Chuyện ở Hướng Hóa

Chuyện ở Hướng Hóa

Ở nơi đại ngàn Trường Sơn, có những người con Vân Kiều, Pa Kô với ký ức hào hùng, ngày đêm từng bước dìu dắt bà con bước qua hủ tục, vươn lên trong cuộc sống… Họ đã viết lên những câu chuyện đẹp giữa Trường Sơn.

Già làng Hồ Ting và những đứa cháu ở bản Sê Pu.

Già làng Hồ Ting và những đứa cháu ở bản Sê Pu.

1. Bà là Hồ Thị Oi (72 tuổi, ở thôn Ka Tiêng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), người phụ nữ Vân Kiều đầu tiên làm chủ tịch xã, cũng là người có công lớn mang cây lúa nước về cho dân bản Vân Kiều, Pa Kô ở thung lũng Cù Bai. Căn nhà sàn đơn sơ của bà Oi nằm dưới chân đèo Sa Mù. Bà kể, từ nhỏ bà đã theo cha tham gia nuôi giấu, vận chuyển lương thực cho cán bộ.

Năm 1960, khi vừa tròn 20 tuổi, trong một lần ra Vĩnh Linh vận động người dân gùi lương thực tiếp tế cho bộ đội, bà có dịp  tiếp xúc với chuyện trồng lúa nước – vốn là chuyện rất xa lạ đối với dân bản ở Hướng Việt.

Sau khi trở về, bà tự hỏi: “Sao người dưới xuôi làm cây lúa nước, có cơm ăn no, mặc ấm, mà dân mình ở đây lại thiếu đói?”. Từ đó, bà quyết tâm học cách trồng lúa nước, rồi mang những kinh nghiệm ít ỏi đó về với dân bản.

Buổi đầu, dành cho bà là những ánh mắt ngờ vực, nghi kỵ. Đồng bào ở đây luôn nghĩ hạt lúa là hạt ngọc của Giàng không được mang trồng dưới nước, không được bón phân vì sợ làm “bẩn hạt ngọc”. Nếu trồng cây lúa nước Giàng sẽ nổi giận, bắt dân bản đền tội, ốm đau, bệnh tật.

Biết là khó thay đổi được nếp nghĩ ngàn đời, bà kiên trì vận động và tình nguyện làm “thí điểm” chịu cho Giàng “phạt”. Được sự giúp đỡ của nhiều đảng viên cốt cán ở xã Hướng Việt và đặc biệt là bộ đội biên phòng ở Cù Bai, bà bắt tay khai hoang những vùng đất bằng phẳng. Phát, đốt ròng rã mấy tháng trời, khi cần đến con trâu để cày cấy dân bản vẫn làm khó. Họ viện lý do: Trâu, bò ở đây là để mổ cúng Giàng, cho dân bản khỏi bệnh tật, ốm đau, không được mang con trâu đi… cày. Bà thuyết phục già làng, dân bản: “Thế sao ở dưới xuôi người ta làm vậy mà có bị Giàng phạt đâu?”.

Khi những thửa ruộng trải ra một màu xanh nơi vùng đất bỏ hoang, dân bản mới tin, sau đó bà được tín nhiệm bầu làm chủ tịch xã. Năm 1962 bà được vinh dự là người Vân Kiều đầu tiên ở Quảng Trị ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Khắc ghi lời Bác dặn, trong 13 năm làm chủ tịch xã (1966 - 1978), bà luôn đi đầu trong công tác vận động dân bản bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống mới, học lấy cái chữ Bác Hồ…

2. Tại xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có một người đàn ông đã nuôi dưỡng và chăm sóc đứa bé con một nữ TNXP mở đường Trường Sơn từ khi mới lọt lòng mẹ đến khi trưởng thành. Nay lại chăm sóc 4 cháu nhỏ đang ăn học, khi người con nuôi qua đời. Đó là già làng Hồ Ting.

Bên ngôi nhà sàn đơn sơ nép dưới chân núi Sê Pu, già Hồ Ting kể: Hồi đó chàng trai trẻ Hồ Ting cũng tham gia dân quân hỏa tuyến chuyển gạo cho bộ đội. Những năm 1967-1968 ở địa phận Bắc Hướng Hóa trở thành điểm nút giao thông của đường Trường Sơn. Xã Hướng Lập được coi là “cửa tử”, nơi máy bay địch thường tập trung ném bom ác liệt.

Giữa bom đạn ác liệt đó, có một thanh niên xung phong, khi đang tham gia mở đường Hồ Chí Minh qua địa phận thôn Cha Lỳ, xã Hướng Lập đã sinh hạ một người con trai trong một lán trại giữa rừng. Đứa bé ra đời chưa được bao lâu thì đơn vị rút khỏi địa bàn. Do hoàn cảnh chiến tranh, người phụ nữ đành gạt nước mắt giao đứa bé mới 15 ngày tuổi cho vợ chồng hồ Hồ Ting nuôi, hẹn sau này trở lại. Hồ Ting liền đặt tên cho con là Hồ Trường Sơn, như một kỷ niệm về con đường huyền thoại. Không có sữa, Hồ Ting phải chạy quanh bản xin sữa, dành dụm được đồng nào đều để dành mua sữa cho con. Cả bản Sê Pu ai cũng thương Sơn, có thứ gì ngon cũng đều mang đến cho. Bốn năm sau khi nhận nuôi Hồ Trường Sơn, Hồ Ting chia tay vợ, từ đó ông một mình gà trống nuôi con. Hồ Trường Sơn lớn lên trong sự đùm bọc và yêu thương của già Ting và bà con dân bản Sê Pu. Trong thâm tâm của già Ting vẫn mong muốn một ngày nào đó Sơn sẽ đoàn tụ với gia đình.

Vậy nhưng hòa bình lập lại, người mẹ vẫn biệt tăm, có lẽ chị đã hy sinh. Già Ting tâm sự, sau này khi đã có vợ con, Sơn nó nói là sẽ kiếm tiền để đi tìm mẹ, vậy nhưng mảnh giấy ghi địa chỉ mà mẹ Sơn để lại năm xưa đã thất lạc. Cách đây 4 năm, tai nạn xe máy đã cướp đi người con nuôi yêu quý, để lại người vợ trẻ và bốn đứa con nhỏ. Hồ Ting tâm sự: “Theo tục lệ của người Vân Kiều sống trên dãy Trường Sơn, khi chồng chết vợ có thể về nhà mẹ đẻ hoặc đi lấy chồng, nhưng thương 4 đứa con còn  nhỏ và người bố già nên vợ Sơn đã ở lại chăm chỉ làm ăn, nuôi con ăn học”. Già Ting kết thúc câu chuyện bằng câu hỏi xé lòng: “Ngày trước mình không có điều kiện học chữ, bây giờ cố gắng cho các cháu đi học nhưng hoàn cảnh này không biết các cháu được học đến đâu?”.

Phan Lê

Tin cùng chuyên mục