Cổ tích trong đời thường

Năm 1986, ông Nguyễn Văn Khang (ngụ số 228/2 đường Phan Chu Trinh, phường 2, TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), chiến sĩ Hải quân Tiểu đoàn 464, Trung đoàn 84, thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân được xuất ngũ. Năm 1987, sung sướng có được con gái yêu quý chào đời, ông đặt tên con Nguyễn Vân Anh.
Cổ tích trong đời thường

Năm 1986, ông Nguyễn Văn Khang (ngụ số 228/2 đường Phan Chu Trinh, phường 2, TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), chiến sĩ Hải quân Tiểu đoàn 464, Trung đoàn 84, thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân được xuất ngũ. Năm 1987, sung sướng có được con gái yêu quý chào đời, ông đặt tên con Nguyễn Vân Anh.

Niềm vui hạnh phúc làm cha chưa được trọn vẹn thì ông bị choáng váng khi bác sĩ chẩn đoán, cháu bị điếc bẩm sinh. Chữa trị khắp nơi, nhưng không tia hy vọng con gái được lành bệnh. Thương con, ông nén nỗi đau trong lòng. Ông nghĩ phải dạy cho con biết chữ để giao tiếp với mọi người. Từ mạch nguồn của lòng yêu thương, cảm thông với những em thơ bị khuyết tật bẩm sinh như con mình, ông đến Sở LĐTB-XH tỉnh xin danh sách các cháu bị khuyết tật. Rồi ông mở lớp tại nhà dạy các em câm điếc học chữ.

Ông Nguyễn Văn Khang (bên phải) hướng dẫn một em bị bại não lắp ráp đồ chơi.

Ông Nguyễn Văn Khang (bên phải) hướng dẫn một em bị bại não lắp ráp đồ chơi.

Ông suy nghĩ giản dị: “Có thêm các em đến học, con mình sẽ có bạn và vui hơn. Việc này cũng giúp các em có cái chữ đỡ thiệt thòi, làm vơi đi nỗi khổ tâm cho cha mẹ các em”. Lớp học lúc đầu chỉ có vài em. Sau lên đến gần 20 em. Ngoài việc dạy chữ, vợ chồng ông còn phải lo ăn uống, vệ sinh cho các cháu nhỏ. Nhìn các em giao tiếp chỉ bằng ánh mắt và cử chỉ ngây thơ mới thấu được giá trị của những con chữ mà ông đã gieo bằng tất cả yêu thương vào tâm hồn các em.

Căn nhà của ông Khang đã trở thành mái ấm yêu thương và điểm đến của những tấm lòng thương yêu trẻ thơ. Từ nơi đây, nhiều trẻ em đã giao tiếp được với mọi người qua dòng chữ mềm mại. Những con chữ cũng là chìa khóa giúp các em mở cửa bước vào đời. Nhiều em nhờ biết chữ đã xin được việc làm, như em Nguyễn Minh Sự đã có việc làm bên xã Phước Tỉnh, huyện Long Hải. Khi nhận tháng lương đầu tiên, em Minh Sự đã chia làm 3 phần dành cho ba mẹ, phần để em chi tiêu còn lại để biếu thầy Khang. Khi nghe chuyện, mọi người vui mừng và xúc động trào nước mắt.

Một dịp đến thăm gia đình bạn bè, đồng đội cũ, ông Nguyễn Văn Khang gặp 4 em bị bệnh bại não. Với trái tim nhân hậu, ông day dứt khôn nguôi. Vậy là ông bàn với gia đình xin nhận nuôi dạy và chăm sóc cả 4 em bại não. Hàng ngày, ông uốn nắn từng dáng đi, lời nói. Ông cầm tay dạy các cháu việc nhỏ như đánh răng, thay quần áo mỗi ngày. Có em không biết tự ăn uống chỉ nằm yên trên ghế. Ông đã đút từng thìa cơm, nâng dần cho em đi lại. Đến nay 3 trong số 4 em đã được gia đình đón về. Nhìn con thơ cười hồn nhiên, ánh mắt trong sáng, gia đình các em đã không nén được xúc động. Tổ ấm của ông Khang như đã sinh ra các cháu lần thứ hai.

Việc làm của ông Khang đơn giản là vậy, nhưng sao quá giống chuyện cổ tích giữa đời thường! Từ lòng yêu thương dành cho đứa con gái đầu lòng chẳng may khuyết tật, ông Nguyễn Văn Khang đã dang rộng vòng tay nhân ái đến bao gia đình đồng cảnh ngộ. Những đứa trẻ khuyết tật may mắn được “thầy Khang” dạy cho biết chữ sẽ cảm nhận thế nào là hạnh phúc khi giao tiếp được với cộng đồng. Có lẽ, đứa con gái ông cũng trong niềm vui như thế. Vậy là, hạnh phúc đã nhân đôi!

VŨ ĐỨC VINH

Tin cùng chuyên mục