Cởi "chiếc áo " quá chật

Cởi "chiếc áo " quá chật

Năm học mới 2016 - 2017, TPHCM có 1.157.700 học sinh, tăng thêm 59.000 học sinh so với năm học trước. Với chủ trương của Thành ủy, UBND TPHCM là dù khó khăn đến đâu cũng phải đảm bảo chỗ học cho học sinh, các quận, huyện đều cố gắng sắp xếp, bố trí đủ phòng học, chỗ học theo nhu cầu.

Cởi "chiếc áo " quá chật ảnh 1

 Gần 2.000 phòng học mới đưa vào sử dụng nhưng năm học mới vẫn thiếu phòng học. Ảnh: Mai Hải

Với hàng chục trường mới được khánh thành và hàng trăm phòng học được sửa chữa, cải tạo, năm học mới có thêm gần 2.000 phòng học mới đưa vào sử dụng. Thế nhưng, ở những địa bàn có dân số nhập cư tăng quá nhanh như quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, quận 12, huyện Hóc Môn… áp lực đảm bảo chỗ học vẫn nóng và nặng nề đối với chính quyền, phòng GD-ĐT các quận, huyện. Không chỉ giảm lớp bán trú - học 2 buổi/ngày, trưng dụng mặt bằng trống có thể cải tạo thành phòng học, nhiều trường phải lấy cả phòng chức năng, chuyên môn để tăng chỗ học. Trước tình cảnh “giật gấu vá vai”, kể cả thu hẹp sân chơi, tận dụng phòng tập, phòng chức năng, học sinh phải cam chịu thiếu chỗ sinh hoạt, thực hành, học kỹ năng...

Theo nhiều hiệu trưởng, họ cảm thấy lo lắng, “lực bất tòng tâm”. Bởi lẽ, nhiệm vụ giáo dục học sinh toàn diện theo yêu cầu đổi mới giáo dục rất nặng nề và khi thiếu nhiều điều kiện như nêu trên làm sao thực hiện được? Với mục tiêu cải thiện chất lượng đào tạo, tạo cơ hội cho học sinh TPHCM nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học, mở rộng nghiên cứu khoa học kỹ thuật…, ngành GD-ĐT thành phố đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày. Thế nhưng, mục tiêu này rất khó thực hiện vì áp lực tăng dân số cơ học ngày một lớn. Dù mỗi năm TPHCM đã dành 26% ngân sách cho giáo dục, trong đó riêng xây dựng trường lớp với hàng ngàn phòng học mới đã tốn khoảng 3.000 tỷ đồng. Vậy mà quy mô xây trường lớp “khủng” như thế cũng không theo kịp tốc độ tăng dân nhập cư, tăng chỗ học cứ phát sinh năm sau cao hơn năm trước. Và để đảm bảo chỗ học trên địa bàn, nhiều trường chuẩn quốc gia phải phá chuẩn, nhiều trường đạt chất lượng giáo dục phải vượt chuẩn sĩ số. Thử hỏi với sĩ số lớp học lên 50 - 55 học sinh/lớp, làm sao giáo viên có thể dạy tốt, chú trọng phát triển năng lực của từng em? Thay vì mở rộng chủ trương xã hội hóa giáo dục, mở thêm nhiều lớp học tiếng Anh theo chuẩn quốc tế tại trường, nhiều nơi đành gác lại ý tưởng, dự án có lợi cho học sinh…

Dù nguồn ngân sách mà TPHCM đầu tư cho giáo dục khá lớn, nhưng so với yêu cầu phát triển giáo dục theo hướng hội nhập khu vực và quốc tế thì nó còn eo hẹp, thiếu trước hụt sau. Nhìn lại còn nhiều ngôi trường chưa đạt chuẩn về nhiều mặt và học sinh còn thiếu sân chơi, thiếu môi trường thực hành, phát triển thể lực, rèn luyện kỹ năng sống… Dù có thế mạnh về trình độ ngoại ngữ, tin học nhưng tỷ lệ học sinh yếu, thiếu kỹ năng chuẩn về ngoại ngữ tiếng Anh còn cao. Vì vậy, TPHCM cần được trao quyền, có cơ chế, chính sách riêng trong tuyển dụng, thu hút giáo viên, chuyên gia giỏi, có năng lực vào ngành giáo dục. Hiện tại, quy mô trường lớp ở TPHCM tăng nhanh, sĩ số học sinh quá đông nhưng chế độ tiền lương thu nhập cho giáo viên vẫn áp dụng chung cho cả nước là bất hợp lý. Một khi không thể tăng biên chế, cải thiện tăng thu nhập của giáo viên theo năng lực, khối lượng công việc thì khó có thể đòi hỏi chất lượng. Đây chính là thách thức và nó đang kềm hãm sự tiềm năng phát triển của giáo dục TP.

Muốn tạo ra đột phá trong giáo dục, hội nhập với khu vực, TPHCM cần có nguồn lực lớn, ổn định để đầu tư bài bản cho sự nghiệp giáo dục. Nếu cứ mãi chạy theo yêu cầu đảm bảo chỗ học cho tất cả học sinh như trên thì TPHCM khó có thể giải được bài toán trường ra trường, lớp ra lớp, nói gì đến phát triển giáo dục đúng tầm và hội nhập.


KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục