Cơ chế đặc thù và chính quyền hiệu quả - Bài 2: Giải pháp nâng chất lượng hoạt động công vụ

Thực tế bộ máy công quyền còn nhiều hạn chế trong thực thi công vụ, nên mục tiêu xây dựng chính quyền hiệu quả là một trong những nhiệm vụ được Đảng bộ, chính quyền TPHCM qua các thời kỳ luôn quan tâm đặt ra giải quyết. Thế nhưng tại sao quá trình này lại chuyển biến chậm so với yêu cầu thực tiễn đặt ra? 
Qua một số vụ việc khiếu nại kéo dài như đã đề cập ở bài 1, phần nào thấy được các hạn chế về trách nhiệm, năng lực, bản lĩnh, cái  tâm của cán bộ trong giải quyết việc của dân. Tuy nhiên, cũng cần nhận diện rộng hơn những tồn tại hiện nay trong bộ máy hành chính nhà nước để có giải pháp phù hợp, đáp ứng yêu cầu mới. 
Vì sao tinh thần kiến tạo còn hạn chế?
Đánh giá chung về phương thức, thái độ, trình độ, năng lực, tính hiệu quả của cán bộ trong bộ máy chính quyền trong thực thi công vụ hiện nay, TS Huỳnh Thanh Điền, thành viên nhóm tư vấn Đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM, nhìn nhận thực tế không chỉ TPHCM mà cả nước nói chung, hầu như cán bộ công chức mỗi ngày chỉ lao vào giải quyết sự vụ, hết sự vụ là hết việc; và thường giải quyết vấn đề theo hướng thuận lợi cho quản lý nhà nước của cơ quan mình.
Phần lớn cán bộ, công chức chủ yếu thực hiện công việc khi có chỉ thị, chỉ đạo của cấp trên, hoặc xử lý sự vụ khi phát sinh những vấn đề nóng liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý của mình. Chính quyền cũng cứng nhắc trong vận dụng các văn bản pháp luật khi giải quyết việc của dân. Thậm chí, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây chi phí không chính thức đối với doanh nghiệp và người dân. 
Cũng theo TS Huỳnh Thanh Điền, tinh thần kiến tạo cơ hội cho doanh nghiệp, người dân làm ăn phát triển của đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế. Mọi người cố gắng hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách với thời gian ít nhất có thể, để dành thời gian cho các công việc cá nhân nhằm kiếm thêm thu nhập. Rất ít khi cán bộ, công chức chủ động lăn lộn thực tiễn để phát hiện vấn đề và đề xuất, tham mưu giải pháp khắc phục. 
Cơ chế đặc thù và chính quyền hiệu quả - Bài 2: Giải pháp nâng chất lượng hoạt động công vụ ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trao cờ hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước của TP tại lễ phát động năm 2018. Ảnh: VIỆT DŨNG
“Phổ biến nhất là tâm lý sợ làm nhiều sẽ bị đồng nghiệp săm soi, chỉ trích, chỉ mang lại rủi ro cho bản thân. Và cứ thế, mọi người “co rút lại” mà không dám phát huy sở trường, chấp nhận làm việc dưới mức năng lực của mình để được yên ổn, nên hiệu quả công vụ sẽ không cao”, TS Huỳnh Thanh Điền nêu ý kiến.
Chuyên gia này cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Cơ bản nhất là tiền lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Để tồn tại, buộc lòng họ phải kiếm thêm thu nhập bằng 2 cách: hoặc là nhũng nhiễu để được biếu, tặng (đối với các vị trí có cơ hội), hoặc sử dụng thời gian của Nhà nước để làm thêm các công việc mang lại thu nhập cho cá nhân.
“Trong môi trường quản lý xã hội mà mọi người theo đuổi lợi ích từ cơ chế thì khó hy vọng việc sáng tạo cơ chế có lợi cho người dân cũng như khó lòng mong đợi có những sáng kiến vì lợi ích của người dân. Hơn nữa, những sáng kiến lợi dân mà gây khó cho việc trục lợi sẽ bị ngăn cản, càng khiến những cán bộ có tâm huyết nản lòng”, TS Huỳnh Thanh Điền phân tích.
Mặt khác, cũng theo ông, thước đo cống hiến của cán bộ, công chức khá mơ hồ. Tiêu chí đánh giá kết quả công việc chưa thật sự khách quan, phụ thuộc nhiều vào đánh giá của cấp trên.
Do vậy, muốn thăng tiến phải biết cách làm hài lòng cấp trên, nên sinh ra hành vi luồn lách, tranh thủ sự hài lòng của thủ trưởng, mà ít quan tâm đến việc tìm kiếm giải pháp cải thiện xã hội. Đây chính là dấu hiệu cho thấy thiếu bầu không khí phấn khởi, thiếu động lực nên làm việc dưới mức khả năng của mình là phổ biến. 
Thiết lập hệ thống đánh giá, xếp hạng khoa học 
Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị của TPHCM đang vào cuộc triển khai quyết liệt Nghị quyết 54 của Quốc hội, có ý kiến cho rằng đây là lúc để TP thực hiện giải pháp đột phá nâng cao chất lượng bộ máy. Nhưng cũng có thể đặt ngược lại vấn đề, để triển khai hiệu quả cơ chế đặc thù sẽ cần yêu cầu gì đối với cán bộ, công chức? Và TP giải quyết như thế nào về những vấn đề đang đặt ra đối với bộ máy công quyền hiện nay?    
Theo TS Trương Minh Huy Vũ, Đại học Quốc gia TPHCM, để thực hiện tốt cơ chế, chính sách đặc thù, bản thân đội ngũ cán bộ, công chức cần được quan tâm, tạo động lực phấn đấu. Đặc biệt, TP đang có động thái đảm bảo chính sách chi thu nhập tăng thêm áp dụng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây là bước đi phù hợp đảm bảo sinh hoạt phí cho cán bộ, công chức sinh sống tại một đô thị đắt đỏ của cả nước.
Tuy nhiên, cùng với việc chi thu nhập tăng thêm thì TP phải thực hiện đồng bộ với cải cách cơ bản được bộ máy, tránh cồng kềnh, chồng chéo, không rõ chức năng nhiệm vụ, không để đội ngũ hưởng thu nhập tăng thêm từ ngân sách quá lớn, gây rất nhiều khó khăn cho cải cách chính sách tiền lương nói chung, chính sách thu nhập tăng thêm nói riêng.
Cơ chế đặc thù và chính quyền hiệu quả - Bài 2: Giải pháp nâng chất lượng hoạt động công vụ ảnh 2 Đảm bảo cuộc sống cán bộ công chức bằng thu nhập chính thức. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng quan điểm này, TS Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh: Tuyệt đối đảm bảo cuộc sống của cán bộ, công chức bằng thu nhập chính thức, không để bất kỳ cán bộ nào kiếm thu nhập không chính thức từ cơ chế. Khi thu nhập cao, có thể mạnh tay áp dụng các chế tài cho những vi phạm. Lúc đó, cán bộ, công chức vì sợ mất việc mà sẽ làm việc đúng với chức trách của mình, không nhũng nhiễu, vòi vĩnh.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo công bằng trong xét tuyển công chức, viên chức; trong đó cân nhắc bổ nhiệm dựa trên kết quả, thành tựu của công việc. Cần tạo môi trường cạnh tranh công bằng dựa trên các chỉ tiêu khoa học, chứ không phải là những tiêu chí mơ hồ, cảm tính của cấp trên.
Chấp nhận việc nhân sự vào - ra bộ máy quản lý nhà nước theo quy luật của thị trường lao động để liên tục tạo ra những nhân tố mới, hạn chế tâm lý ỷ lại của cán bộ, công chức. Khi đó sẽ loại bỏ những cán bộ, công chức thiếu động cơ trong sáng, chạy chọt, sử dụng các mối quan hệ để lên chức. 
Mọi hành vi của cán bộ, công chức được đo lường bằng sự cảm nhận của người dân và cộng sự. Do vậy, cần thiết lập hệ thống đánh giá, xếp hạng của người dân, cộng sự đối với cán bộ công chức; xem đây là một tiêu chí quan trọng để đo lường năng lực và đạo đức, là tiêu chí để xét lương, thưởng và thăng tiến cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Hiện nay, Đảng quyết định các chức danh cán bộ, quản lý trong bộ máy chính quyền. Do vậy, việc nghiên cứu, ban hành tiêu chí đánh giá, xếp hạng cán bộ cần được cơ quan của Đảng phối hợp tốt với chính quyền để thực hiện hiệu quả.
Đẩy mạnh thanh tra công vụ và xử lý sau thanh tra

