Chuyển lúa sang màu

Không kịp rửa đất, lúa chết
Chuyển lúa sang màu

Gần đây, tuy khu vực ĐBSCL xuất hiện vài cơn mưa nhưng tình hình hạn, mặn vẫn còn gay gắt, nông dân nhiều địa phương chưa thể xuống giống lúa hè thu. Bộ NN-PTNT đã khuyến cáo giảm 1 vụ lúa để tránh hạn mặn, chuyển sang trồng màu. Giải pháp này đang dần được nông dân đón nhận?

Nông dân Hậu Giang chuyển sang trồng màu cho hiệu quả kinh tế cao

Cơ hội điều tiết cung, cầu

Thật ra lâu nay, ngay cách gọi tên các vụ mùa sản xuất lúa ở ĐBSCL cũng gây tranh cãi. Chẳng hạn gọi vụ lúa đông - xuân, nhưng thật ra nông dân lại bắt đầu xuống giống từ mùa thu (còn gọi đông - xuân sớm), còn vụ hè - thu đã xuống giống từ mùa xuân (nhiều nơi gọi vụ hè - thu sớm hoặc xuân - hè)… Việc hình thành hệ thống thủy lợi đã giúp nông dân tận dụng tối đa để sản xuất lúa. Nhiều nơi, nông dân không chỉ sản xuất 3 vụ/năm, có nơi 2 năm làm tới… 7 vụ. Đây là cách khai thác đất ruộng phản khoa học, làm đất mau kiệt quệ, các chất hóa học tồn dư tăng lên… Thực tế, việc gia tăng mùa vụ kéo theo sản lượng lúa liên tục tăng nhưng lại gây ra áp lực tiêu thụ lúa hàng hóa rất lớn. Tình trạng lúa rớt giá, khó tiêu thụ liên tục tái diễn nhiều năm. Tuy nhiên, trong “cái rủi có cái may”, khi diện tích lúa bị thiệt hại đã tác động tích cực giá lúa ở ĐBSCL. Với sản lượng trên 25 triệu tấn/năm (chiếm khoảng 60% sản lượng cả nước), việc giảm một phần diện tích lúa bị ảnh hưởng vùng hạn, mặn không ảnh hưởng lớn đến yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng có thể thấy rằng, việc cắt giảm một vụ lúa ở các vùng hạn mặn ngoài tránh những thiệt hại cho nông dân, còn tác động rất lớn đến quy luật cung - cầu, tác động tích cực đến mặt bằng giá lúa trong vùng.

Đưa cây màu đến vùng đất khó

Mới đây, tại cuộc họp giao ban về phòng chống hạn, mặn tại Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chính thức yêu cầu các tỉnh, thành ĐBSCL xem xét cắt một vụ lúa ở các vùng thường xuyên bị hạn, mặn; Điều chỉnh lịch thời vụ hợp lý để nông dân sản xuất chắc ăn. Lãnh đạo ngành nông nghiệp ở các tỉnh ven biển trong vùng rất tán đồng với chỉ đạo này và đang khẩn trương triển khai thực hiện. Thật ra, chuyện nông dân ĐBSCL bị thiệt hại 5.000 - 10.000ha trong mùa khô hạn đã xảy ra nhiều năm qua, nhưng năm 2016 là đỉnh điểm do hạn, mặn khốc liệt nên ngành nông nghiệp mới chính thức cảnh báo cho toàn vùng.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo: Trong tháng 5, tình trạng mặn xâm nhập tại các tỉnh Nam bộ vẫn còn khả năng duy trì ở mức cao nếu không có mưa. Hiện đã có 25.000ha lúa bị thiệt hại do hạn, mặn gây ra, tập trung chủ yếu ở các tỉnh ven biển ĐBSCL.

Đến trung tuần tháng 5-2016, nhìn lại đợt hạn, mặn đã và đang diễn ra, có hai tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang đã giảm thiểu được mức thiệt hại do khô hạn và xâm nhập mặn gây ra. “Tỉnh đã lượng được mức độ khốc kiệt của hạn, mặn xảy ra nên đã có giải pháp. Trong đó, 1 thị xã không sản xuất lúa, 2 huyện bỏ 1 vụ lúa nên thiệt hại rất thấp (chỉ khoảng 12.000ha bị ảnh hưởng). Trong đó, tỉnh chủ động mua sắm thêm các thiết bị quan trắc để kiểm tra độ mặn. Mỗi cửa cống ngăn mặn, dẫn ngọt có người quản lý chịu trách nhiệm cụ thể”, ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết. Tại Hậu Giang, để thích ứng với biến đổi khí hậu, hơn 2 năm trước tỉnh đã triển khai việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng Đề án 1.000. Bước đầu, đề án này đã mang lại hiệu quả khả quan khi các hộ dân tham gia chuyển đổi đã tăng thêm giá trị sản xuất từ 1,5 - 2 lần trên cùng diện tích canh tác.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Ngành nông nghiệp đã quyết định cắt 1 vụ lúa trên 6.000ha đất vùng bị hạn, mặn đe dọa để chuyển sang sản xuất 2 vụ lúa + 1 màu, có nơi 2 lúa + 1 thủy sản. Hiện tại, hàng trăm nông dân xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) đã chủ động bỏ 1 vụ lúa, chuyển sang trồng dưa lê. Nhờ đó nông dân trúng đậm khi thương lái mua tại ruộng với giá 7.000 đồng/kg, đem lại thu nhập gấp 5-6 lần so với trồng lúa. “Có thể nói bỏ lúa, trồng dưa lê trong vùng hạn, mặn là mô hình sáng tạo của nông dân xã Lương Tâm. Chính ngành nông nghiệp của Hậu Giang cũng phải học hỏi và tìm cách nhân rộng mô hình này”, ông Nguyễn Văn Đồng tâm sự. Mong rằng sau đợt hạn, mặn này, nông dân và ngành nông nghiệp ĐBSCL sẽ chủ động tìm cách né hạn, mặn, bỏ lúa nhưng vẫn tạo ra sinh kế như người dân xã Lương Tâm đang làm.

CAO PHONG


Không kịp rửa đất, lúa chết

Vừa qua, tại 2 xã Thường Thới Tiền và Phú Thuận B (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) có hơn 40ha lúa chết bất thường. Theo PSG-TS Trần Kim Tính, Trưởng phòng Thí nghiệm chuyên sâu, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ: Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng lúa chết do chất hữu cơ tích tụ trong ruộng quá nhiều, dẫn đến ngộ độc hữu cơ. Cùng lúc, thời tiết nắng nóng nên lượng nước trên mặt ruộng bị bốc hơi, cạn dần khiến độ mặn trong đất và nước tăng lên, gây chết lúa. Do vậy, nông dân cần tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật và khuyến cáo của ngành nông nghiệp nhằm tránh những thiệt hại đáng tiếc như vụ lúa hè - thu năm nay.

CHÂU SA

Tin cùng chuyên mục