Cơ cấu lại các nguồn điện

Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo về cơ chế giá điện mặt trời áp mái với mức dự kiến giảm đối với các dự án điện mặt trời quy mô lớn, xuống còn 5,2 -5,8 UScent/kWh (mức cũ là 8,38 UScent/kWh). Quy mô càng lớn giá càng thấp nhằm khuyến khích hộ gia đình lắp đặt hơn là các trang trại, khu công nghiệp. 

Mục đích là để đưa điện áp mái phát triển đúng hướng, khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp đặt tự dùng, thay vì đổ xô lắp điện áp mái, đẩy hết công suất lên lưới để hưởng giá cao. Đây là chính sách hợp lý. 

Theo thống kê, hiện nay điện mặt trời áp mái có tổng công suất quy đổi khoảng 7.000MW, còn điện mặt trời mặt đất khoảng 8.000MW. Với điện mặt trời áp mái, mục đích của Chính phủ là cho người dân đầu tư để tạo điện năng sử dụng cho từng hộ gia đình, số điện thừa sẽ bán lại cho ngành điện. Mức công suất hiện nay chưa phải là con số quá lớn.

Còn điện mặt trời mặt đất chỉ có một thời điểm phát triển quá nhanh, gây tắc nghẽn công suất, dẫn tới thiếu đường điện truyền tải nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) đã kịp thời xử lý, hiện nay không còn vướng mắc.

Mặc dù vậy, phải thừa nhận, do ban đầu Nhà nước đưa ra giá mua điện mặt trời quá cao so với thế giới (9,5 UScent/kWh) khiến các nhà đầu tư đổ xô đầu tư vào các dự án điện mặt trời. Chỉ sau 3 năm, công suất đã vượt xa rất nhiều so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Do vậy, trong Quy hoạch điện VIII, Chính phủ cần tính toán, cân đối, hạn chế phát triển điện mặt trời mặt đất và áp mái ở khu vực từ Nam Trung bộ trở vào, còn ở Bắc Trung bộ và miền Bắc thì chưa nên khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái.

Để đảm bảo an ninh năng lượng, tránh nghịch lý vừa lo thiếu điện lại sợ thừa điện (như điện áp mái hiện nay), từ nay tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ cần tính toán lại cơ cấu nguồn điện một cách hợp lý. Thứ nhất, nhiệt điện than nên duy trì ở mức 35%, nhưng dùng công nghệ hiện đại để hạn chế ô nhiễm môi trường vì nhiệt điện than là nguồn điện có khả năng duy trì, phát triển cung cấp điện tốt nhất cho hệ thống. Hai là, nhiệt điện khí nên chiếm khoảng 35%, trong đó có khí lấy từ các mỏ hiện tại và các mỏ tương lai như Cá Voi Xanh, Lô B, mỏ khí Kèn Bầu. Bên cạnh đó, cần tiếp tục sử dụng nhiệt điện khí hóa lỏng tự nhiên LNG nhập khẩu từ nước ngoài và nên bố trí ở khu vực tập trung phụ tải theo quy hoạch kinh tế ở cả 3 miền. Ba là, thủy điện (kể cả thủy điện lớn, thủy điện nhỏ và vừa) chỉ giữ ở mức 20%. Bốn là, điện từ năng lượng tái tạo giữ ở mức 15% nhưng trong đó cần chú ý phát triển điện gió ngoài khơi (cách xa bờ từ 20km) vì có ưu điểm rất lớn. Trước mắt, nên đưa vào Quy hoạch điện VIII dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind có công suất 3.400MW, tổng vốn đầu tư 12 tỷ USD, sản lượng điện mỗi năm 15 - 16 tỷ kWh. Dự án này đã được thu xếp vốn, khảo sát điều tra, hoàn thành mọi thủ tục…

Chính phủ nên căn cứ vào tiến độ thực hiện các dự án của Quy hoạch điện VII điều chỉnh để rút kinh nghiệm cho Quy hoạch điện VIII; cần có giải pháp đặc biệt, mang tính đột phá; mọi dự án trong quy hoạch phải được xác định vị trí, công suất, nhà đầu tư, gắn với các điều kiện (như: cơ chế, chính sách phê duyệt dự án đầu tư phải nhanh chóng, mỗi dự án không kéo dài quá 1 tháng, không gây cản trở, kéo dài hàng năm cho những dự án đấu thầu…). Điều quan trọng là các dự án năng lượng phải xuất phát từ cơ chế chính sách lấy lợi ích của Nhà nước hài hòa với lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Nếu nghiêng về bất cứ phía nào đều sẽ thất bại. Tổng quan chung, để phát triển ngành năng lượng bền vững, cần một tổ chức điều hành có sức mạnh, trí tuệ, ý chí, bản lĩnh, sự điều hành quyết liệt, gắn công việc cá nhân với tập thể, với từng dự án năng lượng thì mới đạt được kết quả.

Tin cùng chuyên mục