Cò kè ngã giá

Khi những lùm xùm về việc đe dọa sẽ “nhảy” lên sân khấu trong đêm diễn “Khánh Ly” tại Hà Nội của nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm bảo hộ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) chưa kịp lắng xuống thì một lần nữa, tại Đà Nẵng, kịch bản này lại được lặp lại. Chưa tính đến việc đúng sai thì hành động này được nhiều người đánh giá rằng chẳng khác gì đi... xiết nợ trong những chương trình thuần tính văn hóa, giải trí khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng.

Việc vị nhạc sĩ này dọa nhảy lên sân khấu làm ầm ĩ mọi chuyện, thậm chí sẵn sàng xô xát, đôi co ngay trong đêm nhạc Khánh Ly vừa rồi không phải lần đầu tiên. Cách đây vài năm, ông từng trực tiếp tới Nhà hát Lớn Hà Nội để can thiệp về đêm nhạc riêng của Tuấn Vũ khiến chương trình tưởng chừng phải dừng lại vì những cự cãi đôi co khá căng thẳng. Ông giám đốc thậm chí còn tuyên bố sẵn sàng bước thẳng lên sân khấu, thông báo với khán giả về việc chương trình đã vi phạm nghiêm trọng các vấn đề về quyền tác giả ca khúc. Sự việc chỉ được giải quyết khi phía nhà tổ chức buộc phải chấp nhận đứng ra ký biên bản cam kết nộp đủ phí bản quyền cho VCPMC. Bản thân vị nhạc sĩ này thừa nhận ông làm vậy chả sung sướng gì nhưng không còn cách nào khác khi các đơn vị tổ chức không chịu hợp tác. Nhưng phải chăng có những việc chây ì, phớt lờ việc tôn trọng quyền tác giả cũng một phần do chính cách làm việc chưa chuyên nghiệp của chính trung tâm.

Còn nhớ 2 năm trước, trong chương trình biểu diễn của ca sĩ Chế Linh, VCPMC cũng đòi đơn vị tổ chức phải trả 4 triệu đồng/ca khúc, nhưng đơn vị tổ chức chỉ đồng ý trả 150.000 đồng/bài. Lời qua tiếng lại, cuối cùng chốt giá là 300.000/bài. Như vậy có thể thấy ngay sự chênh lệch khá lớn giữa công thức mà trung tâm cam kết với các tác giả ủy quyền và công thức thu thực tế. NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, cũng cho rằng cách tính của VCPMC là hết sức tùy tiện và cảm tính khi đơn vị này hoàn toàn có thể tự ý tăng phí tác quyền. Cùng một địa điểm tổ chức, có chương trình VCPMC đòi thu vài triệu đồng/bài, có chương trình chỉ thu vài trăm ngàn đồng/bài, đơn vị tổ chức mà làm “căng” quá thì lại hạ giá tác quyền. Theo NSND Trần Bình, sự bát nháo này chính là nguồn cơn của việc nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn không chịu đóng phí vì nghĩ rằng sẽ mặc cả được vào phút chót. Cụ thể, nhạc sĩ Phó Đức Phương và ban tổ chức show Khánh Ly đã “cò kè” mặc cả để hạ giá thu phí tác quyền từ 200 triệu đồng xuống 170 triệu đồng. Con số này là kết quả của công thức: 5% nhân với 40% số vé nhân với giá vé trung bình là 2,4 triệu đồng. Sở dĩ tính như thế vì hôm đó trời mưa, đơn vị tổ chức không bán được vé…! Trong khi đó, công thức tính thù lao theo doanh thu buổi diễn dành cho chương trình được tổ chức trong rạp, nhà hát được VCPMC công bố trên website chính thức là 5% của 75% số tiền thu được.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc các đơn vị tổ chức phải chi trả tiền tác quyền cho các nghệ sĩ hiện nay là điều đương nhiên. Tuy nhiên, sự độc quyền của Trung tâm bảo hộ quyền tác giả âm nhạc cũng như chưa có đủ khung pháp lý cho công việc này, khiến nhiều người nghi ngờ sự minh bạch của trung tâm.

Được biết, NSND Trần Bình đã làm hồ sơ xin thành lập một trung tâm khai thác tác quyền mới có quy mô rộng hơn, không chỉ khai thác bản quyền âm nhạc mà còn bản quyền sân khấu, nghệ thuật trình diễn, sắp đặt… Trung tâm này sẽ có cách tính tác quyền minh bạch và hợp lý hơn, đơn cử như việc trung tâm này sẽ chi trả tiền tác quyền cho các nhạc sĩ theo tháng thay vì theo quý như cách VCPMC đang làm hiện nay. Số tiền mà trung tâm giữ lại từ tiền thu tác quyền nhiều nhất chỉ 10%, thấp hơn số tiền mà VCPMC giữ lại hiện giờ. Đề án này hiện đang được NSND Trần Bình hoàn tất để trình lên các bộ, ban ngành liên quan. Hy vọng rằng, với việc phá thế độc quyền, việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc sẽ dần dần đi vào khuôn khổ và sẽ không còn phải tái diễn kịch bản “xiết” nợ như vừa qua.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục