Vận dụng phương pháp liên ngành trong nghiên cứu về phòng, chống bạo lực giới trên không gian mạng

Sáng 9-5, tại TP Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp cùng Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Luật (Đại học Huế) tổ chức Hội thảo khoa học “Phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu luật học”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực luật học đến từ các cơ sở đào tạo luật thuộc mạng lưới đào tạo luật trên toàn quốc.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu, giảng dạy trong lĩnh vực khoa học pháp lý nhìn lại những thành tựu trong việc xây dựng và phát triển về phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu luật học. Đồng thời mở diễn đàn cho các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh và những người làm công tác pháp luật gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ những nghiên cứu chuyên sâu liên quan đến phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu pháp lý.

Phát biểu tại hội thảo, GS-TS Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ nhấn mạnh, hội thảo là hoạt động rất ý nghĩa đối với cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên và người học. Các đại biểu trao đổi các vấn đề thiết thực liên quan đến Luật, nhằm góp phần đánh giá, nêu bật các vấn đề khác nhau của xã hội cần sự hỗ trợ của pháp luật; cũng như góp phần xây dựng, củng cố, hoàn thiện pháp luật cho công tác bảo vệ và thực thi quyền - nghĩa vụ của công dân. Đồng thời là cơ hội để các trường, cơ sở đào tạo, chuyên gia giao lưu, kết nối, hợp tác và phục vụ cho công tác đào tạo, giảng dạy - học tập và nghiên cứu.

08.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm

Các đại biểu trình bày nhiều tham luận, trong đó có vận dụng phương pháp liên ngành trong nghiên cứu về phòng, chống bạo lực giới trên không gian mạng; phân tích thực trạng bạo lực giới trên mạng, những hình thức phổ biến và tác động tiêu cực đối với quyền con người và công bằng giới. Từ đó, đưa ra những đề xuất nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý hiện hành, tập trung vào việc xây dựng khái niệm bạo lực giới trên không gian mạng vào các văn bản pháp lý, quy trình thu thập chứng cứ số và tăng cường hợp tác quốc tế trong việc giải quyết vấn đề này.

Ngoài ra, hội thảo cũng được nghe báo cáo tham luận về Áp dụng phương pháp nghiên cứu kinh tế học pháp luật trong xây dựng pháp luật chống xâm phạm bản quyền. Tập trung nghiên cứu việc chống xâm phạm quyền tác giả trong bối cảnh hiện đại, nhằm giải quyết các vấn đề trọng tâm như nguyên nhân kinh tế dẫn đến vi phạm bản quyền, tác động tiêu cực của chúng đến xã hội và giải pháp tối ưu cho chính sách chống xâm phạm. Qua đó, đề xuất cần xây dựng khung pháp lý nhằm tối ưu hóa về mặt kinh tế đối với các các biện pháp bảo hộ quyền và chống xâm phạm quyền cho chủ sở hữu bản quyền, góp phần hoàn thiện chính sách sở hữu trí tuệ, thúc đẩy phát triển văn hóa - xã hội.

Tin cùng chuyên mục