Giải pháp thực tế của huyện Nhà Bè - địa phương vùng ven của TPHCM - trong việc nâng cao chất lượng công vụ, thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù là yêu cầu từng cán bộ, công chức, viên chức phải nhập cuộc với thái độ, tinh thần quyết liệt, khẩn trương, trách nhiệm và sáng tạo, nhằm hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. “Cơ chế, chính sách đặc thù cho phép chi thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức càng đòi hỏi đội ngũ này phải nâng cao trách nhiệm, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, công việc. Thời gian qua, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức của huyện nhìn chung đã được nâng lên. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Một số cán bộ, công chức, viên chức chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm khi giải quyết công việc liên quan đến cá nhân, tổ chức. Do đó, Huyện ủy, UBND huyện yêu cầu thủ trưởng các phòng ban, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Huyện ủy, trước UBND về hoạt động của cơ quan, đơn vị mình”, đồng chí Nguyễn Văn Lưu, Bí thư Huyện ủy đồng thời Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết. 

Đi vào cụ thể, huyện Nhà Bè yêu cầu Phòng Nội vụ đẩy mạnh hoạt động kiểm tra công vụ để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những thiếu sót, vi phạm, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ, chất lượng phục vụ nhân dân. Huyện Nhà Bè sẽ xây dựng quy chế giữa các phòng ban nhằm đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra công vụ cũng như đảm bảo việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra kịp thời, đạt kết quả tốt. Huyện Nhà Bè cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Trước hết, trên cơ sở công việc của mình thì giao công việc cho cấp dưới phải rõ ràng, định lượng công việc, thời gian hoàn thành và có thực hiện đánh giá cán bộ thực chất. Hiện nay, huyện Nhà Bè đã thực hiện đánh giá cán bộ hàng quý và nghiên cứu thực hiện đánh giá hàng tháng, với tiêu chí điều chỉnh theo hướng cụ thể, rõ ràng, sát thực tế.

Tin cùng chuyên mục