Tính đến nay, Việt Nam đã có 12 di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức UNESCO công nhận và vinh danh là di sản văn hóa thế giới. Để kịp thời động viên tinh thần, tiếp lửa để các nghệ nhân giữ lửa tình yêu với di sản văn hóa, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2015/NĐ-CP về việc hỗ trợ những nghệ nhân nhân dân (NNND), nghệ nhân ưu tú (NNƯT) có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Những tưởng sự động viên ấy sẽ là động lực, góp phần khích lệ các nghệ nhân tiếp tục sáng tạo và cống hiến, thế nhưng, từ chủ trương đến đời sống thực tiễn còn là cả một chặng đường dài.
Cũng cần nói thêm, năm 2001, nhận thấy các “báu vật nhân văn sống” đứng trước nguy cơ dần “rơi rụng” vì tuổi cao sức yếu, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã chủ động tìm kiếm và vinh danh hơn 300 nghệ nhân trên cả nước bằng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” của riêng tổ chức này. Hơn 10 năm sau, khi Nghị định 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ra đời, các nghệ nhân hàng chục năm qua từng âm thầm cống hiến, nghiên cứu để phát triển và bảo tồn văn hóa dân tộc mới được chính thức vinh danh bằng một danh hiệu của Nhà nước. Vậy mà không như những gì được kỳ vọng, khi Nghị định 109 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016, thực tế đã sớm bộc lộ nhiều bất cập.
Theo quy định, NNƯT, NNND đủ 55 tuổi trở lên với nữ và đủ 60 tuổi trở lên với nam, không có người phụng dưỡng; người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng; người mắc bệnh cần chữa trị dài ngày theo danh mục của Bộ Y tế… có mức thu nhập bình quân hàng tháng dưới 50% lương cơ sở (thời điểm đó là 1.150.000 đồng) sẽ được trợ cấp 1 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, mức hỗ trợ 850.000 đồng/người/tháng dành cho NNƯT, NNND thuộc đối tượng nêu trên có thu nhập bình quân từ 50% lương cơ sở đến dưới mức lương cơ sở hoặc NNƯT, NNND không thuộc các đối tượng trên nhưng thu nhập bình quân dưới 50% lương cơ sở. Các NNƯT, NNND có thu nhập bình quân từ 50% đến dưới lương cơ sở được trợ cấp 700.000 đồng/người/tháng… Bên cạnh đó, các nghệ nhân sẽ được nhà nước đóng BHYT bằng với mức đóng cho người thuộc hộ nghèo (bằng 4,5% lương cơ sở) và khi các nghệ nhân qua đời thì được nhà nước hỗ trợ chi phí mai táng.
GS-TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho rằng đã là hỗ trợ của nhà nước thì nên cụ thể từng mức cho NNND và NNƯT, chứ không nên đong đếm hay phân mức cao thấp. Với lại, phần lớn các nghệ nhân trong cả nước nay đều đã tuổi cao, sức yếu, đời sống rất khó khăn nhưng ai ai cũng say mê cống hiến nên việc xét thu nhập bình quân là rất khó. Nghệ sĩ thì còn có sân khấu để trình diễn thường xuyên, còn đa phần các nghệ nhân thì không, họ chỉ âm thầm với công tác truyền dạy, mấy khi tham gia chương trình hay liên hoan này nọ mà tính chuyện thu nhập. Và quả thật, thực tế đã trả lời cho những quy định bất hợp lý. Từ năm 2016 đến nay, hầu như không có mấy nghệ nhân trong cả nước được nhận sự hỗ trợ này.
Riêng tại TPHCM, từ đó đến nay, không có một nghệ nhân nào nhận được hỗ trợ, dù Sở VH-TT TPHCM đã có nhiều động thái can thiệp. Đáng buồn là, mãi đến nay các bộ, ngành liên quan là Bộ VH-TT-DL và Bộ LĐTB-XH vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn, cũng không có một động thái nào đề xuất về câu chuyện hỗ trợ cho nghệ nhân.
Từ nhiều năm qua, có lẽ tỉnh Bắc Ninh là điểm sáng duy nhất trong cả nước đã làm được việc hỗ trợ cho nghệ nhân, góp phần thúc đẩy bảo tồn và phát triển di sản thế giới dân ca quan họ Bắc Ninh của địa phương. Từ năm 2013, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quy định chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân dân ca quan họ Bắc Ninh; chế độ hỗ trợ với nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và nhân viên phục vụ Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh. Trong đó, quy định rất cụ thể đãi ngộ cho các nghệ nhân; chế độ hỗ trợ cho nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên phục vụ nhà hát, từ phụ cấp theo nghề, bồi dưỡng biểu diễn đến bồi dưỡng luyện tập. Tiến một bước cao hơn, cuối năm 2015, theo nghị quyết của HĐND tỉnh Bắc Ninh, tỉnh này đã thực hiện Quy định chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; đồng thời nâng thêm mức hỗ trợ chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc tại Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh.
Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư tiền tỷ cho các hạng mục, công trình lớn nhỏ tại nhiều địa phương để bảo tồn các hình thức văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Nhưng nhiều nơi, công tác bảo tồn di sản văn hóa vẫn còn bị bỏ quên, hờ hững, thiếu sự quan tâm hỗ trợ, chăm lo cho các nghệ nhân - những người được coi là hồn cốt, là nhân tố nền tảng làm nên giá trị đích thực của di sản, của các loại hình nghệ thuật ấy.
GS-TS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho rằng, khi nói đến di sản tức là nói đến các nghệ nhân. Vì những nghệ nhân là quan trọng bậc nhất, là người sở hữu những giá trị, cốt lõi của loại hình văn hóa dân gian. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, chính phủ có hẳn một chế độ dành cho những nghệ nhân là những báu vật sống. Ở các nước phương Tây, họ không hỗ trợ tiền hàng tháng cho nghệ nhân mà thay vào đó, tạo môi trường riêng biệt để các nghệ nhân thỏa sức hoạt động, sáng tạo và nâng cao thu nhập.
Nếu chúng ta không nhanh chóng thực hiện ngay chính sách trợ cấp xứng đáng cho nghệ nhân, e rằng di sản văn hóa phi vật thể và các loại hình nghệ thuật có thể vẫn còn đấy, nhưng cái hồn cốt thì đã dần mai một và mất đi. Không khẩn trương thực hiện những việc cần làm, e rằng sẽ là quá muộn, chính chúng ta sẽ là người có lỗi với di sản. Chúng ta giữ gìn di sản bằng cách nào đây khi để những “báu vật sống” ấy phải mòn mỏi đợi chờ?