Cơ quan hành chính nhà nước phải họp báo 3 tháng/lần

Ngày 17-5, Bộ TT-TT đã tổ chức họp báo, công bố những nội dung mới của Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4-5-2013. Quy chế mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7, thay thế quy chế cũ đã được Thủ tướng ban hành từ năm 2007.
  • Chưa sửa Điều 7 Luật Báo chí

(SGGP).– Ngày 17-5, Bộ TT-TT đã tổ chức họp báo, công bố những nội dung mới của Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4-5-2013. Quy chế mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7, thay thế quy chế cũ đã được Thủ tướng ban hành từ năm 2007.

Tại cuộc họp báo, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT), cho biết, đối với cơ quan hành chính nhà nước, người phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí là người đứng đầu cơ quan hoặc được ủy quyền phát ngôn, cung cấp thông tin thường xuyên cho báo chí. Trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính nhà nước, người phát ngôn hoặc người được ủy quyền có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là 1 ngày kể từ khi vụ việc xảy ra (trước đây là 2 ngày).

Quy chế cũng khẳng định, các cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước được cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí. Bất luận trong trường hợp nào, dù người đứng đầu cung cấp thông tin cho báo chí hay người phát ngôn phát ngôn sai, người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm.

Quy chế mới cũng bổ sung các quy định về trường hợp từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo và các chế tài xử lý vi phạm nếu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện đúng quy chế. Bên cạnh đó, các cơ quan hành chính hàng tháng phải cung cấp thông tin cho báo chí và cập nhật thông tin trên cổng thông tin điện tử hoặc trang tin điện tử của cơ quan mình. Ít nhất 3 tháng 1 lần tổ chức họp báo, thay vì 6 tháng 1 lần như trước đây. Bộ TT-TT sẽ định kỳ kiểm tra việc thực hiện quy chế của các cơ quan hành chính nhà nước, tổng hợp báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc gần đây Bộ Công an nêu ý kiến sửa đổi Điều 7 Luật Báo chí hiện hành, ông Hoàng Hữu Lượng cho rằng, đó là ý kiến của một bộ, còn hiện nay Luật Báo chí vẫn đang có hiệu lực. Trước đây khi xây dựng Luật Báo chí, một phần Điều 7 được thiết kế với nội dung: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng VKSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”, đã được các cơ quan chức trách và chuyên gia làm luật tính toán kỹ.

TRẦN BÌNH

Tin cùng chuyên mục