Tháng nào tôi cũng đến chùa Thầy (thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) vài lần. Lần nào tôi cũng thấy mấy cô hướng dẫn mặt lạnh tanh cứ lượn lờ xung quanh và đợi để thuyết minh. Có lần nể tình, tôi để im cho họ nói vì nghĩ là họ làm việc tốt là hướng dẫn cho dân hiểu về lịch sử, về vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh. Có lần muốn đi lễ trong im lặng thì tôi cứ bị tiếng cô hướng dẫn vang lên bên cạnh. Tôi nhắc: “Chị đừng nói nữa, tôi biết rồi, để im cho tôi lễ Phật”. Cô hướng dẫn nhanh nhảu trả lời: “Nhiệm vụ của bọn em thế, bọn em ăn lương của Ban Quản lý di tích từ thu tiền vé, em hướng dẫn, chị cho thêm thì cho, không thì cũng chẳng sao”. Tôi chỉ biết yêu cầu cô hướng dẫn viên im lặng để tôi còn tập trung lễ Phật.
Hôm qua, dẫn anh bạn từ TPHCM ra thăm thú chùa Thầy, sợ anh không hiểu nên tôi cứ để im cho cô hướng dẫn nói tía lia những câu hướng dẫn học thuộc lòng chứ không có chút cảm xúc gì. Đó là chưa kể cô còn dụ khách nào sờ cột, sờ phiến đá để được may mắn... Xong việc, tôi đưa tiền bồi dưỡng. Cô ấy bảo: “Đây là tiền chị bồi dưỡng, còn tiền hướng dẫn để nộp cho ban quản lý nữa, chị cho xin 200.000 đồng”. Tôi bảo: “Thế hóa đơn có dấu đỏ đâu, chị đưa tôi xem”. Cô trả lời: “Cả ban quản lý quy định thế rồi chứ không có hóa đơn”. Tôi cự lại: “Tôi sẽ không trả một đồng nào nếu chị không đưa hóa đơn”. Cô ta làu bàu một lúc rồi lảng mất. Cạnh tôi, có hai em học sinh đi vãn cảnh chùa, nghe giới thiệu xong cũng bị thu 150.000 đồng tiền hướng dẫn.
Cảnh thu tiền bất hợp lý như trên diễn ra không chỉ ở chùa Thầy mà còn ở nhiều điểm du lịch văn hóa tâm linh khác. Đó là còn chưa kể cảnh chèo kéo mua nhang đèn, viết sớ, đổi tiền lẻ... diễn ra mà không hề có sự quản lý của cơ quan chức năng. Không hiểu, người đến chốn tâm linh vãn cảnh, lễ Phật còn bị quấy rầy đến bao giờ?
CHUNG NHI