
Ngày càng có nhiều sinh viên thích kinh doanh. Họ xin tiền gia đình hay góp nhặt từ những công việc làm thêm vất vả. Nhưng đi vay mượn bạn bè gần 50 triệu đồng để mở một quán cà phê chắc chỉ có một. Cô sinh viên Nguyễn Thị Thu Lành (khoa Công tác xã hội, Đại học KHXH&NV TPHCM) đã cho ra đời quán cà phê “Cải” bằng cách đó.
“Lùn và... liều”

Đó là ấn tượng về Lành mà một bạn cùng lớp với cô nhận xét. Dáng thấp bé, trầm lặng ít nói, mới là sinh viên năm hai nhưng những gì Lành làm được khiến ai đã là bạn của cô đều tự hào.
Từ năm cấp 3, Lành đã có sở thích lê la khắp các quán cà phê ở Đà Nẵng, chỉ để ngắm, để đắm chìm trong không gian đặc trưng đó. Rồi năm lớp 12, như một cơ duyên, Lành quen với hai chị bạn có cùng sở thích trong một chương trình từ thiện. Sau đó cà phê “Nếp” ra đời có một phần vốn của Lành trong đó. “Nếp” là nơi đầu tiên vun đắp ước mơ của Lành để sau này “Cải” lại ra đời.
“Ai cũng cần phải bay nhảy”, nghĩ vậy nên học hết năm 12 Lành quyết định rút vốn vào TPHCM tìm hướng đi mới. Đối mặt với cuộc sống khó khăn trên mảnh đất Sài Gòn, không ít lần Lành thúc giục mình nên làm một điều gì đó, nếu không tuổi trẻ sẽ qua nhanh.
Ước mơ về một hiệu sách hay một quán cà phê vẫn còn nguyên vẹn và cháy bỏng trong Lành. Nhưng việc học và làm thêm đã chiếm gần hết thời gian của cô sinh viên chăm chỉ. Sau Tết vừa rồi, vào lại thành phố Lành gần như chán ngấy cái điệp khúc lên trường - về phòng ở KTX. Những tưởng ước mơ kia sẽ bị vùi lấp mãi mãi, nhưng chính lúc này sự thôi thúc trong Lành lại mãnh liệt hơn bao giờ hết. Cô gác lại tất cả để bắt tay thực hiện một “dự án kinh doanh” không định trước.
Trước tiên là phải có mặt bằng. Lành đi vòng quanh làng đại học Thủ Đức tìm nơi cần sang lại quán. Nhiều ngày lang thang không tìm được ai cho thuê, Lành bèn nghĩ cách… “buộc” người ta sang lại cho mình. Trước cổng trường Đại học Khoa học Tự nhiên có một tiệm bán nước mía siêu sạch nhưng rất ế ẩm. Thấy vậy Lành vào quán gọi một ly nước mía và yêu cầu… sang lại quán.
Cô kể: “Thấy cô chủ quán đang mang bầu đi lại khó khăn nên mình đặt vấn đề. Cũng may là họ đồng ý ngay”. Lúc đó, chỉ có hơn 100.000 đồng trong túi nhưng Lành vẫn liều lĩnh ký hợp đồng trả 16 triệu đồng cho “giá trị mặt bằng thuận tiện”, và còn 3,5 triệu đồng mỗi tháng với diện tích vỏn vẹn 40m2. Cô chấp nhận giá cao để được thực hiện ước mơ còn hơn là tiếp tục cuộc sống nhàm chán.
Có mặt bằng rồi mà Lành vẫn còn băn khoăn không biết sẽ kinh doanh cái gì, lấy tiền đâu ra? Cuối cùng cô đã chọn cà phê vì kinh doanh sách thì tốn nhiều tiền quá. Tiếp đó Lành đi vay mượn hết người này đến người khác được gần 50 triệu đồng, phần lớn là từ những người bạn lớn tuổi hơn mình. Điều làm cô chủ tự hào hơn cả là đã tự mình thiết kế bàn ghế cho quán. Lúc mới về, chỉ có căn phòng trống không với mấy cái ghế nhựa nhưng cô không muốn sử dụng vì chiếm nhiều diện tích. Lành ngồi vẽ “bản mẫu” tất cả bàn ghế ra giấy trong vòng… 5 phút rồi đặt thợ đóng. Sau đó cô cùng bạn bè bắt tay vào trang trí, sơn phết, sắp xếp… đồ đạc cho quán mà không cần đến bàn tay một người thợ nào nữa cả.
