Chuyên nghiệp hóa các trung tâm trọng tài

Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, trung tâm trọng tài và định hướng một hoặc một số trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế giai đoạn 2018-2023”. 
Cuộc thi Phiên tòa giả định cấp quốc gia Vmoot 2017 dành cho sinh viên, diễn ra tại Trường Đại học Luật TPHCM
Cuộc thi Phiên tòa giả định cấp quốc gia Vmoot 2017 dành cho sinh viên, diễn ra tại Trường Đại học Luật TPHCM
Đây được đánh giá là một trong những động thái tích cực nhằm nâng cao chất lượng, thúc đẩy nhu cầu sử dụng dịch vụ trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại, giảm tải công tác xét xử của tòa án, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hội nhập quốc tế.

Nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ

Nội dung đề án nêu trên chỉ ra mục tiêu sớm hoàn thiện thể chế về pháp luật thương mại, trọng tài thương mại (TTTM) và hệ thống pháp luật hỗ trợ hoạt động của TTTM. Điều này nhằm đảm bảo cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có hiệu quả, đảm bảo các phán quyết trọng tài đã có hiệu lực pháp lý được thi hành trên thực tế, hạn chế việc hủy phán quyết trọng tài thiếu cơ sở pháp lý. Thêm nữa, cần xây dựng, ban hành cơ chế tăng cường sự kiểm tra, giám sát việc triển khai thi hành quy định pháp luật TTTM, đặc biệt là giám sát việc hủy phán quyết trọng tài; giám sát việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.

Đối với trọng tài viên, đề án yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giải quyết tranh chấp, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ trọng tài viên; đặc biệt trong các lĩnh vực chuyên sâu như đầu tư, thương mại quốc tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Thêm nữa, nhanh chóng nghiên cứu, triển khai việc thành lập Hiệp hội TTTM toàn quốc nhằm hỗ trợ việc phát triển hoạt động trọng tài nói chung và phát triển đội ngũ trọng tài viên nói riêng. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng, ban hành và triển khai Bộ quy tắc đạo đức mẫu về nghề nghiệp trọng tài viên. 

Đối với Trung tâm trọng tài, đề án yêu cầu phải nâng cao tính chuyên nghiệp, hội nhập quốc tế của Trung tâm trọng tài; các trung tâm trọng tài chú trọng xây dựng đội ngũ trọng tài viên có chất lượng, chuyên nghiệp, có trình độ ngoại ngữ phù hợp đáp ứng yêu cầu giải quyết tranh chấp trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.  Ngoài ra, các Trung tâm TTTM nên xây dựng quy tắc tố tụng phù hợp với Luật TTTM, Quy tắc  trọng tài Uncitral và thực tiễn của Việt Nam trong hoạt động TTTM. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ cho hoạt động TTTM nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp ngày càng tăng và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Thêm nữa, các trung tâm trọng tài cũng chủ động xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ trọng tài viên quốc tế, luật sư nước ngoài,  chuyên gia, luật sư trong nước giỏi về chuyên môn, thành thạo ngoại ngữ tham gia giải quyết tranh chấp trọng tài. Mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, nâng cao tính cạnh tranh của trung tâm trọng tài trong nước với các trung tâm trọng tài khu vực và quốc tế. Song song đó, trung tâm trọng tài nên tăng cường cơ chế hợp tác giữa các trung tâm TTTM với các tổ chức trọng tài quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, nhận được sự hỗ trợ cần thiết tăng cường năng lực cho tổ chức và hoạt động của mình.

Điểm nhấn đáng lưu ý, đó là khuyến khích các trung tâm trọng tài nỗ lực quảng bá hình ảnh, hoạt động của trọng tài Việt Nam trên các diễn đàn trong nước và quốc tế; khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và quốc tế sử dụng các trung tâm trọng tài trong nước để giải quyết các tranh chấp của mình. Đề án cũng gợi ý việc lựa chọn, hỗ trợ từ 1 - 2 trung tâm trọng tài giải quyết nhiều vụ việc thương mại, có đội ngũ trọng tài viên chuyên nghiệp, có uy tín, kinh nghiệm... để làm trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.

Khuyến khích sử dụng dịch vụ trọng tài

Đề án nhấn đến yếu tố thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm khuyến khích nhu cầu sử dụng dịch vụ trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến Luật TTTM bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đặc biệt là tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án các cấp và cộng đồng doanh nghiệp (trong nước cũng như nước ngoài đầu tư tại Việt Nam). Vai trò, tính hiệu quả của trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại cần được thường xuyên tuyên truyền. Đề án cũng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh trong việc tiếp cận dịch vụ trọng tài thông qua các diễn đàn như hội thảo, tọa đàm, tuyên truyền, phổ biến, quảng bá hoạt động trọng tài trên các báo, đài, website của các cơ quan, tổ chức liên quan. 

