Chuyên gia bệnh truyền nhiễm lý giải việc tiêm vaccine Covid-19 mà vẫn mắc bệnh

Những nhân viên của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM mắc Covid-19 dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, đã dấy lên những lo lắng, vì sao chủng ngừa vẫn nhiễm bệnh. Lý giải vấn đề này, GS-TS Trần Tịnh Hiền, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho rằng, mặc dù không có bất cứ loại vaccine nào bảo vệ 100% người tiêm. Song, việc chủng ngừa mang lại nhiều giá trị trong chiến lược ứng phó với Covid-19.
Nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM tiêm vaccine Coviid-19 đợt 1, ngày 8-3-2021
Nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM tiêm vaccine Coviid-19 đợt 1, ngày 8-3-2021

Theo GS-TS Trần Tịnh Hiền, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM là nơi tập trung nhiều bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng và tương đối nặng. Hơn nữa, sắp tới, đây sẽ là cơ sở y tế điều trị Covid-19 của TPHCM, nghĩa là sẽ tập trung nhiều người mắc Covid-19.

Những người đã tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca hiệu quả bảo vệ là 60% sau 28 ngày. Đây là khảo sát trên dân số thực hiện ở Anh từ tháng 12-2020 đến tháng 2-2021 khi chủng B1.1.7 (alpha) đang nổi lên, bằng RT-PCR, trên 159,930 người lớn từ 70 tuổi trở lên.

Dẫn chứng kết luận của tài liệu công bố trên The Lancet (tuần san y khoa uy tín nhất thế giới) vào ngày 8-12-2020, GS-TS Trần Tịnh Hiền cho rằng, vaccine Covid-19 của AstraZeneca có một độ an toàn chấp nhận được và có hiệu quả làm giảm các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 có triệu chứng...

"Điều bây giờ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cần làm là giới hạn tối đa sự lây lan cho gia đình, bạn bè và nhất là cho bệnh nhân trong bệnh viện. Tác động tốt của vaccine không thể chối cãi, đang được chứng tỏ ở Mỹ, Anh, Do Thái... và con đường duy nhất để thoát đại dịch là tiêm vaccine có chất lượng tốt, càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt!", GS-TS Trần Tịnh Hiền cho biết
 

Tiêm vaccine giúp những người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 không bị nặng hay tử vong. Đây là điều quan trọng nhất, ở mức từ 60-70% (một số vaccine có thể 95%); giúp giảm bớt những trường hợp nhiễm trùng không triệu chứng và cũng ở mức 50-60%. Qua hai lợi ích đó tạo ra một lợi ích to lớn hơn là miễn dịch cộng đồng khi tỷ lệ tiêm chủng lên đến 70-80%.

“Không thể đòi hỏi vaccine hiệu quả trên tất cả mục tiêu và 100%. Hai loại vacicne Covid-19 tốt nhất hiện nay ở Mỹ và trên thế giới là Moderna và Pfizer nhưng vẫn có những trường hợp thất bại xảy ra. Tỷ lệ tai biến của vacicne với nhiều hình thái lâm sàng là có, tuy nhiên rất thấp và nguy cơ đó vẫn thấp hơn nhiều so với nguy cơ tử vong do Covid-19”, GS-TS Trần Tịnh Hiền cho hay.

Đại diện AstraZeneca (đơn vị sản xuất vaccine) cho rằng, vaccine Covid-19 của AstraZeneca được chứng minh dung nạp tốt và hiệu quả trong việc ngăn ngừa Covid-19. Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy, từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên, vaccine của AstraZeneca giúp bảo vệ tối đa khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong do Covid-19.

Trong 90 ngày sau liều đầu tiên, hiệu lực của vaccine đạt được 76% và hiệu lực bảo vệ này được duy trì đến liều thứ hai. Nếu khoảng thời gian giữa hai liều từ 12 tuần trở lên, hiệu lực vaccine tăng lên 81%. Các phân tích cũng cho thấy, vaccine có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền virus không triệu chứng.

Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, sau khi tiêm (2 mũi), tác dụng của vacicne chưa thể phát huy ngay mà nó cần thời gian (mỗi loại vaccine có quy định cụ thể) để có đủ lượng kháng thể chống lại virus. Những người được tiêm vaccine Covid-19 đủ mũi, đủ thời gian vẫn có thể mắc Covid-19 bình thường. Lợi ích lớn nhất của việc tiêm vaccine là giúp người bệnh (nếu mắc) tránh được diễn tiến trở nặng và hạn chế được khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh.

Tin cùng chuyên mục