Thành công có nghĩa là vượt qua
“Cải” ra đời đã được hơn ba tháng, quán khá đông khách và toàn là sinh viên. Đáng lẽ quán có một sinh viên nữa phụ bán, là chị họ của Lành nhưng hôm tôi gặp Lành, người chị họ đã về quê, chỉ còn mình Lành cáng đáng mọi việc trong ngoài. Lành ngồi tại quán nói chuyện với tôi, lâu lâu có khách í ới gọi là cô lại đứng bật dậy tiếp tục bưng bê cho khách.
Lành tâm sự: “Lúc mới mở quán, pha chế không ngon nên bị “chửi” hoài. Mỗi lần khách đến, đợi họ uống xong mình lại dọn dẹp rồi “xin ý kiến” luôn. Nhờ vậy nên từ từ “lên tay”, bây giờ thì ổn rồi”. Tôi hỏi Lành về ý nghĩa tên quán, cô bảo mình thích tên “Cải” thế thôi. Tôi cũng không tiện hỏi thêm, chỉ biết rằng tất cả ký ức xưa cũ về hoa cải vàng và một em bé tên Cải nào đấy gom góp lại trong cái tên quán mộc mạc này…
Cà phê “Cải” nép mình giữa những cửa hàng tạp hóa, quán cơm, tiệm phô tô… đối diện trường Đại học Khoa học Tự nhiên nhưng hôm nào cũng có nhiều sinh viên đến quán. Lý do có lẽ vì ngoài chuyện cô chủ cũng là sinh viên, khéo chiều khách thì trong quán còn có một kệ sách. Lành có bao nhiêu sách hay đều đem ra cho khách đọc. Khách đến thấy hay, rồi mỗi lần sau đến lại mang tặng cô chủ trẻ một cuốn. Tuy không nhiều lắm nhưng giờ cũng được vài mươi cuốn rồi.

Không gian cà phê “Cải”
Bước vào “Cải”, khách dễ dàng bắt gặp bảng lưu bút ngay cạnh cửa vào. Đó là những mảnh giấy be bé ghi những tâm sự của sinh viên khi đến quán. Đó là cảm nhận về đĩa nhạc dịu êm của quán, những lời nhắn vu vơ cho bạn bè, hay chia sẻ với cô chủ trẻ khi lần đầu đến quán… Cũng chính nhờ “cầu nối” ấy mà sinh viên đến đây cảm nhận được cảm giác gần gũi, thân thương của không gian cà phê không ồn ào, không xa cách và không khói thuốc.
Rồi những khó khăn ban đầu như chi phí mỗi tháng tốn gần 10 triệu đồng trong khi giá nước ở đây lại “rất sinh viên”. Cũng có lúc Lành nghĩ mình đã thất bại rồi, nhưng cuối cùng cô đã vượt qua được tất cả để bước tiếp con đường mình đã chọn. Lành chia sẻ: “Có thất bại thì mới có thành công. Với mình thành công không phải là những gì mình có trong tay, thành công là khi mình đã vượt qua được khó khăn trong cuộc sống”.
Sau giờ học, Lành hầu như dành hết thời gian cho quán. Cô cho biết nhờ làm việc ở quán mà cô đã học được thêm rất nhiều điều. Từ một cô sinh viên liều lĩnh và nông nổi, giờ trông Lành điềm tĩnh và chững chạc hơn rất nhiều. “Nếu như trước đây mình gặp người thiếu lịch sự, mình sẽ tỏ rõ thái độ làm người khác bực mình còn mình thì thỏa lòng. Bây giờ chẳng những mình làm họ thay đổi suy nghĩ mà còn không giận mình. Vậy là thắng được bản thân, cũng tự hào lắm”, cô chủ trẻ cười bảo với tôi.
Sinh viên đến quán của Lành ngày càng nhiều, để hội họp, để “ngồi wifi”, có khi còn tổ chức cả tiệc sinh nhật… Có lẽ Lành đã thành công vì dám thực hiện điều mình nghĩ, đến cả gia đình cũng không biết việc cô làm. Giờ Lành đang ấp ủ ý định mở thêm một quán cà phê “Cóc” nữa, cũng ghế gỗ và không gian thật đơn giản để phục vụ sinh viên…
GIẢN PHÚC
(SGGP thứ bảy)