Sân chơi dành cho các nhà làm phim trẻ, đặc biệt những người lần đầu chạm ngõ bộ môn nghệ thuật thứ bảy ngày càng rộng mở khi các giải thưởng, cuộc thi phim tăng cả số lượng và chất lượng. Không thể phủ nhận, có không ít tài năng đã khẳng định tên tuổi ở nhiều giải thưởng quốc tế uy tín. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều trăn trở liên quan đến kinh phí sản xuất và phát hành; giữa yếu tố nghệ thuật và thị trường đối với các tác phẩm của họ.
Cuộc chơi sôi động
108 phim tài liệu, 17 phim ngắn tham gia Búp Sen Vàng 2015 - Giải thưởng điện ảnh thường niên của Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (Hội Điện ảnh Việt Nam); hơn 160 nhóm làm phim trẻ, 230 phim dự thi trong hai năm tổ chức cuộc thi phim ngắn 3, 2, 1 Action... là hai trong số những dữ liệu cho thấy sân chơi dành cho các nhà làm phim trẻ Việt đang ngày càng sôi động.
Mới đây nhất, cuộc thi phim ngắn về bảo vệ động vật hoang dã WildFest diễn ra hồi cuối tháng 6 thu hút sự tham gia của hàng trăm bạn trẻ. “Tôi cảm thấy vinh dự vì có rất nhiều người đến tham dự. Tôi nghĩ, với rất nhiều tài năng ở đây hôm nay, chúng ta không thể thất bại” - đó là lời tuyên bố chắc nịch của ông Sulma Warne, Phó Giám đốc Freeland - đơn vị đồng tổ chức WildFest.
Những sân chơi như trên đa phần khá mới nhưng sự tham gia nhiệt huyết của đội ngũ làm phim trẻ cho thấy những tín hiệu tích cực đối với điện ảnh Việt. Những cuộc thi này không chỉ tìm kiếm và phát triển các tài năng trẻ tại Việt Nam mà còn tạo cơ hội và thử thách mới cho họ, khuyến khích sự sáng tạo và tinh thần làm việc nhóm. Tại lớp học làm phim TOTO (khởi động từ năm 2012), các bạn trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 18 được thực hành tất cả các kỹ thuật làm phim như viết kịch bản, quay phim, diễn xuất, dựng phim, sản xuất phim... để rồi tự tay thực hiện dự án phim đầu tiên của mình.
Dự án Làm phim 48 giờ (48hr Film Project) qua 4 mùa tổ chức (hiện đang tạm ngưng) đặt các nhà làm phim trẻ vào những thử thách cam go với việc thực hiện mọi công đoạn từ viết kịch bản, chọn diễn viên, quay, dựng phim... chỉ vẻn vẹn trong vòng 48 giờ. Tiệc phim ngắn trực tuyến quốc tế YxineFF (Yxine Film Fest) trước khi tạm dừng, qua 5 mùa thành công cho thấy đây là sân chơi uy tín, là nơi các nhà làm phim độc lập trẻ khẳng định sự sáng tạo, tài năng của mình thông qua những tác phẩm tâm huyết; có cơ hội được giao lưu với bạn bè quốc tế. 3, 2, 1 Action năm 2015 ngoài tổng giải thưởng tiền mặt lên đến gần 300 triệu đồng, cuộc thi còn trao cơ hội là một khóa tu nghiệp ngắn hạn tại Mỹ dành cho đạo diễn xuất sắc nhất.
Bài toán kinh phí sản xuất
Đối với các nhà làm phim trẻ, kinh phí sản xuất là trở ngại không hề nhỏ. Trên thực tế, hầu hết phim được sản xuất theo hướng tự phát bằng nguồn vốn ít ỏi hoặc xin hỗ trợ về trang thiết bị máy móc. Đạo diễn trẻ Đỗ Quốc Trung khẳng định, kinh phí thực hiện quyết định rất nhiều đến chất lượng tác phẩm bởi: “Nếu không có tiền sẽ luôn phải làm phim trong tâm thế tiết kiệm tối đa, hạn chế sáng tạo và không thể làm những thứ mình muốn”. Đây cũng là khó khăn mà đạo diễn Nguyễn Thị Thắm gặp phải khi thực hiện phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng. “Nếu tính cặn kẽ thì tổng thời gian để thực hiện phim chỉ mất 2 năm, 3 năm còn lại là đi xin kinh phí để thực hiện mặc dù nó không được liên tục. Tôi còn nhớ suốt từ năm 2011 đến 2013, mỗi năm dự án chỉ nhích thêm được một chút và đến đầu năm 2014 công việc mới dứt điểm được” - chị Thắm chia sẻ.
