Cổ vũ thói quen đọc sách của người trẻ

Cuộc thi tìm kiếm ý tưởng “Xây dựng thói quen đọc sách trong giới trẻ” năm 2019 do Thành đoàn TPHCM và Đường sách TPHCM tổ chức, vừa có buổi trao giải tại Đường sách TPHCM. 

Ban tổ chức quyết định trao 12 giải, trong đó có giải “Ý tưởng yêu thích” tại mạng xã hội của Thành đoàn TPHCM và bình chọn trực tiếp tại Đường sách TPHCM. 

Những ý tưởng thiết thực

Trong số 11 ý tưởng vào vòng chung kết, dù với những thứ hạng khác nhau nhưng các ý tưởng đã thể hiện tính độc đáo, mới lạ và tâm huyết đối với việc đọc sách hiện nay. Có thể kể đến ý tưởng “Tủ sách gia đình - Nơi nuôi dưỡng tâm hồn trẻ” của tác giả Lê Nguyễn Thương Hiếu Nghĩa (Quận đoàn 7) khi bày tỏ sự cần thiết của một tủ sách ngay trong gia đình. Theo Hiếu Nghĩa, việc rèn luyện, xây dựng thói quen đọc sách của giới trẻ phải xuất phát từ cái nôi gia đình.

Bên cạnh đó, còn nhiều ý tưởng cũng thể hiện sự độc đáo và thu hút như “Trao đổi sách Book Exchange” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thanh Hằng, “ACA - Tủ sách thông minh” của nhóm tác giả Nghiêm Quỳnh Anh, “Cộng đồng ShareBook” của nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Minh Huy, “Sách chuyền tay” của Huỳnh Quang Dũng, “Readers are Lifelong learners - Người đọc là người học suốt đời” của Trần Thị Kim Thoa… 

Cổ vũ thói quen đọc sách của người trẻ ảnh 1 Việc đọc sách còn giúp trẻ em dễ dàng kết nối với nhau hơn

Theo TS Quách Thu Nguyệt, thành viên ban giám khảo, 11 ý tưởng vào chung kết được thể hiện trên mọi lĩnh vực, từ nhà trường, gia đình cho đến khu phố, cộng đồng. Điều này cho thấy sự quan tâm của nhiều người đối với việc tạo lập thói quen đọc sách, lan tỏa tinh thần khai minh trong cộng đồng.

“Những ý tưởng của các bạn ngày hôm nay cũng gợi mở cho chúng tôi như làm sao đọc sách, chọn sách phải phù hợp với tâm lý của từng lứa tuổi. Chúng ta không nên ép đứa trẻ đọc cuốn sách do cha mẹ chọn lựa mà đọc cuốn sách do các cháu thực sự yêu thích, mới khiến các em yêu thích đọc sách được. Hoặc những điều kiện để hỗ trợ việc đọc sách phải phù hợp với tâm lý người trẻ hoặc sự tận dụng công nghệ để có thể khuyến dụ những người trẻ đọc sách”, TS Quách Thu Nguyệt cho biết.

Thành lập tủ sách ở chung cư 

Đoạt giải cao nhất trong cuộc thi là ý tưởng “Tủ sách kết nối” tại các chung cư của em Lê Phương Thảo Vy (lớp 9A1, Trường THCS và THPT Đinh Thiện Lý, quận 7). Ý tưởng này đã được thực thi tại chính chung cư của em vào năm 2018. Ban đầu, Thảo Vy chỉ có ý định thành lập “Tủ sách kết nối” nhằm tạo nên sự gần gũi, thân thiết giữa các cư dân trong chung cư.

Bởi thực tế, cuộc sống đô thị ngày càng bận rộn khiến mọi người càng ít thời gian hơn để có thể giao tiếp với những người sống cùng khu dân cư. “Sự thành công không phải vì chung cư có một tủ sách đẹp mà đã có một sợi dây vô hình nào đó gắn kết mọi người trong chung cư khi những trang sách mở ra. Cuộc sống tại các chung cư không chỉ hiện đại mà còn văn minh, ấm áp bởi những lời hay ý đẹp mà các cư dân nhí chia sẻ hàng ngày trên fanpage chung cư”, Thảo Vy chia sẻ về ý tưởng của mình. 

Thảo Vy đã cùng 2 người bạn của mình thành lập “Tủ sách kết nối”, đặt tại phòng sinh hoạt cộng đồng của chung cư. Vào chủ nhật hàng tuần, các em sẽ dành ra 2 giờ để cùng đọc sách và trao đổi những điều thú vị, bổ ích từ sách. Hiện tại, sau thành công tại chung cư Belleza, Thảo Vy và các bạn đang trong quá trình đàm phán để mở rộng thêm phòng đọc tại chung cư New Sài Gòn - Hoàng Anh Gia Lai 3 và Scenic Valley (quận 7).

Có thể nói, ý tưởng “Tủ sách kết nối” của em Lê Phương Thảo Vy là một gợi ý hay để hình thành nên những tủ sách tại các chung cư. Bởi thực tế hiện nay, do nhu cầu nhà ở tại các đô thị lớn, rất nhiều chung cư đã mọc lên. Hầu như tại chung cư nào cũng có không gian sinh hoạt cộng đồng dành cho cư dân; có điều không phải chung cư nào cũng có nhiều hoạt động thiết thực và bổ ích. Đặc biệt, tủ sách hầu như vắng bóng hoàn toàn tại các không gian này. 

Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, đánh giá cao tính thiết thực của “Tủ sách kết nối”. Bởi theo ông, ý tưởng này đã được áp dụng thành công ngay tại chung cư của em Thảo Vy. Ngoài ra, rất nhiều không gian dành cho cộng đồng tại các chung cư nhằm phục vụ lợi ích của cư dân đã hình thành. Bởi vậy, tính khả thi của ý tưởng rất cao.

Ông Lê Hoàng nói thêm: “Khi tủ sách đi vào hoạt động tốt, nó cũng tạo nên một kiểu sinh hoạt cộng đồng ích lợi, đó là người ta đến với nhau vì mục tiêu góp phần giúp mình sống tốt hơn. Việc hình thành một tủ sách tại chung cư cũng góp phần giúp con em họ đến với loại hình giải trí lành mạnh hơn, giảm bớt việc lạm dụng smartphone, ipad, game…, vốn là cảnh báo đối với cộng đồng, với xã hội hiện nay”.

Tin cùng chuyên mục