Chuyện về các vị trưởng đoàn bóng đá

Chuyện về các vị trưởng đoàn bóng đá

Ở Việt Nam, cái cương vị Trưởng đoàn bóng đá phải nói là... mênh mông vô cùng về trách nhiệm và quyền hạn. Có Trưởng đoàn gần như quyết định tất cả, thậm chí là chuyên môn nhưng cũng có các CLB thì Trưởng đoàn chỉ là...  Trưởng đoàn, không có chút quyền lực nào. Nói cách khác, vị trí Trưởng đoàn bóng đá tại Việt Nam hiểu theo kiểu nào cũng được chứ không theo một tiêu chuẩn cụ thể nào. Vậy nên mới có những chuyện khá ly kỳ về các Trưởng đoàn ở mùa giải 2006 xin kể ra sau đây gọi là chút thú vị ngày Xuân...

  • Cái “hạn” của ông trưởng đoàn
Chuyện về các vị trưởng đoàn bóng đá ảnh 1

“Quá đã”sau khi đội nhà ghi bàn thắng, bầu Đức lao xuống sân chia vui cùng các cầu thủ! Ảnh: Hoàng Vy.

Không nói thì ai cũng biết niềm đam mê của bầu Đức với bóng đá. Mê đến nỗi ngoài việc bỏ tiền ra để làm ông bầu, ông Đoàn Nguyên Đức còn “liều mạng” đăng ký làm Trưởng đoàn HA.GL mấy mùa giải qua.

Có lẽ khi đăng ký chức danh cho mình, ông Đức cũng chỉ nghĩ rằng việc đó giúp ông được gần gũi hơn với đội bóng khi có thể ngồi trên băng ghế huấn luyện, cùng chia sẻ đắng cay, ngọt bùi với các thành viên còn lại chứ đâu ngờ cái vị trí đó suýt nữa làm tan tành cơ đồ kinh doanh mấy mươi năm của ông đã dày công tạo dựng.

Có lẽ ai cũng nhớ cái “hạn” đầu năm 2006 của ông Đức khi có liên quan đến tiền bồi dưỡng Tết cho trọng tài. Nếu như ông không có liên quan gì đến thành phần đội HA.GL thi đấu tại V-League hoặc Cúp Quốc gia thì khoản tiền đó có lẽ dễ dàng được thông cảm theo kiểu một doanh nghiệp tặng lì xì Tết.

Đằng này, vì ông là Trưởng đoàn nên người ta có quyền hiểu rằng đấy là một hình thức “hối lộ”. Số tiền chẳng đáng là bao đối với một doanh nhân tầm cỡ như ông Đức nhưng đã làm ông bầu này thất điên bát đảo mấy tháng trời. Thông tin trên các phương tiện truyền thông hồi ấy quá bất lợi cho công việc kinh doanh của bầu Đức. Đúng là ở đời không ai lường trước chữ ngờ vì khoản tiền ấy quá nhỏ so với gia sản của ông, nhưng lại làm cho cả một doanh nghiệp khổng lồ sính vính do điều tiếng của dư luận.

Vậy nên, cũng không khó hiểu khi bầu Đức quyết định không đăng ký tên mình làm Trưởng đoàn nữa bắt đầu từ mùa bóng 2007. Cú vấp đầu năm 2006 đã khiến ông bầu say bóng đá đến cuồng điên này “cạch đến già”.

Nghĩ cũng tội cho ông Đức. Nhiều lần đi cùng ông theo HA.GL du đấu mới thấy việc bắt ông ngồi trên khán đài, cách xa các cầu thủ của mình là một …cực hình. Tất nhiên, khi không còn làm Trưởng đoàn thì ông Đức không được phép ngồi ở khu vực kỹ thuật. Vậy là ông bầu đã không thể cùng nhảy lên reo hò, lao ra sân bóng ôm các cầu thủ của mình sau mỗi bàn thắng, mỗi trận thắng …nữa rồi.

