
Họ sống ngay trung tâm thành phố nhưng không một mảnh giấy tùy thân lận lưng suốt gần 30 năm qua. Người già chỉ mong chết đi để có thể có được một thứ giấy tờ trong đời, dù đó là giấy khai tử…
Gần 30 năm sống “lậu”
Có lẽ không ai tin hiện tại có hàng trăm nhân khẩu sống ngay quận 1 nhưng cả cuộc đời không có lấy một mảnh giấy tùy thân lận lưng. Đó là sự thật đang tồn tại ở hẻm 95 – Phó Đức Chính, hẻm 100 – Nguyễn Công Trứ thuộc phường Nguyễn Thái Bình và khu phố 8 – phường Nguyễn Cư Trinh – quận 1.
Phần đông trong số họ là những hộ dân đi kinh tế mới vào thập niên 70 của thế kỷ trước - ở khắp mọi miền đất nước, được đưa về đây sống từ năm 1980, còn lại là người lang thang sống ở lòng lề đường cũng được đưa vô đây.

Căn phòng nhỏ này phải chứa 6 - 10 người.
Hẻm 95 – Phó Đức Chính có 17 hộ với 74 nhân khẩu, tất cả cùng chen chúc trong một con hẻm chật chội, ẩm thấp. Chừng ấy con người từ già đến trẻ không có lấy một mảnh giấy khai sinh hay chứng minh nhân dân, chỉ sống dựa vào giấy KT3.
Trước kia con hẻm này chỉ toàn nhà lá xập xệ, người dân phải vay mượn sửa chữa lại căn phòng để có chỗ nương thân. Căn phòng có diện tích 1,2m x 2,4m mà chứa 6 – 10 người, lớn nhất là 3m x 4m thì “cõng” đến 15 người.
Trong hẻm, cụ ông Trần Văn Lợi (87 tuổi) nằm trên chiếc ghế xếp đã sờn rách, bên cạnh là cụ bà Trần Thị Năm đã 76 tuổi. Ông bà là người cao tuổi nhất con hẻm mà cả cuộc đời không thấy hình thù cái giấy tờ gì chứng nhận mình là một công dân của TP cả. Nói một cách hài hước pha lẫn cay đắng như ông Huỳnh Ngọc Thọ (70 tuổi) thì “chỉ mong chết đi có cái giấy khai tử đem theo xuống âm phủ làm… giấy thông hành duy nhất!”.
Còn hàng trăm con người ở hẻm 100 – Nguyễn Công Trứ và khu phố 8 – phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 cũng tương tự. Sống trong những căn phòng nhỏ, không khai sinh, chứng minh nhân dân, hộ khẩu… Họ sống kiếp sống “vô thừa nhận” như chính họ tự nhìn nhận về mình. Cụ Nguyễn Thị Như (hẻm 100 – Nguyễn Công Trứ) đã 84 tuổi, bị mù nằm một chỗ, chẳng mong chi tấm giấy tùy thân cho mình, nhưng cụ lại canh cánh nỗi lo: “Lớp trẻ sau này không biết sẽ sống ra sao, tương lai về đâu khi chúng không được đi học, không được làm “con người” như người ta?”.
Hệ lụy buồn
Không có một mảnh giấy tùy thân, những người này đã phải lao đao: ra đường lỡ có vi phạm nhỏ là bị bắt nhốt, không thể xin đi làm ở đâu được, buôn gánh bán bưng ngoài lề đường thì bị đuổi, bị thu đồ. Họ muốn đi đâu cũng không thể mua vé tàu hỏa được. Câu chuyện chàng trai 19 tuổi đi… trại dưỡng lão của anh Nguyễn Trọng Nghĩa (hẻm 95 – Phó Đức Chính) nghe lạ mà có thật. Anh Nghĩa dẫn người yêu ra công viên 2-9 tâm sự, bị công an kiểm tra, vì không có giấy tờ nên anh bị đưa lên trại dưỡng lão ở tận Bình Dương trong 9 tháng.
Gia đình phải chạy lên chạy xuống xin giấy chứng nhận của phường để đưa anh về. Còn chị Huỳnh Ngọc Ánh (sinh 1964) thà ở vậy chứ nhất định không chịu lấy chồng, vì sợ có con cháu nó cũng sẽ khổ như mình. Nhiều thanh niên không học hành, không công việc gì sinh ra sa đọa, chích hút, trộm cắp… Đã có 5 thanh niên chết vì bệnh AIDS tại hẻm 95 đường Nguyễn Công Trứ.
Các em nhỏ đến tuổi đi học không thể học trường công, phải học ở các trường tình thương. Nếu có học giỏi, đậu được đại học cũng đành phải ở nhà, không có chứng minh, hộ khẩu nên không nhập học được. Em Tô Thành Tâm sinh 1991 (hẻm 100 – Nguyễn Công Trứ) rất giỏi môn Pencassilas, thi đấu đoạt nhiều giải cấp quận nhưng không thể đi thi cấp TP; thi đậu vô trường thể thao ở quận Tân Bình nhưng không đi học được, cũng vì không có giấy CMND.
Vòng luẩn quẩn...
Những hộ dân này đã nhiều lần theo sự chỉ dẫn của cán bộ phường, đến nơi đi kinh tế mới ngày xưa xin giấy chứng nhận để về làm giấy tờ. Nhưng đâu có dễ, người già yếu đi không được, người đi được thì các cán bộ ở vùng kinh tế mới ngày xưa không còn, không ai chứng nhận cho. Có người xin được về nhưng chạy hoài cũng không làm được.
Muốn có chứng minh phải có giấy khai sinh và hộ khẩu, muốn có hộ khẩu phải có số nhà, có chứng minh. Cứ như thế họ chạy lên phường thì được chỉ lên quận, lên quận thì chỉ về ủy ban, về phòng địa chính phường. Cái vòng luẩn quẩn khiến họ chán nản không làm nữa, mặc kệ tới đâu thì tới. Điều họ day dứt nhất là tương lai mấy đứa trẻ sẽ ra sao, khi chúng lại tiếp tục kiếp sống của ông bà, cha mẹ?
Được biết Công an quận 1 đã có nhiều văn bản, báo cáo gửi lên các cơ quan chức năng để giải quyết việc giấy tờ cho các hộ này. Gần đây nhất, ngày 26-7-2007, Công an quận 1 có báo cáo số 386/CAQ1 gửi lên UBND quận 1 xem xét cho các trường hợp này nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến chỉ đạo. Từ ngày 1-7-2007, Luật Cư trú mới có hiệu lực với nhiều điều khoản thông thoáng về tạm cư, định cư, nhưng: “Luật mới thông thoáng ở đâu chứ không thấy áp dụng cho chúng tôi”, ông Nguyễn Văn Hải (hẻm 95 – Phó Đức Chính) bày tỏ lo lắng.
LÊ DIỄM