Việc xây dựng giáo trình, bộ môn riêng về giải quyết tranh chấp thay thế ngoài tòa án; trong đó có giải quyết tranh chấp bằng TTTM đã và đang được thông tin rộng rãi tại các trường đại học giảng dạy về ngành luật, kinh tế, quản trị kinh doanh, thương mại, các trường đào tạo nghề luật sư, thẩm phán... nhằm cung cấp kiến thức về phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại cho sinh viên và các đối tượng có liên quan. 

Các hoạt động nói trên nhằm hướng tới việc nâng cao chất lượng hoạt động TTTM, qua đó tạo lòng tin cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng hỗ trợ của tòa án đối với trọng tài theo quy định của Luật TTTM; nâng cao chất lượng phán quyết trọng tài, đảm bảo thi hành phán quyết trọng tài trên thực tế, hạn chế lạm dụng hủy phán quyết trọng tài thiếu cơ sở pháp lý. 

Một trong những thông tin được bạn đọc quan tâm, đó là đề án khuyến khích trung tâm trọng tài công bố một phần hoặc đầy đủ phán quyết trọng tài, xây dựng phán quyết trọng tài mẫu. Thêm nữa, trung tâm trọng tài cũng lưu ý nên công bố quyết định của tòa án về hủy hay không hủy phán quyết trọng tài để tạo điều kiện cho các trọng tài viên có cơ hội nghiên cứu, tham khảo và vận dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp. 

Vai trò quản lý Nhà nước về TTTM được nêu khá rõ, đó là tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về TTTM, có cơ chế ưu đãi về thuế đối với các trung tâm trọng tài. Cần củng cố cơ sở vật chất, kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tư pháp ở Trung ương và địa phương thực hiện công tác quản lý Nhà nước về TTTM. Tiếp theo, cần tăng cường áp dụng tin học hóa trong công tác quản lý tổ chức và hoạt động TTTM; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện, xử lý...
* Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến hết tháng 8-2017, cả nước có 21 trung tâm trọng tài với 480 trọng tài viên. Suốt thời gian qua, các trung tâm trọng tài, nhất là trung tâm TTTM đã và đang thể hiện vai trò tích cực của mình trong việc hỗ trợ giải quyết các tranh chấp với nhiều ưu điểm. Chẳng hạn như thủ tục đơn giản, linh hoạt theo thỏa thuận, giúp giải quyết tranh chấp nhanh chóng... 

Tuy vậy, để góp phần tích cực vào việc “Nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, trung tâm trọng tài và định hướng một hoặc một số trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế giai đoạn 2018 - 2023”, dự thảo đề án này đặc biệt nhấn mạnh đến hàng loạt nhiệm vụ và giải pháp. Cụ thể bao gồm, hoàn thiện thể chế liên quan đến hoạt động TTTM. Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTTM; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, hiệu quả của trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại; xây dựng chương trình đào tạo về pháp luật TTTM, kỹ năng cho trọng tài viên… 

Tiếp theo, đề án nhấn mạnh tới việc nâng cao tính chuyên nghiệp, năng lực của đội ngũ trọng tài viên trong giải quyết tranh chấp thương mại (trong nước và quốc tế), hoàn thiện kỹ năng cho trọng tài viên, xây dựng quy tắc đạo đức trọng tài viên; nâng cao chất lượng xét xử trọng tài, thi hành phán quyết trọng tài… Kế đến, tăng cường chất lượng hoạt động hỗ trợ của tòa án, cơ quan thi hành án đối với hoạt động tố tụng trọng tài theo quy định của Luật TTTM và Luật Thi hành án dân sự… 

Không chỉ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, đề án còn chỉ rõ cần phân công, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán chuyên sâu về lĩnh vực trọng tài để giải quyết các vụ việc trong lĩnh vực TTTM. Xây dựng án lệ liên quan đến hủy phán quyết trọng tài, công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài. Giải pháp tiếp theo chính là tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về TTTM. Trên cơ sở nghiên cứu các chương trình hợp tác với một số tổ chức trọng tài lớn (trong khu vực và quốc tế) để tổ chức cho trọng tài viên học hỏi kinh nghiệm.

Tin cùng chuyên mục