Chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Nhiều giải pháp, một mục tiêu

Trước những thay đổi trong môi trường hội nhập kinh tế thế giới, các doanh nghiệp phải đối đầu với những thách thức về cạnh tranh. Trong đó, hoạt động đầu tư cũng dự báo là khó khăn, thế nhưng, nhiều giải pháp của TPHCM cùng những chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực trong thời gian tới sẽ góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung vào các ngành công nghệ cao, có hàm lượng khoa học và chất xám cao, mang lại giá trị gia tăng lớn cho xã hội…
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Nhiều giải pháp, một mục tiêu

Trước những thay đổi trong môi trường hội nhập kinh tế thế giới, các doanh nghiệp phải đối đầu với những thách thức về cạnh tranh. Trong đó, hoạt động đầu tư cũng dự báo là khó khăn, thế nhưng, nhiều giải pháp của TPHCM cùng những chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực trong thời gian tới sẽ góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung vào các ngành công nghệ cao, có hàm lượng khoa học và chất xám cao, mang lại giá trị gia tăng lớn cho xã hội…

Sản xuất linh kiện điện thoại xuất khẩu tại Công ty TNHH Sonion trong Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Chuyển dịch đi đôi với hỗ trợ đầu ra

Mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ những ngành có hàm lượng chất xám thấp, thâm dụng lao động, ô nhiễm môi trường sang những ngành có hàm lượng khoa học cao, có giá trị gia tăng lớn là nhiệm vụ trọng yếu gắn liền với hoạt động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TPHCM. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ trên, Sở Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) TPHCM triển khai nhiều giải pháp cụ thể hỗ trợ các ngành thuộc 4 nhóm ngành ưu tiên của TP.

Trước mắt, TP triển khai xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu hạ tầng, dân cư, kinh tế và xã hội với sự tham gia của các tất cả ngành, cơ quan thuế, thống kê cùng xây dựng hệ thống số liệu chính xác, cập nhật thực tế phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành một cách chính xác. Trong đó, Sở KH-ĐT tăng cường thẩm tra công nghệ khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư và kiểm soát công nghệ của trang thiết bị máy móc khi được nhập khẩu; xây dựng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản phẩm trong nước, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; khuyến khích sử dụng công nghệ mới, sản phẩm mới trong sản xuất và tiêu dùng để tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; tập trung triển khai Chương trình phát triển vi mạch điện tử (chip điện tử)…

Tuy nhiên, để đẩy mạnh ngành có hàm lượng khoa học cao thì hoạt động đầu tư chất xám cho con người cũng được TP chú trọng. “Tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển kinh tế - xã hội TP trong giai đoạn mới là việc làm cấp bách. Đó là mở rộng quy mô đào tạo nguồn nhân lực theo nhiều hình thức khác nhau, chú ý đào tạo công nhân tay nghề cao đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa” - bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, nói. Ngoài ra, TP cũng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đạt chứng nhận sản phẩm và hệ thống quản lý; đào tạo đội ngũ cán bộ marketing xuất khẩu cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường xuất khẩu một cách chuyên nghiệp và có hiệu quả trong thời kỳ hội nhập. Đó chính là cách giải quyết đầu ra tốt nhất để đẩy mạnh sản xuất cho doanh nghiệp những ngành nghề mà TP khuyến khích đầu tư.

Khu công nghệ cao sẽ được ưu đãi thuế

Thông tin Bộ Tài chính đang dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ cao (CNC) và các chính sách ưu đãi về thuế đang là tín hiệu tốt trong hoạt động kêu gọi đầu tư vào những ngành khoa học công nghệ tiên tiến. Theo quy hoạch, cả nước đang xây dựng và thực hiện 3 khu CNC gồm: Khu CNC Hòa Lạc, Khu CNC TPHCM và khu CNC Đà Nẵng. Trong đó, đáng chú ý là vấn đề ưu đãi thuế trong KCN.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu CNC được ưu đãi thuế. Căn cứ vào Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành, thì thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu CNC; thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao; đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, được áp dụng thuế suất 10% (thay vì thuế suất thuế TNDN 25% như doanh nghiệp thông thường) trong 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Về thuế nhập khẩu, Nghị định 87/2010/NĐ-CP quy định, lĩnh vực “Đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định” thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư và được hưởng ưu đãi. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư loại hình này còn được ưu đãi về tiền thuê đất theo Nghị định số 45/2014/NĐ-CP. Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu CNC cũng được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định tại Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010.

Với nhiều ưu đãi song hành từ giai đoạn đầu tư, đến ưu đãi thuế TNDN, thuế xuất khẩu, chính là những điểm hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong hoạt động lựa chọn đầu tư vào những ngành nghề mà nhà nước khuyến khích. Điều đó hứa hẹn việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ nhanh chóng đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.

THẢO NHI

Tin cùng chuyên mục