  • Quyền lực trưởng đoàn và chiếc ghế lãnh đạo

Không đâu như bóng đá Việt Nam có nhiều Trưởng đoàn bóng đá là những vị đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước. Trong danh sách các Trưởng đoàn năm 2006 vừa qua, có 2 Trưởng đoàn là Giám đốc Sở TDTT: Một là ông Lê Văn Minh của Bình Định và người kia là ông Lê Nguyên Hồng của Đà Nẵng. Ai đời một người quản lý Nhà nước lại có tên đứng đầu trong hoạt động mang tính xã hội hóa.

Nhưng người ta nói rằng, các ông ấy không đứng tên thì không được bởi lẽ thành tích của đội bóng có ý nghĩa quyết định đối với chiếc ghế Giám đốc Sở. Thực tế là ở nhiều địa phương, bóng đá ngoài việc là môn thể thao số 1, còn mang ý nghĩa chính trị và xã hội rất lớn. Nói một cách mỹ miều: công tác thi đấu của đội bóng là một hoạt động “quảng bá thương hiệu” của tỉnh, thành ấy. Vậy thì ông Giám đốc Sở phải chịu trách nhiệm là …đúng rồi.

Nhưng trong 2 ông Giám đốc Sở ấy thì ông Minh ở Bình Định đúng thật là Trưởng đoàn theo nghĩa cơ bản của nó. Ông lo từ A đến Z, theo đội bóng từ sân nhà đến sân khách và sắn tay giải quyết mọi chuyện, kể cả những chuyện tế nhị (hiểu theo kiểu nào cũng được). Đến nỗi, dân trong giới gọi vui rằng Sở TDTT Bình Định là Sở bóng đá. Trong khi đó, ông Hồng của Đà Nẵng thì dường như chỉ đứng tên cho có chức danh chứ ít khi thấy ông đi theo đội bóng và cũng ít khi thấy can thiệp vào đội bóng. Việc ông Hồng phải đứng tên làm Trưởng đoàn là do bóng đá được xem là một yếu tố xã hội chính trị cực kỳ quan trọng đối với thành phố Đà Nẵng. Không lẽ ngay chính Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh còn đến xem từng buổi tập của CLB mà ông Giám đốc Sở không có mặt sao!

Những ông Giám đốc Sở làm Trưởng đoàn bóng đá chẳng phải chuyện lạ ở Việt Nam vì còn rất nhiều địa phương, CLB bóng đá do Nhà nước rót ngân sách và người chịu trách nhiệm chính không phải Giám đốc Sở thì ai vào đây!

  • Trưởng đoàn đúng nghĩa

Tất nhiên là không thiếu những vị Trưởng đoàn đúng nghĩa “manager”, tức là những người không nhất thiết phải am tường về chuyên môn nhưng có khả năng lo toan mọi thứ xung quanh đội bóng ngoài lĩnh vực chuyên môn. Có thể kể ra: Trưởng đoàn trẻ nhất Phạm Phú Hòa của GĐT.LA, ông Trần Tiến Anh của Khatoco Khánh Hòa, Nguyễn Hồng Thanh của HN.ACB, Trần Văn Đường tại Bình Dương…

Có thể thấy rằng, những vị Trưởng đoàn đúng nghĩa này đều thuộc về các CLB bóng đá do doanh nghiệp quản lý. Theo đúng cách làm rõ ràng của một doanh nghiệp, các Trưởng đoàn đều là người biết cách điều hành và có thể giải quyết mọi chuyện nhưng tách bạch về chuyên môn. Vì CLB lúc đó đã là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh bóng đá nên việc một doanh nhân làm Trưởng đoàn thì cũng không có gì lạ.

Trao đổi với các vị Trưởng đoàn đúng nghĩa trên, thấy ai cũng than: làm bóng đá mệt quá, mệt hơn điều hành một công ty bất kỳ nào cho dù số lượng “nhân viên” của một “công ty bóng đá” chẳng là bao. Cái mà những ông Trưởng đoàn này “sợ” nhất là xài tiền. CLB bóng đá thì ít khi có lợi nhuận, thu được bao nhiêu thì cũng lo mà chi ra hết.

