Chuyện động trời ở Bình Dương: Biến hơn 3.000 ha đất rừng thành “sổ đỏ”!

Các tài liệu được tiết lộ ngày 5-12 cho thấy, một chuyện động trời đã xảy ra ở tỉnh Bình Dương: chỉ trong mấy năm, UBND huyện Tân Uyên đã “hô biến” trái phép gần 3.400ha đất rừng thuộc Nông lâm trường Chiến khu D thành đất thuộc sở hữu tư nhân.

“Cấp nhầm” sổ đỏ hàng ngàn ha đất rừng!

Ngày 12-12-1996, UBND tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương) ban hành 2 quyết định (số 6072 và 6073) chia tách phần đất do Nông lâm trường Chiến khu D quản lý (tổng diện tích là 12.640ha) thành 2 phần. Một phần có diện tích 5.803ha được giao cho Nông lâm trường Chiến khu D, phần còn lại 6.837ha được giao cho UBND huyện Tân Uyên tiếp nhận và quản lý. Trong quyết định nêu rõ: “UBND huyện có trách nhiệm quản lý toàn bộ diện tích đất được giao tiếp nhận, cùng với Nông lâm trường Chiến khu D tiến hành bàn giao và cắm mốc đất tại thực địa; lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, thực hiện cho đăng ký kê khai, xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân trên diện tích chưa giao sử dụng; xem xét để lại quỹ đất công ích theo quy định”.

Theo báo cáo dựa trên sổ sách của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tân Uyên, trong tổng diện tích đất huyện được phép quản lý theo Quyết định 6073 của UBND tỉnh, có 5.579,65ha/6.837ha đã được huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các hộ gia đình, cá nhân, chỉ còn lại 157,35ha. Tuy nhiên, qua kiểm tra cụ thể (cũng trên hồ sơ tài liệu), Thanh tra tỉnh Bình Dương phát hiện, thực tế huyện đã cấp “số đỏ” cho các hộ gia đình, cá nhân tổng cộng 10.045,25ha. Như vậy, huyện đã giao đất nhiều hơn số được phép giao 3.365,6ha, và đây là diện tích được xác định thuộc các tiểu khu từ 517 đến 525 do Nông lâm trường Chiến khu D quản lý.

Giải trình với Thanh tra tỉnh Bình Dương, UBND huyện Tân Uyên cho rằng, sở dĩ có việc “cấp nhầm” đến 3.365,6ha đất thuộc nông lâm trường cho các hộ gia đình, cá nhân là do “tình hình ranh giới giữa đất huyện quản lý và đất nông lâm trường (nay do Chi cục Kiểm lâm tỉnh quản lý) phức tạp, đồng thời không được cắm mốc cụ thể”. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng yêu cầu cung cấp đầy đủ họ tên, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp, đơn vị công tác, diện tích đất và hiện trạng đất các cá nhân đang sử dụng thì UBND huyện Tân Uyên đã không đáp ứng.

Cố ý làm trái, vẫn... chìm xuồng?

Trong khi đó, theo xác minh của Thanh tra tỉnh Bình Dương, chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 10.045,25ha nói trên cho tổng cộng 4.381 trường hợp. Trong đó xã Tân Định có 1.732 trường hợp với diện tích 4.136,65ha, xã Lạc An có 829 trường hợp với diện tích 2.422,4ha, xã Tân Mỹ có 1.748 trường hợp với diện tích 3.076,44ha, thị trấn Uyên Hưng (không rõ số người) với diện tích 409,76ha. Đáng chú ý, trong khi quy định pháp luật nghiêm cấm việc cấp “sổ đỏ” đất nông nghiệp cho các đối tượng không trực tiếp sinh sống tại địa phương thì có đến 1.843 trường hợp (chiếm 42%) có địa chỉ thường trú ngoài địa phương được UBND huyện Tân Uyên cấp sổ đỏ, trong đó có 1.064 người ngoài huyện (24,28%), 779 người ngoài tỉnh (17,78%).

Đã vậy, nhiều đối tượng được UBND huyện Tân Uyên giao đất nhưng không trực tiếp sản xuất mà tổ chức mua đi bán lại để hưởng chênh lệch. Cụ thể như trường hợp ông Nguyễn Văn Hồng được cấp 4,7ha, sau đó bán cho ông Bốn, ông Bốn bán lại cho Công ty Gia Phát để xây trại chăn nuôi heo. Ông Nguyễn Văn Tâm bán 8,7 ha được cấp cho bà Phan Thị Hồng Vân với giá 1,2 tỷ đồng. Hoặc như các ông Thịnh, Dương, Thuần, Long, Võ Đỗ bán lại cho ông Trần Đình Vọng tổng diện tích 28,8ha để ông Vọng xây dựng xưởng chế biến mủ cao su…

Nghiêm trọng hơn, UBND huyện Tân Uyên còn cấp đất cho hàng chục hộ dân trong lẫn ngoài tỉnh với diện tích vượt hạn điền nhiều lần (quy định hạn điền là 30ha đối với các hộ dân nhận đất trồng cây lâu năm). Điển hình là trường hợp ông Nguyễn Văn Cảnh (công tác tại Huyện đội Tân Uyên) được cấp số đất gấp 10 hạn điền là 375,4ha; ông Nguyễn Văn Hai (ngụ tại huyện Vĩnh An, Đồng Nai) được cấp 168,6ha; bà Nguyễn Thị Vẻn được cấp 134,7 ha; ông Nguyễn Tuấn Khanh (125,76 ha); ông Đinh Văn Nghĩa, ngụ tại quận Phú Nhuận, TPHCM được cấp 122,92 ha…

Theo cơ quan thanh tra, việc cấp sổ đỏ trên của UBND huyện Tân Uyên không những trái với tinh thần Quyết định số 6073 của UBND tỉnh Bình Dương mà còn vi phạm nghiêm trọng các Điều 6, Điều 11, Điều 28 Luật Đất đai 1993; khoản 3 Điều 3 Nghị định 163 ngày 16-11-1999 của Chính phủ; khoản 1 Điều 27 và khoản 2 Điều 28 Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, gây ra tình trạng lộn xộn trong quản lý sử dụng đất và làm lợi cho nhiều cá nhân, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của quốc gia.

Điều đáng nói là trước những vi phạm có dấu hiệu cố ý làm trái nói trên, từ tháng 5-2006 Thanh tra tỉnh Bình Dương đã đề nghị chuyển vụ việc qua cơ quan điều tra làm rõ để xử lý, đồng thời kiến nghị tỉnh chỉ đạo thu hồi quyết định và “sổ đỏ” diện tích đất cấp sai đối tượng, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa có quyết định cuối cùng. 

PHẠM TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục