Đám giỗ do Trưởng khu phố Bảy Giáng tổ chức, khách mời dự là đại diện của gần 30 gia đình thương binh, liệt sĩ trong khu phố |
“Di chúc” của người đã khuất
Ngày 26-7 tại Nhà văn hóa Khu phố 1B, thị trấn Cần Đước (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) có một đám giỗ đặc biệt, rất ấm cúng và cảm động. “Đám giỗ” do Trưởng khu phố Bảy Giáng tổ chức, khách mời dự là đại diện của gần 30 gia đình thương binh, liệt sĩ trong khu phố.
Vào ngày giỗ, những người đến dự đám giỗ được đọc “bảng vàng” ghi danh những thương binh, liệt sĩ trong khu phố được in rất đẹp trên tấm biển lớn, sau đó thắp nhang bàn thờ liệt sĩ.
Ông Bảy Giáng thăm hỏi từng đại diện gia đình thương binh, liệt sĩ đến dự đám giỗ; các gia đình thương binh, liệt sĩ thăm hỏi lẫn nhau, chia sẽ thuận lợi, khó khăn trong cuộc sống, chuyện học hành, việc làm của con cháu...
Khác với những đám giỗ bình thường, những người đến dự “giỗ liệt sĩ” cảm thấy tự hào, được an ủi, động viên, thậm chí được giúp đỡ để vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy mà năm nào vào dịp 27-7, họ đều thu xếp chuyện nhà để đến dự.
Bà Nguyễn Thị Cúc (con liệt sĩ Nguyễn Văn Lực và là vợ thương binh Vũ Hùng đã mất) chia sẻ, hàng năm bà đều mong đến ngày này để được gặp đầy đủ những người đồng cảnh ngộ, được thấy an ủi, động viên, được sống trong cảm giác tự hào về sự hy sinh của chồng, của cha...
Ông Bảy Giáng kể, “giỗ liệt sĩ” lần đầu được tổ chức vào năm 1998 tại nhà bà Chung Thị Gương (Khu phố 1B, đã mất), một thương binh cũng là vợ liệt sĩ. Khi ấy, vào ngày Thương binh – Liệt sĩ hàng năm, huyện Cần Đước có mời mỗi ấp, khu phố 1 gia đình thương binh, liệt sĩ tiêu biểu về huyện dự lễ.
Để chia sẻ và động viên những gia đình thương binh, liệt sĩ còn lại, bà Gương đã nghĩ ra chuyện tổ chức “giỗ liệt sĩ” để tất cả gần 30 gia đình thương binh, liệt sĩ trong khu phố được tri ân. Chi phí do bà Gương lo từ tiền chính sách thương binh của mình.
Vậy là từ đó vào tháng 7 hàng năm, các gia đình thương binh, liệt sĩ trong khu phố 1B đều được quây quần bên nhau, thăm hỏi, chia sẻ thuận lợi, khó khăn và giúp đỡ nhau... Về sau, khi khu phố 1B có Nhà Văn hóa khang trang, “giỗ liệt sĩ” được tổ chức ở đây, gia đình các thương binh, liệt sĩ khi đến đám giỗ, người mang trái cây, người mang hoa về cúng để ngày giỗ thêm ấm áp.
Trước khi qua đời (năm 2020), bà Gương trăn trối lại với vợ chồng người con: “Sau khi qua đời, má chỉ mong muốn các con thay má hàng năm làm “giỗ liệt sĩ” để tri ân những người đã hy sinh vì Tổ quốc và an ủi, động viên gia đình họ”. Thực hiện theo ý nguyện của mẹ, hàng năm vợ chồng ông Ba Lai đều tài trợ và cùng trưởng khu phố tổ chức “giỗ liệt sĩ”.
“Giỗ liệt sĩ” được tổ chức ở Nhà Văn hóa |
Nét văn hóa đáng trân trọng
Từ “giỗ liệt sĩ” ở khu phố 1B, việc làm ý nghĩa này đã lan ra các khu phố khác ở thị trấn Cần Đước, rồi cả huyện Cần Đước. Ông Nguyễn Văn Leo (nguyên Bí thư Đảng ủy thị trấn Cần Đước) nhớ lại, một lần được mời đến dự “giỗ liệt sĩ” ở khu phố 1B, ông rất cảm động nên đã triển khai thành chủ trương của Đảng ủy thị trấn và nhân rộng ra các khu phố khác. Sau đó, việc tổ chức “giỗ liệt sĩ” đã lan tỏa trong toàn huyện Cần Đước và duy trì đến ngày nay.
Nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước, ông Nguyễn Văn Bảy nhớ lại, thấy được ý nghĩa của ngày giỗ liệt sĩ, năm 2006, huyện bắt đầu tổ chức lễ giỗ ở cấp xã, cấp huyện và duy trì hàng năm để ngày 27-7 thêm ý nghĩa, ấm áp. Trong lễ giỗ, mọi người cùng dâng hương tưởng nhớ và cùng nhau dùng cơm thân mật.
Khi kết thúc, những đại biểu, gia đình liệt sĩ mang về vài cái bánh, một ít xôi nên ngày giỗ liệt sĩ được cảm nhận như ngày giỗ những người thân quen của mình. Ngày giỗ liệt sĩ vì thế cũng trở thành nét đẹp tri ân của huyện Cần Đước trong công tác đền ơn đáp nghĩa.