Môn thi đấu này xét về mức độ hấp dẫn, kịch tính và cả yếu tố hình ảnh cũng rất đáng thưởng thức.
Nhân chuyện môn thể thao được mệnh danh là “nữ hoàng” vắng khán giả tại Việt Nam, mới đặt vấn đề: Nếu xem bóng đá, môn thể thao “vua”, là số 1 thì đâu sẽ là những môn thể thao số 2, số 3…
Lấy ví dụ ở Mỹ, khoảng 3 thập niên trước, bóng chày là môn thể thao dẫn đầu với tỷ lệ lên đến 70% người quan tâm trong các cuộc khảo sát thường niên của Viện Gallup. Qua thời gian, hiện nay môn được quan tâm nhất là bóng bầu dục. Kế tiếp là bóng rổ. Bóng chày rơi xuống vị trí thứ 3, sắp bị bóng đá bắt kịp. Cũng theo khảo sát, 5 môn thể thao hàng đầu chiếm đến 70% lượng người quan tâm, 30% còn lại dành cho hơn 20 môn thể thao khác. Tuy nhiên, có nhiều môn thể thao tại Mỹ gia tăng sự quan tâm của công chúng với tốc độ chóng mặt, nhiều khả năng làm cho các môn như bóng chày, bóng rổ mất đi vị thế của mình trong tương lai. Đa số các môn có tỷ lệ tăng cao đều được giới trẻ yêu thích. Chính vì vậy, sự biến động của tỷ lệ quan tâm cũng phần nào phản ánh thái độ của người dân đối với việc tập luyện sức khỏe.
Việt Nam không có khảo sát như vậy, và đương nhiên, khoảng cách giữa 2 nền thể thao cũng xa vời vợi. Nhưng nếu có khảo sát, kết quả có lẽ cũng chẳng nói lên được điều gì. Đơn giản là bóng đá gần như sẽ chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối. Không cần dùng đến khảo sát, thì một trận bóng đá có đội HA.GL hoặc Hà Nội thi đấu, lượng khán giả cũng ngang bằng với một giải bóng chuyền với hàng chục trận đấu. Mà đó là bóng chuyền nữ, tổ chức ở các địa phương xa, chứ tại những thành phố lớn thì lượng khán giả cũng khá hạn chế.
Việc có một môn thể thao vượt trội tại một quốc gia không phải là chuyện gì bất thường, đặc biệt là bóng đá. Nhưng ở tỷ lệ gần như “độc quyền” về sự quan tâm như bóng đá tại Việt Nam, đó là vấn đề không nhỏ trong công tác quản lý cũng như mục đích phát triển sức khỏe cộng đồng. Mức độ quan tâm thông thường đi kèm với tỷ lệ người tập luyện môn thể thao đó. Nếu một giải quần vợt quốc gia thi đấu mà trên khán đài chỉ có VĐV hoặc gia đình mình đến xem, cũng có thể hiểu là quá ít người đang tập quần vợt. Các giải điền kinh quốc gia thường tổ chức tại Hà Nội hay TPHCM, cũng có thể vì hiện nay, hệ thống đường chạy đủ tiêu chuẩn tại các địa phương đã không còn được sử dụng dù đa số sân vận động tại Việt Nam luôn thiết kế bao gồm thi đấu điền kinh.
Không phải tự nhiên mà sau bóng đá, bóng chuyền thường sẽ có nhiều khán giả đến sân xem, bởi môn này dễ tập luyện, dễ tổ chức thi đấu ở dạng phong trào, nên vẫn duy trì được người chơi dù như đã nói, so với bóng đá, bóng chuyền vẫn vô cùng khiêm tốn về mức độ quan tâm.
Điều đáng nói ở đây là thể thao Việt Nam khi thi đấu quốc tế luôn cố gắng tham gia rất nhiều môn và thực tế thì thành tích tại SEA Games hay Asiad cũng ngày càng tăng về số môn thể thao. Sự thay đổi này phù hợp với sự tăng trưởng về kinh tế, cho thấy sự đầu tư của Nhà nước cho thể thao đúng mức, xứng tầm. Nhưng nếu xét đến các khía cạnh xã hội, thì những người làm thể thao lại chưa hoàn thành trách nhiệm của mình. Chỉ tốt ở phần đỉnh và hầu như không có đáy.
Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, phát triển nhanh công nghệ giải trí, thông tin, và quan trọng hơn đó là tỷ lệ dân số được trẻ hóa. Đây đều là những yếu tố thúc đẩy cho thể thao chuyên nghiệp và đa dạng hóa các môn chơi. Thế nên, nếu sau bóng đá, hoàn toàn không có môn thể thao nào được người dân quan tâm một cách đông đảo, thì cũng đồng nghĩa có quá ít sự lựa chọn tích cực trong đời sống của người dân. Đặc biệt là giới trẻ, vốn đang chịu nhiều tác động từ mạng xã hội, các xu hướng giải trí phức tạp. Nếu đam mê một vài môn thể thao mới lạ, họ sẽ giảm bớt thời gian trong thế giới ảo. Bóng đá dù có tác động tốt, nhưng không phải ai cũng có điều kiện hoặc tố chất để chơi bóng đá.
Nguyên nhân cho việc có “vua” mà không “nữ hoàng” thì rất nhiều, nhưng dễ nhận thấy nhất chính là thiếu con người tâm huyết để phát triển các môn chơi. Chúng ta cũng hoàn toàn không có những hình tượng ngôi sao thành công để thu hút công chúng tương tự ở môn bóng đá. Bản thân các nhà quản lý, lãnh đạo địa phương cũng không mặn mà với phong trào thể thao, không có những hình thức ưu đãi đầu tư cho các môn thể thao khác như đã từng có thời “trải thảm đỏ” ở môn bóng đá.