
Tháng 3 này, ông Hồ Giáo - người chăn bò nổi tiếng, được Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng bước sang mùa xuân thứ 80 của cuộc đời. Nhìn vào đôi mắt nhân hậu của ông, dường như ông có điều gì đó ưu tư. Hóa ra, Bộ NN-PTNT đang có kế hoạch chuyển 4 con trâu gắn bó như một phần máu thịt của người anh hùng ra Hà Nội...
Người anh hùng tri ân…
Tôi gặp ông Hồ Giáo ở trại chăn nuôi xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi lúc ông vừa từ Hà Nội trở về. Một doanh nghiệp lớn ngoài thủ đô mời ông ra kể chuyện về 5 lần được gặp Bác Hồ nhằm giáo dục truyền thống cho lớp trẻ vì hơn ai hết, ông chính là hiện thân sinh động nhất của tinh thần cần cù lao động.
Chưa kịp quên cái buốt giá dằng dai của mùa đông xứ Bắc, ông đã hối vợ bới cơm vào cặp lồng, đi bộ hơn 7 cây số đường đất lên trại chăn nuôi với 4 con trâu Mura. Năm 1978, Việt Nam tiếp nhận 500 con trâu giống Mura từ Ấn Độ, trong đó có 2 con do đích thân cố Thủ tướng Ấn Độ - Indira Gandhi tặng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Ông Hồ Giáo bên đám cỏ voi ở trại trâu
Nghĩa Hành
Sau khi rời đàn trâu đông đúc ở cánh đồng cỏ voi bạt ngàn do ông gây dựng tại Sông Bé, về nghỉ hưu tại quê hương Quảng Ngãi, Anh hùng Hồ Giáo được Thủ tướng Phạm Văn Đồng trực tiếp giao cho chăm sóc 2 con trâu đặc biệt này cùng 15 trâu Mura khác với lời dặn dò là “hãy tạo ra thật nhiều trâu có sức kéo khỏe tặng nông dân nghèo”.
Ông Hồ Giáo đặt tên cho một trong 2 trâu mẹ (quà tặng của cố Thủ tướng Indira Gandhi) là Trà Câu và cứ thế, mỗi trâu con ra đời đều mang một tên gọi thân thương gắn với các vùng đất của Quảng Ngãi. Trâu con từ trại nuôi Hành Thuận giờ đã có mặt khắp mọi miền đất nước, là minh chứng sự tri ân giữa người anh hùng với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Riêng trâu mẹ Trà Câu, 18 năm qua đã sinh ra hàng chục trâu con khỏe mạnh và được ông Hồ Giáo dắt đến tặng cho các gia đình nông dân nghèo. Lúc tôi đến trại trâu Nghĩa Hành, Trà Câu vừa sinh thêm một nghé con kháu khỉnh nữa. Chú nghé có cái xoáy tròn to trên đỉnh đầu này được ông Hồ Giáo đặt tên là Núi Trà - ngọn núi quê hương của ông.
10 tuổi đầu, cậu bé Hồ Giáo đã phải đi ở đợ, cắt cỏ chăn trâu cho nhà giàu dưới chân núi Trà. Quãng đời thơ ấu tủi nhục khiến cậu bé chăn trâu sớm tìm đến với cách mạng để lựa chọn cho mình một công việc có lợi cho đất nước.
Năm 1960, Hồ Giáo chuyển ngành từ bộ đội về Nông trường Ba Vì (Hà Tây). Do tận tụy với công việc và có những đóng góp lớn lao cho ngành chăn nuôi bò sữa, cuối năm 1966, chàng trai Hồ Giáo được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lao động. Năm 1976, Anh hùng Lao động Hồ Giáo chuyển về công tác tại Trung tâm Nghiên cứu trâu và đồng cỏ miền Đông Nam bộ (tỉnh Sông Bé).
Tại đây, ngoài việc phát triển đại trà giống cỏ voi, biến Trung tâm Nghiên cứu trâu và đồng cỏ miền Đông Nam bộ thành trại trâu sữa lớn nhất nuớc ta lúc bấy giờ cùng với thành tích đặc biệt - nhân giống đàn trâu Mura do Chính phủ Ấn Độ tặng từ 500 con lên đến 2.400 con chỉ trong vòng một thời gian ngắn.
Năm 1986 hiện thân của chàng trai “Nhẫn” trong tác phẩm “Cỏ non” của nhà văn Hồ Phương một lần nữa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Với ngành chăn nuôi gia súc Việt Nam, ông Hồ Giáo là người duy nhất đạt kỳ tích 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Ưu tư cuối đời
17 năm sau khi nghỉ hưu, ngày nào người anh hùng cũng đi bộ 7 cây số từ thành phố Quảng Ngãi lên trại trâu. Người dân dọc tỉnh lộ 624 đã quen với hình ảnh một ông già xách chiếc cặp lồng trên tay, ngày 2 buổi đi về... Sẽ trống trải biết bao nhiêu, nếu một ngày vắng bóng ông trên con đường ấy... “Tôi thích sống với những con trâu!”.
Ai đến trại trâu cũng được nghe lời nói này từ người anh hùng. Có chút gì đó xốn xang khi tôi nghe ông Hồ Giáo cất tiếng gọi con trâu Núi Trà. Tiếng gọi dịu êm như thuở nào ông còn chăm bẵm “Chị Vàng”, “Cu Tũn” ở thảo nguyên Ba Vì...
Không còn mùi cỏ voi, không còn những con trâu, người anh hùng của chúng ta sẽ không còn đứng vững nữa ở tuổi 80. Nhìn vào đôi mắt nhân hậu, ưu tư của ông, tôi linh cảm rất rõ điều này nhưng thật trớ trêu là chuyện ấy lại sắp xảy ra: Bộ NN-PTNT đang có kế hoạch chuyển 4 con trâu gắn bó như một phần máu thịt của người anh hùng ra Hà Nội...
Ông Hồ Giáo chính thức cho tôi biết thông tin này khi ông vừa trở về từ thủ đô những ngày đầu tháng 3. Cũng như ông, tôi không thể nào hiểu được cái điều mà Bộ NN-PTNT sắp làm. Sao lại phải đưa trâu từ trại trâu Hành Thuận ra Hà Nội trong khi giống trâu Mura đã có mặt ở khắp nơi?.
Hơn 40 năm trời, đã có nhiều bài thơ, áng văn và bài hát ngợi ca người Anh hùng Hồ Giáo. Người chăn bò nổi tiếng đã dành trọn những năm đẹp đẽ nhất cuộc đời, đi từ trảng cỏ gừng xanh lịm của thảo nguyên Ba Vì đến những cánh đồng cỏ voi cao vút ở miền Nam rồi miền Trung... Giống cỏ voi mang tên Hồ Giáo giờ có mặt ở khắp nơi, là kết tinh thành quả của một đời người gắn với đàn trâu, đàn bò, giúp chúng không ngừng sinh sôi nảy nở. |