Bất hợp lý đó dẫn đến nhiều nhà đầu tư chiến lược vay vốn mua cổ phần rồi thu lợi, họ không bỏ vốn đầu tư, vẫn có lời, nếu lỗ thì cũng lỗ từ vốn vay! Trong khi “miếng ngon” bị mất…
Sắp xếp hay thu lợi?
Ngay từ đầu, mục tiêu của việc sắp xếp đổi mới hoạt động của doanh nghiệp nhà nước là nhằm 2 mục đích: giúp doanh nghiệp đổi mới, phát triển và để nhà nước rút khỏi hoạt động kinh tế nhằm chuyên tâm vào quản lý. Như vậy, với hoạt động sắp xếp lại doanh nghiệp bằng cách cổ phần hóa, thoái vốn thì phải ưu tiên tiến hành xử lý sớm đối với những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, làm ăn không hiệu quả và những hoạt động đầu tư ngoài ngành trước. Đằng này, nhìn lại hoạt động sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp thời gian qua vẫn trì trệ đối với những doanh nghiệp yếu kém, chậm cổ phần hóa; trong khi những doanh nghiệp đang làm nên ăn ra thì lại được bán ào ào.
Điển hình là Sabeco được bán cổ phần cho doanh nghiệp Thái Lan nhưng doanh nghiệp này hoàn toàn dùng vốn vay để đầu tư, sau khi đầu tư thì thu được lời ngay. Trong khi chiến lược đầu tư của các tập đoàn nước ngoài lâu nay đã được báo động là họ mua cổ phần ban đầu với giá cao, sau đó đầu tư tăng vốn, nắm quyền kiểm soát rồi thì thực hiện kế hoạch dài hạn, như tập trung vào quảng cáo, tăng thêm vốn, đến khi chúng ta theo không nổi thì họ thao túng. Câu chuyện nhà máy đường Bourbon Tây Ninh của tập đoàn Pháp là một điển hình trong thời kỳ đầu mở cửa hội nhập. Nhà nước góp vốn cùng thành lập nhà máy đường, đầu tư lớn, nhưng họ thực hiện chiến lược dài hạn nên chi tiêu lớn, sau đó tăng vốn rồi nắm quyền kiểm soát. Khi nhà nước buông quyền kiểm soát thì họ xây dựng lại doanh nghiệp, cho lên sàn, bán cổ phần, thu lợi nhuận.
Do vậy, việc tập trung bán cổ phần ở những doanh nghiệp lớn, đang có lời là nhằm giúp ngân sách tăng thu, hay thực hiện mục tiêu đổi mới giúp doanh nghiệp phát triển, cần phải làm rõ. Bởi thực tế, việc đầu tư thời gian qua đã không đi đúng mục đích tái cấu trúc doanh nghiệp yếu kém. Do vậy, đến lúc cần nhìn nhận lại, để hoạt động sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đi vào thực chất và hiệu quả hơn, tránh mất những doanh nghiệp “đẻ trứng vàng” vào tay nhà đầu tư “ngoại”.
Cổ phần hóa chậm nhưng thu tiền khủng
Trong khi cả nước có hàng trăm doanh nghiệp phải cổ phần hóa thì đến giờ, chỉ mới có một số doanh nghiệp phải cổ phần hóa được đặt ra cho giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, năm 2018 mới có 19 doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt phương án cơ cấu lại và 15/85 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp lên đến gần 30.000 tỷ đồng (trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.500 tỷ đồng); 21 doanh nghiệp bán cổ phần lần đầu với tổng giá trị bán đấu giá công khai là 13.800 tỷ đồng, thu về được 21.600 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hoạt động thoái vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành với số vốn 7.800 tỷ đồng, thu về 18.200 ngàn tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 18 đơn vị với số vốn 1.300 tỷ đồng, thu về 25 ngàn tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thoái 6.500 tỷ đồng, thu về 15.700 tỷ đồng (riêng SCIC thoái vốn tại 9 doanh nghiệp với giá trị 2.700 tỷ đồng, thu về 10.000 tỷ đồng). Như vậy, trong năm 2018, tổng giá trị bán cổ phần từ hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước với tổng vốn bán ra là 21,600 tỷ đồng, thu về gần 40.000 tỷ đồng.
Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp lớn đang làm ăn có hiệu quả đã bị cổ phần hóa, rơi vào tay tư nhân. Mục tiêu đề ra sau cổ phần hoá là nâng cao năng lực quản trị, góp phần chống tham nhũng. Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, rất nhiều doanh nghiệp vẫn chây ỳ , không thực hiện niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán nên không thể giám sát hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, trong năm 2019, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII). Bên cạnh đó cũng sẽ hoàn thiện các quy định về quản lý tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, quy định về quản lý, sử dụng tiền bán cổ phần, vốn góp của công ty mẹ tại các công ty con theo đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và nâng cao chất lượng đầu tư, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và công khai, minh bạch tại doanh nghiệp.
Do vậy, đối với các doanh nghiệp chậm tiến độ cổ phần hóa vì lý do khách quan, Thủ tướng yêu cầu cần kịp thời báo cáo Thủ tướng các khó khăn, vướng mắc để xem xét, giải quyết. Đồng thời, phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc chậm trễ công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn...