Hỏi: Có phải chữ Nôm còn gọi là chữ thuần Việt? Cách gọi từ Hán Việt và từ thuần Việt có chính xác không?
Nguyễn Việt Trung (Đồng Tháp)
Chữ Nôm là thứ chữ cổ, dùng chữ Hán để ghi tiếng Việt. Chữ Nôm có mấy kiểu ghi sau:
1) Phép hội ý: Ghép ý của hai chữ Hán để ghi một tiếng Việt. Thí dụ: ghép hai chữ Thiên (“trời”) ở trên và chữ thượng (“trên”) ở dưới để ghi khái niệm trời.
2) Phép giả tá: Mượn nguyên cả chữ Hán để viết chữ Nôm. Phép giả tá có nhiều cách:
a) Mượn chữ Hán đọc theo âm xưa, tức theo âm chữ Hán từ thời Đường về trước. Thí dụ: lấy chữ viên (“vườn”), phi (“bay”) để ghi các từ vườn, bay.
b) Mượn các chữ Hán để ghi các từ mượn của tiếng Hán – Việt. Thí dụ: an nhàn, trường sinh…
c) Mượn chữ Hán theo âm Hán – Việt để biểu hiện những từ đồng âm mà không đồng nghĩa. Thí dụ: chữ bán (“một nửa”), tốt (“binh lính”) để ghi các chữ bán (buôn), tốt (đẹp).
d) Mượn chữ Hán mà âm Hán – Việt gần với từ Việt để biểu hiện từ ấy một cách gần giống. Thí dụ: biệt (ly) để ghi (hiểu) biết; cố (nhân) để ghi có (tiền).
3. Phép hình thanh (hay tượng thanh): ghép một nửa chữ là hình, một nửa chữ là thanh. Thí dụ: ghép chữ nhân (“người”, chỉ nghĩa) với chữ bán (“nửa”, chỉ âm) để ghi chữ bạn; ghép bộ thủy (“nước”, chỉ nghĩa) với chữ ảo (chỉ âm) để ghi chữ ao (cá).
Trong ngôn ngữ học, không có thuật ngữ chữ thuần Việt. Vậy chữ Nôm không phải là chữ thuần Việt. Từ Hán Việt là từ tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Hán, đã nhập vào hệ thống từ vựng tiếng Việt, chịu sự chi phối của các quy luật ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa tiếng Việt; còn gọi là từ Việt, gốc Hán (Nguyễn Như Ý chủ biên, Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, NXB Giáo Dục, 1996). Nói chung, thuật ngữ này được nhiều người chấp nhận.
Còn từ thuần Việt là các từ vốn có từ lâu đời làm thành vốn từ vựng cơ bản của tiếng Việt. Ví dụ: cha, mẹ, mưa, nắng, đẹp, xấu… (Nguyễn Như Ý chủ biên, sách đã dẫn).
Còn Nguyễn Thiện Giáp trong Từ vựng học tiếng Việt, 1985, nói cụ thể hơn: “Ngoài các từ có thể xác định chắc chắn là tiếng Việt tiếp nhận của tiếng Hán và các ngôn ngữ Ấn, Âu, tất cả các từ còn lại thường được gọi là từ thuần Việt. Những từ được gọi là thuần Việt thường trùng với bộ phận từ vựng gốc của tiếng Việt, chúng biểu thị những sự vật, hiện tượng cơ bản nhất, chắc chắn phải tồn tại từ rất lâu”.
Thuật ngữ này chưa được giới ngôn ngữ học hoàn toàn chấp nhận vì các từ có nguồn gốc từ các ngôn ngữ thiểu số ở Việt Nam hoặc các nước Đông Nam Á như măng cụt (mangoustan), sầu riêng (durien, gốc Mã Lai) có phải là từ thuận Việt không?
PGS.TS Lê Trung Hoa