Chuyện dài chống ngập

Tỉnh Đồng Nai đang vào cao điểm của mùa mưa ở Nam bộ. Vào chiều 25-8, một cơn mưa lớn kéo dài hơn 1 giờ đã gây bao hệ lụy cho TP Biên Hòa, tỉnh lỵ của Đồng Nai. Tại những nút giao thông quan trọng của đô thị này, hàng trăm xe mô tô bị chết máy, ô tô kẹt cứng trên đường. Trên các tuyến phố chính, nước ngập lênh láng và còn tràn vào nhà dân gây hư hỏng nhiều vật dụng đắt tiền, làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Tỉnh Đồng Nai đang vào cao điểm của mùa mưa ở Nam bộ. Vào chiều 25-8, một cơn mưa lớn kéo dài hơn 1 giờ đã gây bao hệ lụy cho TP Biên Hòa, tỉnh lỵ của Đồng Nai. Tại những nút giao thông quan trọng của đô thị này, hàng trăm xe mô tô bị chết máy, ô tô kẹt cứng trên đường. Trên các tuyến phố chính, nước ngập lênh láng và còn tràn vào nhà dân gây hư hỏng nhiều vật dụng đắt tiền, làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Tình trạng ngập nước trong những năm gần đây là “chuyện thường ngày” ở TP Biên Hòa; cứ sau những trận mưa lớn là y như rằng “phố biến thành sông”. Nước ngập khắp nơi trên các tuyến đường nội ô khiến người đi đường chỉ có nước… dắt bộ xe máy, lội bì bõm. Do không xác định được đoạn nước ngập phía trước nên nhiều người đã lọt xuống hố, xoay xở khó nhọc trong dòng nước bẩn… Nỗi khổ này cứ hàng năm lặp lại nên sự ức chế của cư dân cù lao Phố cứ thế nhân lên.

Theo thống kê của Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn TP Biên Hòa hiện có 23 “điểm đen” ngập nước mỗi khi mưa lớn. Trong đó có 15 điểm ngập nặng như khu vực ngã tư Võ Thị Sáu - Phạm Văn Thuận, xa lộ Hà Nội, đại lộ Nguyễn Ái Quốc, đường Hưng Đạo Vương (đoạn trước cổng UBND TP Biên Hòa)… Theo ông Trần Dương Vũ, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị TP Biên Hòa, nguyên nhân của tình trạng ngập nước mấy năm gần đây là do địa hình và hệ thống thoát nước không đáp ứng kịp tốc độ đô thị hóa ở Biên Hòa. Hệ thống thoát nước công cộng chỉ phục vụ thoát nước bề mặt, nay gánh thêm phần nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư thì xảy ra quá tải. Đáng nói là tình trạng này ít nhiều có sự thiếu ý thức của người dân, rác thải đã được xả xuống dòng chảy nhiều nên khi qua những khúc suối hẹp, gây ách tắc dòng chảy và ngập úng. Và điều mấu chốt, dân cư đô thị Biên Hòa ngày càng tăng cao, các khu dân cư mới ngày càng phát triển ở các phường, khiến việc chống ngập nước ở vùng đất Trấn Biên như… đi vào ngõ cụt.

Về giải pháp trước mắt, để giảm ngập cho TP Biên Hòa khi mùa mưa còn diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Đồng Nai vừa yêu cầu chính quyền TP Biên Hòa chỉ đạo nạo vét, khơi thông dòng chảy; tăng cường công tác quản lý đô thị, xử lý dứt điểm các công trình lấn chiếm, trả lại nguyên trạng ban đầu cho các dòng suối, ao, hồ bị lấn chiếm nhằm đảm bảo khả năng tiêu thoát nước mặt. Về lâu dài, dự án nạo vét suối Săn Máu (dài 6.052m), một trong những dòng suối lớn chảy qua TP Biên Hòa, với tổng vốn đầu tư 554 tỷ đồng cần phải được triển khai nhanh hơn. Dự án này đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt cách đây… 17 năm; lễ khởi công diễn ra cuối năm 2011 và dự kiến hoàn thành trong năm 2015 nhưng đến nay chẳng thấy “vóc dáng” gì cả…

Câu chuyện ngập úng trong mùa mưa ở các đô thị lớn tại khu vực Đông Nam bộ rõ ràng là “truyện dài kỳ”. Ngập nước không chỉ gây ùn tắc giao thông mà còn làm đảo lộn chuyện đi lại, sinh hoạt, mua bán của người dân, gây thiệt hại rất lớn về vật chất. Vì vậy, cùng với việc nhanh chóng trả lại nguyên trạng dòng chảy, thì công tác ngăn chặn, quản lý việc lấn chiếm kênh, rạch, suối, hồ của các tổ chức, cá nhân cần được các cấp chính quyền TP Biên Hòa quyết liệt triển khai.

ĐỨC THANH

Tin cùng chuyên mục