ chức mối quan hệ vùng với Đồng Nai mới để kiến tạo “cơ chế trọng lực” thúc đẩy phát triển đồng bộ và bền vững.
Tác động tích cực rất lớn đối với sự phát triển
PHÓNG VIÊN: Vừa qua, TPHCM đề xuất tiếp tục triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố sau khi hợp nhất 3 địa phương Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu với TPHCM. Vì sao thành phố có đề xuất này, thưa ông?
TS TRẦN DU LỊCH: Theo tôi, việc hợp nhất 3 địa phương Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu với TPHCM để hình thành một TPHCM mới nhằm tạo động lực phát triển kinh tế không chỉ cho vùng Đông Nam bộ mà còn cho cả nước. Tôi cho rằng cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và áp dụng cho TPHCM mới theo quy mô dân số và diện tích mở rộng sau khi hợp nhất 3 địa phương.
Như vậy, các nhóm cơ chế, chính sách trong Nghị quyết 98 vốn đã có tính chất huy động nguồn lực và phân cấp, phân quyền mạnh, nếu được áp dụng cho TPHCM mới thì sẽ tạo ra tác động rộng hơn, lớn hơn, mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của thành phố mới. Chính vì vậy, tôi đề nghị thí điểm các chính sách theo Nghị quyết 98 nên được kéo dài từ nay đến năm 2030.
Trung ương sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, điều này sẽ tác động thế nào đến TPHCM mới?
TS TRẦN DU LỊCH: Hiện nay, chủ trương của Trung ương là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Do đó, trong các quy định sắp tới, việc mở rộng phân cấp, phân quyền cho địa phương cấp tỉnh thì những nội dung nào mới, vượt trội hơn Nghị quyết 98 dĩ nhiên sẽ được áp dụng theo quy định mới. Những nội dung trong Nghị quyết 98 mà các địa phương khác chưa có thì TPHCM vẫn nên tiếp tục thực hiện.
Tôi nghĩ rằng, về phương diện thể chế sẽ tác động rất lớn đối với sự phát triển của TPHCM, đặc biệt trong việc huy động nguồn lực để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng của TPHCM mới. Đây là yêu cầu rất bức thiết, đặc biệt là các chính sách liên quan đến thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) mà Nghị quyết 98 cho TPHCM thực hiện.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình Quốc hội về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế đặc thù tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính, trong đó có TPHCM.
Trước đó, theo đề án sắp xếp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TPHCM, UBND TPHCM đề xuất Trung ương xem xét, chấp thuận tiếp tục tạo cơ chế thực hiện Nghị quyết 98 áp dụng cho TPHCM mới sau khi sắp xếp, nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đề xuất áp dụng Nghị quyết 98 cho TPHCM mới kéo dài đến hết năm 2030.
Hình thành “cơ chế trọng lực” cho toàn vùng
Trong Nghị quyết 98, theo ông, nội dung nào cần được đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới khi hình thành TPHCM mới?
TS TRẦN DU LỊCH: Tôi cho rằng, hầu như các nội dung triển khai theo Nghị quyết 98 và đi vào cuộc sống khá tích cực. TPHCM đang chuẩn bị xúc tiến đầu tư để thu hút nhà đầu tư trong năm nay. Nhìn tổng thể, tôi đánh giá rằng gần như toàn bộ nội dung của Nghị quyết 98 đã được đưa vào thực tiễn và đạt hiệu quả tích cực. Hiện nay, còn một vấn đề chưa triển khai mà trong thời gian tới cần phải làm, đó là thí điểm thị trường chứng chỉ carbon và sử dụng mái nhà công sở lắp đặt hệ thống điện mặt trời.

Với đề xuất hợp nhất các địa phương, ông đánh giá mối quan hệ giữa TPHCM mới và Đồng Nai mới nên được định hình ra sao?
