Cơ hội hồi sinh tranh Đông Hồ

Với lịch sử lâu đời, tranh Đông Hồ đã in sâu trong tiềm thức người Việt Nam về một nét văn hóa dân tộc truyền thống đặc sắc. Mới đây UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến 2030” với tổng kinh phí 60 tỷ đồng. Đây là cơ hội lớn để hồi sinh và phát triển tranh Đông Hồ.
Cơ hội hồi sinh tranh Đông Hồ

Với lịch sử lâu đời, tranh Đông Hồ đã in sâu trong tiềm thức người Việt Nam về một nét văn hóa dân tộc truyền thống đặc sắc. Mới đây UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến 2030” với tổng kinh phí 60 tỷ đồng. Đây là cơ hội lớn để hồi sinh và phát triển tranh Đông Hồ.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế giới thiệu các sản phẩm tranh Đông Hồ.

Những bước khởi đầu

Tranh Đông Hồ, tên gọi đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, một dòng tranh dân gian Việt Nam có xuất xứ từ lâu đời. Tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ được sinh ra từ một nền văn hóa nhân dân, lấy nhân dân và đời sống dân gian làm đề tài thể hiện. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều loại hình tranh hiện đại ra đời với những ưu điểm về chất liệu, màu sắc… đã dần lấn át vị trí của tranh Đông Hồ. Ông Nguyễn Như Điều, Chủ tịch UBND xã Song Hồ, cho biết: Trước đây, cả làng Đông Hồ đều làm tranh. Sau năm 1986 đến nay chỉ còn 2 nghệ nhân vẫn gắn bó với nghề này là gia đình ông Nguyễn Hữu Sam và ông Nguyễn Đăng Chế.

Theo ông Điều, nguyên nhân nghề tranh Đông Hồ ngày càng mai một là vấn đề “đầu ra”. Nhiều người trước đây làm tranh nay chuyển sang nghề làm vàng mã để kiếm sống cũng bởi loại tranh này không còn “ăn khách” như xưa. Ông Nguyễn Như Điều chia sẻ: theo kế hoạch của đề án, đình tranh của làng sẽ được mở rộng, khôi phục để trưng bày các tác phẩm tranh Đông Hồ. Đến năm 2015, hồ sơ ứng cử Quốc gia tranh dân gian Đông Hồ sẽ được hoàn thành để trình lên UNESCO đưa tranh Đông Hồ vào danh mục văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Bên cạnh đó, các triển lãm tranh Đông Hồ cũng được tổ chức thường xuyên để quảng bá về dòng tranh này.

Trong bước đầu thực hiện đề án, hai gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và Nguyễn Đăng Chế đã được đầu tư một khoản tiền để khôi phục lại các bản in. Bên cạnh đó sẽ đào tạo thêm một số nghệ nhân làm tranh. Hiện tại đã có nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm, con trai út của ông Nguyễn Đăng Chế được cử đi học ở Nhật Bản.

Chờ những bước đi nhanh hơn

Chúng tôi tìm đến thăm xưởng tranh của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế ở ngay đầu làng. Căn nhà được xây dựng trên quy mô lớn với diện tích hơn 5.000m2. Nơi đây giờ là trung tâm lưu giữ, bảo tồn tranh Đông Hồ đã được ông Chế và gia đình mạnh dạn đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây dựng. Khối không gian mang đậm nét văn hóa đồng bằng Bắc bộ gồm một xưởng sản xuất tranh, một phòng trưng bày tranh và một không gian riêng gọi là “Tranh coffee” dành cho du khách có nhu cầu thưởng ngoạn. Phòng trưng bày không chỉ có tranh mà còn có rất nhiều sản phẩm được sáng tạo đa dạng như: bưu thiếp, bì thư, sổ, lịch, mành tranh… tất cả được làm từ chất liệu giấy dó và có họa tiết của tranh dân gian Đông Hồ. Chính nhờ sự sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm nên cơ sở sản xuất của ông Chế bán được rất nhiều hàng.

Ông Chế cho biết hiện nay với những loại tranh dân tộc độc đáo như thế này, vẫn còn nhiều khách hàng trong và ngoài nước có nhu cầu mua, quan trọng là phải xây dựng được một thương hiệu uy tín. Khó khăn lớn nhất trong việc bảo tồn và phát triển tranh Đông Hồ là chỉ 1-2 gia đình thì không thể đủ sức gánh vác hết những nhiệm vụ đặt ra. Nếu như cả làng cùng làm tranh như trước thì sẽ biến nơi đây thành một điểm tham quan lớn, thu hút đông đảo khách du lịch hơn. Tuy nhiên, làm thế nào để nhiều người, nhiều gia đình cùng quay lại nghề làm tranh lại là một vấn đề cần được tính đến.

Khi được hỏi về việc triển khai đề án về bảo tồn và phát triển tranh Đông Hồ, bà Nguyễn Thị Oanh (con dâu nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam) và ông Nguyễn Đăng Chế đều có cùng một câu trả lời: ngoài số tiền được cấp để khôi phục bản in, đến nay gia đình vẫn chưa thấy động tĩnh gì từ phía ban quản lý đề án cũng như chính quyền địa phương.

Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ” đã có những bước đi ban đầu, tuy nhiên việc triển khai thực hiện khá chậm. Những nghệ nhân như ông Chế, ông Sam cùng con cháu đang nóng lòng trông đợi những hiệu quả từ việc triển khai đề án này.

Theo đề án vừa được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt sẽ có nhiều dự án để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của tranh Đông Hồ. Trong đó, dự án phục hồi, phát triển tranh dân gian Đông Hồ được thực hiện trong giai đoạn từ 2014 - 2016 với kinh phí 2,1 tỷ đồng; dự án xây dựng Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ thực hiện từ 2014 - 2020, kinh phí 50 tỷ đồng; dự án xây dựng hồ sơ ứng cử Quốc gia tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, thực hiện từ 2014 - 2016 với kinh phí 7,8 tỷ đồng.

HOÀNG THANH VÂN

Tin cùng chuyên mục