Áp lực hơn nhưng pháp lý vững hơn
- PHÓNG VIÊN: Thưa bà, thời gian qua, việc quản lý cũng như đảm bảo ATTP trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến gì?
Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN: Sau 6 năm thí điểm Ban Quản lý ATTP TPHCM, về mặt luật pháp không có gì thay đổi, nhưng về mặt quản lý có sự thay đổi. Thay vì lĩnh vực ATTP do 3 ngành cùng quản lý (công thương, nông nghiệp, y tế) thì TPHCM đã nhập các bộ phận quản lý của 3 ngành này về một cơ quan thống nhất. Mô hình này thực sự có lợi cho công tác đảm bảo ATTP và đã đạt được nhiều kết quả như: đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ít hơn cả về số lượng cũng như quy mô; tỷ lệ sử dụng thực phẩm sạch tăng dần hàng năm…
- Vậy mô hình Ban Quản lý ATTP chuyển sang Sở ATTP sẽ khác nhau như thế nào?
Việc chuyển thành Sở ATTP sẽ tiếp tục những gì Ban Quản lý ATTP đã làm, về mặt công tác và mục tiêu đều tiến tới bảo đảm ATTP cho người dân thành phố. Nhưng Sở ATTP sẽ có lợi hơn về mặt pháp lý, bởi trong quy định của pháp luật không có mô hình ban. Vì vậy, mô hình Sở ATTP sẽ có lợi cho công việc. Chúng tôi có thể dựa vào hệ thống pháp lý cho các sở để tiến hành thực thi, bởi hệ thống pháp lý này đã thông qua đánh giá, hoạt động của các sở, ngành khác. Tuy nhiên, chính điều này cũng sẽ tạo cho chúng tôi nhiều áp lực. Nếu như trước kia làm có thiếu sót gì thì có thể nói rằng do ban đang thí điểm, nhưng bây giờ chính thức chuyển thành sở thì việc thực hiện phải chỉn chu hơn, chuyên nghiệp hơn.
Làm tốt vai trò, trách nhiệm
- Khi chuyển đổi thành sở, thì cơ sở vật chất, cơ cấu nhân sự hay tổ chức bộ máy có thay đổi gì không, thưa bà?
Hiện nay, về cơ sở vật chất cơ bản đã tạm ổn, chúng tôi có 10 trụ sở của Đội quản lý ATTP ở các quận, huyện, TP Thủ Đức và 2 cơ sở ở trung tâm. Về con người, với mức độ công việc hiện nay đòi hỏi rất cần thêm nhân lực, nhưng thành phố đang gặp khó khăn chung về biên chế. Biên chế của Ban Quản lý ATTP sau 6 năm thành lập không tăng mà lại giảm, do nguồn cán bộ biên chế 6 năm qua chỉ tuyển 1 lần, trong khi cán bộ rời nhiệm sở hàng năm vì đến tuổi hưu, vì lý do sức khỏe và nhiều lý do khác.
Nếu như lúc đầu mới thành lập, số biên chế của ban lên đến 468 người thì đến nay chỉ còn 381 người, và thực sự mà nói thì chúng tôi chưa bố trí được như mong muốn. Điển hình, với đội ngũ quản lý ATTP, chúng tôi mong ít nhất mỗi đội có 30 người, nhưng con số này chưa bao giờ đạt được. Hiện nhân sự ở ban phải cắt giảm đến mức tối đa đối với phòng, ban chức năng chuyên môn để đưa anh em về các quận, huyện. Và dự báo sẽ không có thay đổi gì nhiều về mặt tổ chức, bộ máy. Khi chuyển lên sở, chúng tôi sẽ đề xuất xin thêm cán bộ quản lý (cụ thể là phó giám đốc) để có thể thực hiện việc quản lý được tốt hơn.
- Để Sở ATTP đi vào đúng quỹ đạo, thời gian tới cần phải làm gì, thưa bà?
Trước đây, chúng tôi từng khẳng định dù là ban hay sở sẽ vẫn làm hết trách nhiệm của mình. Hiện nay, công việc của ban rất ổn, toàn bộ cán bộ, nhân viên của ban vẫn tiếp tục làm theo các kế hoạch đề ra. Bộ phận nhân sự, văn phòng phối hợp cùng Sở Nội vụ để có thể triển khai Nghị quyết 98 một cách sớm nhất. Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn xây dựng những đề án, quy định, quy chế.... một cách rất nghiêm túc. Trước đây, chúng tôi xây dựng phòng, ban chức năng theo mô hình thí điểm, giờ thành sở thì bộ máy tổ chức cũng phải có sự tương đồng.
* Ông ĐỖ XUÂN TUYÊN, Thứ trưởng Bộ Y tế: Xây dựng một cơ quan quản lý thống nhất về ATTP
Hiện nay, mô hình quản lý ATTP không thống nhất, ví dụ như mô hình thí điểm Sở ATTP chuẩn bị triển khai tại TPHCM, mô hình Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tại các địa phương, Ban Quản lý ATTP tại một số tỉnh, thành phố… Ngoài các công tác chuyên môn như ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh truyền thông…, chỉ thị của Ban Bí thư đặt ra yêu cầu rất quan trọng là phải xây dựng được một cơ quan quản lý thống nhất về ATTP từ Trung ương đến địa phương; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong đảm bảo an ninh, ATTP. Hiện Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy thống nhất về ATTP. Bộ Y tế sẽ cùng các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để nhanh chóng kiện toàn về tổ chức bộ máy theo nhiệm vụ Ban Bí thư, Chính phủ giao.
* PGS-TS NGUYỄN THANH PHONG, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế): Sẽ giải quyết được nhiều bất cập trên địa bàn
Sau 6 năm Chính phủ cho phép thí điểm Ban Quản lý ATTP tại TPHCM cho thấy, TPHCM đạt được những kết quả bước đầu quan trọng như: tập hợp được nguồn lực, chỉ đạo, điều hành giải quyết các vụ việc nhanh chóng hơn. Tuy nhiên cũng có những bất cập, hạn chế, chẳng hạn như bất cập về chức năng xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, nguồn lực về nhân lực, vật lực, tài lực tập trung chưa ổn định nên còn nhiều khó khăn. Vừa rồi, Quốc hội và Chính phủ đã cho phép sớm thành lập Sở ATTP theo đặc thù của TPHCM, chúng tôi hy vọng rằng việc thành lập này sẽ giải quyết được những bất cập về ATTP trên địa bàn.
* Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN:
Mô hình Đội quản lý ATTP mà ban đã mạnh dạn phân công các biên chế xuống các quận, huyện, TP Thủ Đức để chịu trách nhiệm như cánh tay nối dài của ban xuống các địa phương là rất phù hợp với một đô thị lớn có quy mô dân số như TPHCM. Đội ATTP là một mô hình mới, giúp địa phương kiểm soát tốt vấn đề ATTP; chúng tôi sẽ giữ phần đã đổi mới này và tập trung sáng tạo để công việc tốt hơn. Để sau 5 năm, khi tổng kết Nghị quyết 98 sẽ có những bài học không chỉ của TPHCM mà còn của các địa phương khác.