TS TRẦN DU LỊCH: Tôi cho rằng trong tương lai, mối quan hệ giữa TPHCM mới và Đồng Nai mới là cực kỳ quan trọng. Bởi lẽ, trước đây TPHCM được phép dùng ngân sách để đầu tư kết nối với các địa phương khác - điều mà các địa phương khác không có. Bây giờ, nếu hình thành TPHCM mới, thì chính sách này nên được mở rộng để áp dụng cả cho các kết nối giữa TPHCM mới với Đồng Nai mới, nhất là các khu vực giáp ranh từng thuộc về Bình Dương hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, TPHCM mới cần có sự gắn kết chiến lược với Đồng Nai mới, bởi vì theo quy hoạch vùng Đông Nam bộ, hành lang đô thị công nghiệp của khu vực này chạy qua Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trên hành lang này, cần có một chính sách thống nhất để cùng phát triển. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ thực sự có một “cơ chế trọng lực” cho toàn vùng, giúp phát triển mạnh mẽ hơn.
Đại biểu Quốc hội, Trung tướng NGUYỄN MINH ĐỨC - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội:
Cần “chiếc áo mới” cho TPHCM mới
TPHCM mới sẽ là một thành phố đặc biệt, rất lớn, tổng hòa lợi thế của TPHCM hiện nay với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu tạo thành một hệ thống logistics rất thông minh, hướng biển. Như vậy mục tiêu liên kết vùng mà trước đây chúng ta hướng đến khi phải đi qua các tỉnh, thành phố với những cơ chế khác nhau nay sẽ được thống nhất, thông thoáng.
TPHCM mới sẽ vươn mình rất mạnh, rất nhanh, giải quyết những vướng mắc hiện nay về hành chính, địa lý, hạ tầng. Đó là thế mạnh rất lớn để phát huy Nghị quyết 98 cho TPHCM mới. Cho nên, tôi hoàn toàn ủng hộ việc tiếp tục áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98 cho TPHCM mới.
Một vấn đề quan trọng nữa là bộ máy, con người phải có tâm, có tầm, thống nhất, đoàn kết, có tầm nhìn để phát huy lợi thế của thành phố. Có lẽ TPHCM mới cũng nên nghiên cứu trình Quốc hội sửa Nghị quyết 98 để TPHCM mới phát triển. Vì Nghị quyết 98 là cho TPHCM hiện nay, còn khi sáp nhập thêm 2 tỉnh, lại đều là tỉnh có thế mạnh, thì cần một “chiếc áo mới” cho TPHCM mới; cần thiết phải sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung thêm cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM mới.
Đại biểu Quốc hội TRẦN HOÀNG NGÂN:
Có cơ chế đặc thù cho bộ máy tổ chức
Tôi đồng tình cần tiếp tục áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM mới. Khi phân bổ định mức cán bộ, viên chức tại từng phường, xã, đặc khu của TPHCM mới thì cần phải chú ý đến những đặc điểm kinh tế - xã hội, về an ninh quốc phòng, về dân số, về quy mô kinh tế trên địa bàn đó.
Hiện nay chúng ta thấy, TPHCM mới sẽ có hơn 13 triệu dân, rất lớn, nằm trong tốp 10 thành phố siêu đô thị trên thế giới, với diện tích là 6.773km², và quan trọng hơn là có tới 168 đơn vị hành chính cấp xã.
Như vậy thì quản lý thế nào để chúng ta vừa thực hiện việc tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn nhưng phải hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả? Do đó, chúng ta phải có chính sách đặc thù riêng cho từng địa phương, và nhất là những đô thị lớn như các thành phố: TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Phòng, Đà Nẵng…
Tức là cần có cơ chế đặc thù cho bộ máy tổ chức ở những nơi này, cho cán bộ, viên chức. Vì TPHCM có nhiều, xã, phường trên 100.000 dân, có tới 4 xã, phường trên 200.000 dân. Với quy mô dân số đó thì số lượng cán bộ, viên chức phải tương thích mới có thể đảm bảo giải quyết được những vấn đề cơ bản nhất, dịch vụ công cơ bản nhất để phục vụ nhân dân.
PHAN THẢO ghi