Một số nhà làm phim trẻ hiện nay đã biết tiếp cận với các quỹ điện ảnh nước ngoài để thuyết phục xin kinh phí tài trợ. Để Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng có thể ra rạp, chị Thắm nhận được sự hỗ trợ kịp thời của Viện Geothe và một số quỹ làm phim ở Pháp: Atelier Varen, André Van In, Ina-Sylvie Blum... Sắp tới, đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy cùng Đỗ Quốc Trung có cơ hội phát triển tác phẩm của mình sau khi có tên chính thức trong danh sách 30 dự án được tuyển chọn từ 15 quốc gia tham gia Chợ dự án phim (Asian Project Market 2015) nằm trong khuôn khổ LHP quốc tế Busan. Đây cũng là cách mà những đạo diễn trẻ trước đây như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp từng thành công.
Cơ hội ngày càng mở là điều không thể phủ nhận nhưng số lượng dự án của các nhà làm phim trẻ Việt nhận được hỗ trợ từ các quỹ điện ảnh nước ngoài mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Việc đi xin nguồn vốn từ các quỹ điện ảnh nước ngoài cũng không hề dễ dàng bởi họ phải trải qua rất nhiều vòng thảo luận, thuyết trình, nơi luôn có hàng ngàn nhà làm phim trẻ trên thế giới cùng có chung mong muốn.
Nỗ lực tìm đầu ra
Hiện nay, hầu hết phim của đạo diễn trẻ là phim ngắn nên hình thức phát hành quen thuộc là miễn phí trên mạng, ngay cả với những tác phẩm từng nhận được các giải thưởng tại các cuộc thi như: 16:30, Đường bi (Thanh Huy); Cá chuối, Ngày đầu tiên của mùa thu, Trực nhật với Thư Kỳ (Quốc Trung)... Một số phim ngắn được phía nhà đài mua bản quyền và phát lại trên truyền hình nhưng số tiền thu được cũng không nhiều. Liên quan đến chuyện phát hành, đạo diễn Thanh Huy nhấn mạnh: “Theo tôi, kinh phí sản xuất phim cũng quan trọng nhưng có nhận được sự hỗ trợ để phim của mình được phát hành thương mại, có doanh thu, từ đó đầu tư cho những dự án tiếp theo hay không càng quan trọng hơn”. Trong khi đó, với những đạo diễn trẻ đầu tay mạo hiểm thực hiện các phim dài: Nguyễn Hữu Tuấn (Dành cho tháng 6), Đinh Tuấn Vũ (Và anh sẽ trở lại), Phan Minh (Tốc độ và đường cong)... dù xin được tài trợ hay nhận được cái gật đầu của các nhà phát hành, phim được đánh giá khá tốt thì việc thu hồi vốn cũng không hề đơn giản.
Đạo diễn Trần Dũng Thanh huy cùng các diễn viên nhí của bộ phim 16: 30
Thực tế cho thấy, đội ngũ các nhà làm phim trẻ Việt Nam hiện nay không chỉ bộc lộ tài năng, đam mê mà họ còn cho thấy sự năng động trong việc tìm kiếm cơ hội để phát triển dự án, đưa những tác phẩm của mình đến với số đông khán giả. Với các nhà làm phim độc lập trẻ, họ đang xây dựng cho mình con đường đi như thế hệ các nhà làm phim đi trước: Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp... Có cơ hội tham gia Chợ dự án phim tại LHP Busan, cả Thanh Huy hay Quốc Trung đều cho rằng đó chỉ là sự khởi đầu cho dự án phim dài của mình. “Được giải hay không không quan trọng bởi lọt vào vòng này là mình có cơ hội gặp gỡ các nhà đầu tư, đồng sản xuất trên thế giới để chào bán dự án của mình, từ đó tăng thêm khả năng được giới thiệu ở các LHP lớn, xin được các nguồn vốn từ nhiều quỹ điện ảnh khác nhau, thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất, phát hành phim”, đạo diễn Quốc Trung chia sẻ.
| |
VĂN TUẤN