Ông Trưởng đoàn phải lo từ việc tìm kiếm tài trợ, ký kết hợp đồng lao động, thuyết phục các cầu thủ, HLV về với CLB, giải quyết chuyện tiền thưởng và suốt ngày phải theo sát đội bóng. Các thành viên CLB “hắt hơi, sổ mũi” lúc nào thì cũng phải biết. Đã thế còn phải trang bị chút ít kiến thức về bóng đá để còn quan hệ công chúng, quan hệ với báo chí và quan hệ với các thành phần bóng đá khác. Nói một cách bình dân, Trưởng đoàn kiểu này là “làm dâu trăm họ”. Một mặt phải bảo đảm thành tích của CLB, một mặt còn phải nghĩ đến chuyện kiếm tiền…

Cách đây vài năm, gặp anh Phạm Phú Hòa của GĐT.LA, thấy anh còn lăng xăng lo vài việc ở công ty mẹ với tư cách là trưởng phòng xuất nhập khẩu. Đến khi đội bóng có thêm các đội Sơn và đội Ngói, anh Hòa tuyên bố xem như chẳng còn làm chuyện xuất nhập khẩu nữa vì chẳng còn đủ thời gian mà lo cho bóng đá. Chuyện của anh Trần Tiến Anh, Phó Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Khatoco, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Khánh Hòa cũng thế. Bây giờ gặp anh, chỉ nghe thấy anh nói về bóng đá như thể bị …ám ảnh vậy.

  • Và trưởng đoàn cho có

Nếu có những vị Trưởng đoàn đúng nghĩa thì cũng có những Trưởng đoàn mà quyền hạn quá ít đối với đội bóng. Trường hợp của ông Nguyễn Văn Hiệp tại TMN.CSG, Phạm Văn Hùng của Hải Phòng hay Đồng Văn Thuần của Thép Pomina Tiền Giang…là những ví dụ. Phải nói rằng số lượng Trưởng đoàn có tiếng mà không có miếng này rất nhiều, phần lớn rơi vào các CLB tư nhân không ra tư nhân, Nhà nước không ra Nhà nước, quyền quyết định trong CLB thuộc về quá nhiều người.

Như đã nói, các vị Trưởng đoàn này chỉ có tên trên bảng đăng ký và giải quyết một số việc lặt vặt liên quan đến các trận đấu, hoặc các buổi tập. Những việc lớn hơn như tài chính, chuyển nhượng cầu thủ đều nằm ngoài chức năng. Vì vậy, trách nhiệm về thành tích thì họ phải chịu nhưng chẳng có nhiều quyền hạn để thay đổi mỗi khi CLB gặp cảnh bất lợi.

Trường hợp như ông Nguyễn Văn Hiệp có thể xem là tiêu biểu: Ông vẫn là người đi chọn cầu thủ, lắng nghe yêu cầu của HLV nhưng việc mua cầu thủ, thỏa thuận tiền thưởng, tiền lương lại không thuộc thẩm quyền của ông. Như vậy, dù là người trực tiếp nắm đội nhưng ông Hiệp lại không quản lý nổi các cầu thủ của mình hoặc không giải quyết được những yêu cầu từ thực tế thi đấu...

Nói tóm lại, không ở đâu mà vị trí Trưởng đoàn có nhiều chuyện thú vị như ở Việt Nam. Ngay cả vị trí Trưởng đoàn của đội tuyển quốc gia cũng là những gì được …tổng hợp từ thực tế ở các CLB. Tìm một doanh nhân làm Trưởng đoàn không có, thế là ông Tổng thư ký Liên đoàn phải kiêm nhiệm luôn theo kiểu vừa đá bóng, vừa thổi còi…

Việt Quang

Tin cùng chuyên mục