Năm 2019, Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2018, xếp 67/141 nền kinh tế.
Về xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu, vị trí của Việt Nam tăng từ thứ 88/183 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2010 lên thứ 70/190 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2019. Không chỉ có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mà chất lượng cũng có sự cải thiện đáng kể. Năng suất lao động tăng đều qua các năm. Cụ thể, năm 2016 tăng 5,3% so với năm trước; năm 2017 tăng 6%; năm 2018 tăng 5,55%; năm 2019 tăng 6,28%.
Tuy nhiên, vẫn báo cáo này nêu rõ, xét theo khu vực kinh tế, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn chậm so với kế hoạch; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực được giao; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cũng như hiệu quả đầu tư công đều chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khối các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, việc cơ cấu lại gặp khó khăn về quy định bổ sung vốn; tiến độ cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng có cổ đông lớn là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn chậm.
Xét theo ngành, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị; năng lực sản xuất công nghiệp nội tại của nền kinh tế còn hạn chế và phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn do tác động từ các yếu tố khách quan và chủ quan, ảnh hưởng đến sự phát triển, hạn chế về quy mô, mức độ đóng góp vào nền kinh tế.
So với các quốc gia trên thế giới, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. Đa phần các doanh nghiệp này làm dịch vụ, chỉ khoảng 20% là hoạt động sản xuất. Có tới 42% doanh nghiệp có doanh thu hàng năm dưới 1 tỷ đồng và 85% doanh nghiệp hoạt động chính thức có doanh thu dưới 2 tỷ đồng.