Chúng tôi về Vĩnh Long vào một ngày đầu thu, mới hay từ sau khi thông cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ, hoạt động “đối ngoại nhân dân” đang sôi nổi hơn bao giờ hết, hứa hẹn nhịp cầu hữu nghị sẽ tiếp tục vươn xa mang đến niềm vui cho cuộc sống người dân.
Nhộn nhịp hoạt động đối ngoại
Thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, ngày 7-7-2010, Tỉnh ủy Vĩnh Long ban hành công văn 1200-CV/TU về quán triệt thực hiện Chỉ thị 28 đến cán bộ và đảng viên.
Tính đến hết tháng 10-2010, Vĩnh Long có 40 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn và năm nay lịch tiếp khách nước ngoài của tỉnh khá bận rộn với 100 đoàn khách chính thức (828 lượt), trong đó khách đông nhất đến từ Hàn Quốc, sau đó là Mỹ, Singapore, Úc, Hà Lan…
Ngoài việc thăm viếng, giao lưu văn hóa, các đoàn còn mang theo các dự án đầu tư, hỗ trợ từ thiện nhân đạo trên nhiều lĩnh vực như y tế, xóa đói giảm nghèo, giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các huyện, thị trong tỉnh. Ngược lại, tỉnh cũng chủ động cử 5 đoàn ra nước ngoài học tập, trao đổi kinh nghiệm tại Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan, Mỹ để áp dụng cho các dự án tại địa phương.
Thông qua công tác đối ngoại nhân dân ấy, tỉnh đã vận động được gần 50 tỷ đồng và 1,5 triệu USD cho các chương trình dự án.
Nảy nở những công trình
Nổi bật nhất, lĩnh vực y tế có 12 tổ chức phi chính phủ tài trợ, trong đó nhiều nhất từ Mỹ với 6 dự án. Đáng kể có dự án của tổ chức AP (Mỹ) tài trợ 7 triệu USD với 3 mục tiêu: Nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất; trang bị thiết bị y tế và hỗ trợ đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở ở 107 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Đến nay đang thi công xây mới 31 trạm y tế, cải tạo 11 trạm cũ và đã đấu thầu cung cấp thiết bị cho 107 trạm.
Hay dự án phát hiện sớm trẻ khuyết tật tại huyện Bình Minh của Đại sứ quán CH Ailen (trị giá 63.000 EUR) triển khai từ cuối năm 2009, bước đầu đã tập huấn cho 12 hướng dẫn viên cấp tỉnh làm tuyên truyền viên cho 60 người tuyến xã, huyện với mục tiêu phát hiện và can thiệp sớm trẻ khuyết tật từ lúc còn mang thai đến 6 tuổi, giúp trẻ sớm hòa nhập cộng đồng và được đi học.
Với các dự án này, tuyến y tế cơ sở có thêm năng lực, kiến thức chuyên môn về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em, tạo điều kiện cho người dân trong tỉnh có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Ngoài ra còn có dự án hỗ trợ 100 gia đình trồng bưởi Năm Roi theo quy trình trồng bưởi sạch tại xã Long Thành (huyện Bình Minh). Mỗi hộ có 1 công đất (1.000m2) trở lên, được hướng dẫn cách chọn giống, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý nhằm tăng năng suất, chất lượng.
Ở lĩnh vực xã hội, ông Trần Văn Khái, Phó Chủ tịch LHCTCHN Vĩnh Long, đánh giá cao dự án Dariu của Thụy Sĩ. Với dự án này, chị em phụ nữ vay vốn thông qua liên kết tổ phụ nữ (theo mô hình tín dụng cho người nghèo của Bangladesh), mỗi hộ được vay từ 1 - 30 triệu đồng, có trích lại một ít để dự phòng, tập cho người dân ý thức, thói quen tiết kiệm và đến nay đã cho 6.150 hộ gia đình vay vốn với tổng dư nợ 11,7 tỷ đồng.
Ngoài hoạt động tín dụng nhỏ, dự án còn tặng nhà tình thương (vừa khánh thành căn thứ 10 ở huyện Bình Minh cho bà Lê Thị Đầm ở ấp 1, thị trấn Cái Vồn) và tặng học bổng cho học sinh nghèo.
Ông Nguyễn Văn Diệp, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh kiêm Chủ tịch LHCTCHN Vĩnh Long, cho biết: “Sau giải phóng, Vĩnh Long còn nghèo nên Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm đến công tác đối ngoại nhân dân để thu hút đầu tư, qua đó giúp người nước ngoài hiểu thêm về đất nước con người Việt Nam và Vĩnh Long. Một khi chính quyền đối ngoại tốt thì rất có lợi cho người nghèo”.
VĂN PHONG